TS. Đỗ Văn Sinh
Dựa vào đâu mà ông tin rằng, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 có thể đạt 6,5 - 7%?
Năm 2016, GDP tăng trưởng 6,21%, năm 2017 tăng 6,81%, còn năm 2018, khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% gần như chắc chắn đạt được. Thậm chí, nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế còn dự báo, khả năng GDP năm nay tăng 6,8 - 6,9%. Chưa cần GDP tăng 6,8 - 6,9%, chỉ cần đạt mục tiêu tăng 6,7%, thì bình quân giai đoạn 2016 - 2018, GDP tăng 6,57%, tức là đã đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% của cả giai đoạn 2016 - 2020.
Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 còn cao hơn năm 2018. Với xu thế này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020 chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Đó chỉ là dự báo, thưa ông?
Những dự báo trên được đưa ra trên cơ sở số liệu khách quan và phân tích khoa học. Trong 3 năm qua, nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch 5 năm, như tổng vốn đầu tưphát triển toàn xã hội, bội chi ngân sách nhà nước, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động, xuất khẩu, nhập siêu…
Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức 2 con số.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tỷ lệ nợ công giảm từ 63,8% năm 2016 xuống còn 61,4% năm 2018. Khi nợ công giảm, Chính phủ có dư địa để đẩy mạnh đầu tư công, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác đẩy mạnh đầu tư, sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý II/2018. Theo đó, 65% thành viên EuroCham cho biết kết quả kinh doanh tốt, 12% cho biết kết quả kinh doanh “xuất sắc”; 64% thành viên EuroCham dự báo kết quả kinh doanh thời gian tới tốt và 15% dự báo kết quả kinh doanh xuất sắc.
Các thành viên EuroCham cũng rất lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở hiện tại, cũng như trong tương lai, khi có tới 57% nhận định là “ổn định và cải thiện”.
Một trong những nhân tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao là nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ còn khoảng 17%, thay vì 18,24% năm 2017?
Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn các năm trước là thực hiện đúng chủ trương kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng không bằng các năm trước, nhưng mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2018 thấp hơn năm 2017, nhưng tổng khối lượng tiền bơm ra cho nền kinh tế vẫn tăng, thậm chí tăng rất cao do dư nợ tín dụng năm 2017 đã rất cao. Đặc biệt, với việc xử lý thành công bước đầu nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Nền kinh tế có thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng ngoài khối lượng tín dụng các ngân hàng bơm vào sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân được coi là một trong những trụ cột để tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Theo ông, mục tiêu này có thành hiện thực?
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 với rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực này như hỗ trợ vốn tín dụng; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; kế toán; khởi nghiệp…
Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang nhận được rất nhiều sự ưu đãi về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất. Vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy khu vực này phát triển.
Có thể đến năm 2020 không đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, nhưng doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh, là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế, thay vì quá phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay.
Thưa ông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn tác động tới Việt Nam và ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 và giai đoạn 2026 - 2020?
Hàng hóa chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không phải là mặt hàng Trung Quốc xuất vào thị trường này. Tương tự, hàng hóa chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng không phải là những mặt hàng Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc. Như vậy, về lý thuyết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không tác động đến hoạt động ngoại thương của Việt Nam.
Tuy nhiên, một khi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị đánh thuế cao, nhân dân tệ bị mất giá, thì hàng hóa của Trung Quốc rẻ đi và sẽ chiếm lĩnh các thị trường mà Việt Nam đang xuất khẩu. Khi đó, hàng hóa Việt Nam bán vào Trung Quốc đắt lên và phải cạnh tranh gay gắt với chính hàng Trung Quốc. Trước bài toán này, năm 2019, Chính phủ dự kiến nhập siêu ở mức 3%, mặc dù xuất siêu trong suốt 3 năm qua.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn tác động với Việt Nam, cơ hội cũng có, thách thức cũng không ít, nhưng Chính phủ đã tính toán, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tiếp tục tăng 7-8% là yếu tố quan trọng để GDP tăng 6,6-6,8% và giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn 2016 - 2020.