Tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng khó có thể hoàn thành như Thủ tướng yêu cầu.

Tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng khó có thể hoàn thành như Thủ tướng yêu cầu.

Hiện thực hóa lợi ích của thu phí không dừng ETC

Cho đến thời điểm này, những lợi ích từ việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đặt nhiều kỳ vọng, vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Vào tháng 3/2016 - thời điểm chính thức triển khai Dự án Thu phí tự động không dừng giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOO (Dự án BOO1), doanh nghiệp dự án (là Công ty cổ phần VETC) đã nêu ra 8 lợi ích của ETC. Theo đó, có 4 lợi ích đối với nhà đầu tư BOT (tránh thất thoát, tiết kiệm chi phí xây dựng trạm, tiết kiệm nhân sự trạm thu phí, tiết kiệm chi phí in vé giấy) và 4 lợi ích đối với xã hội (giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm; giảm tai nạn và giảm thanh toán bằng tiền mặt). Nhà đầu tư này còn rất cẩn thận khi thuê cả tư vấn để đưa ra được con số cụ thể về tổng lợi ích kinh tế - xã hội mà ETC mang lại cho đất nước: 3.400 tỷ đồng/năm.

Ngoài những nỗ lực của Bộ Giao thông - Vận tải và của nhà đầu tư, chưa có hệ thống dịch vụ nào trong lĩnh vực giao thông lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ như ETC.

Chỉ trong vòng 15 tháng, người đứng đầu Chính phủ đã ban hành 1 công điện, 1 chỉ thị để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, xem đó như là một trong những giải pháp quan trọng để giúp minh bạch hóa, lấy lại niềm tin của người dân đối với các dự án BOT giao thông.

Song trên thực tế, diễn biến tại các trạm BOT đường bộ lại không “hồng” như kỳ vọng. Công ty VETC đang bị lỗ lớn tới mức phải xin trả lại dự án. Các nhà đầu tư BOT không mặn mà hợp tác. Tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng khó có thể hoàn thành như Thủ tướng yêu cầu.

Sẽ có thêm những giải pháp để gỡ khó cho nhà đầu tư VETC, nhưng điều đáng nói là sự thành bại của ETC lại không phụ thuộc việc hệ thống có được vận hành trơn tru hay không, mà phụ thuộc vào các chủ xe ô tô - những người, về lý thuyết được hưởng lợi nhiều nhất.

Minh chứng cụ thể là mặc dù công tác tuyên truyền được làm thường xuyên, nhà đầu tư dự án hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ miễn phí, nhưng đến cuối tháng 10/2019, số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng trên cả nước mới đạt 800.000 thẻ/3,5 triệu xe ô tô - chủ yếu là chủ xe vận tải hàng hóa và hành khách. Họ dùng dịch vụ thu phí không dừng vì quá tiện lợi, xe không phải xếp hàng khi qua trạm, hạn chế được tài xế gian lận phí... Trong khi đó, phần lớn các xe du lịch, trong đó có nhiều xe công thuộc các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi với lý do không thường xuyên đi trên tuyến quốc lộ nên không vội dán thẻ, nộp tiền vào tài khoản.

Được biết, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương yêu cầu các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gương mẫu dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí không dừng đối với tất cả các phương tiện do mình quản lý để tăng cường hiệu quả hệ thống thu phí tự động không dừng.

Giải pháp cưỡng bức này là cần thiết, nhưng rõ ràng khó mang lại hiệu quả cao nếu như nhóm giải pháp mang tính kinh tế như khuyến mãi, giảm phí, tính lãi suất tiền gửi... khi gắn thẻ, nộp tiền vào tài khoản ETC lại chưa được nhắc tới.

Nếu không có những giải pháp cụ thể, thiết thực này, thì những lợi ích từ chủ trương thu phí tự động không dừng vẫn chỉ nằm trên giấy khi không nhận được sự hưởng ứng, cộng hưởng từ các chủ phương tiện.

Ở chiều ngược lại, triển khai ETC là giải pháp tối ưu đã minh bạch hóa - điều mà người dân luôn đòi hỏi mỗi khi qua các trạm thu phí hoàn vốn BOT. Nhưng nếu hệ thống thu phí không dừng không nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, tiếp tục để cơ quan Nhà nước ở thế đơn độc, thì những bức xúc về dự án BOT trong xã hội khó có thể khép lại trong thời gian gần.

Tin bài liên quan