Vàng miếng thiếu cung
Trước những biến động của thị trường vàng, ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá, tác động xấu đến việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) |
Nghị định 24 lấy vàng miếng SJC là vàng chuẩn quốc gia, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan duy nhất sản xuất và cung ứng vàng miếng SJC cho thị trường. Kể từ đó, Công ty SJC không được tự sản xuất vàng miếng SJC, mà chỉ thực hiện gia công theo ủy quyền và dưới sự giám sát trực tiếp của NHNN.
Về nguyên tắc biến động giá của bất kỳ một loại hàng hóa nào, trong đó có vàng, đều phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay, NHNN không tổ chức cung ứng vàng ra thị trường, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng cũng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhu cầu của người dân cao, dẫn đến giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi. Thời gian gần đây, mức chênh lệch này lên đến 15 - 18 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Qua theo dõi của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), chưa phát hiện trường hợp nào các doanh nghiệp phối hợp định giá mua bán vàng SJC (bắt tay làm giá). Các doanh nghiệp chỉ có thể tham khảo giá mua - giá bán của doanh nghiệp khác trên cơ sở khả năng nguồn vàng SJC hiện có của mình để ấn định giá mua - giá bán trong từng thời điểm với khách hàng. Khi giá vàng SJC có chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế quy đổi, thông thường, các doanh nghiệp giãn cách biên độ giữa giá mua - bán khoảng từ 1 - 3 triệu đồng/lượng để phòng ngừa rủi ro do không làm chủ được nguồn hàng.
Vàng trang sức cũng gặp khó
Tinh thần Nghị định 24 là quản lý chặt chẽ việc sản xuất - kinh doanh vàng miếng, khuyến khích sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo tinh thần đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã ngưng việc sản xuất vàng miếng, đồng thời chuyển sang sản xuất - kinh doanh vàng trang sức để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để thành lập các nhà máy, xưởng sản xuất như SJC 1 nhà máy, PNJ 2 nhà máy, DOJI 1 nhà máy, với lực lượng lao động cho ngành vàng lên đến trên 300.000 nhân công, chưa kể các làng nghề. Để sản xuất vàng trang sức đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu lớn, ước khoảng 20 - 30 tấn/năm.
Tuy nhiên, trong hơn 11 năm qua, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực đến nay, doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, mà chỉ thu mua vàng trên thị trường theo phương thức: Mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác; mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.
Phương thức mua vàng theo bảng kê của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Việc lập bảng kê theo mẫu phụ lục số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT- BTC của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu, bởi họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua. Vì vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu. Điều này khiến việc tổ chức sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Khi doanh nghiệp phải giảm hoặc dừng sản xuất sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đó là hàng nhập khẩu có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam, thu nhập của người lao động giảm, đặc biệt công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu càng phức tạp hơn, thu ngân sách sẽ giảm…
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, người dân sẽ bị thiệt thòi vì phải mua vàng trang sức với giá cao hơn giá quốc tế, trong khi doanh nghiệp không thể xuất khẩu để tái tạo nguồn ngoại tệ. Đặc biệt, trong giá trị hàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu có tới từ 25 - 30% giá trị lao động.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam đã xuất khẩu được 2,1 tỷ USD và năm 2020 đã xuất khẩu được 2,6 tỷ USD. Đây là thế mạnh của Việt Nam, nên nếu Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển ngành vàng bạc đá quý thì ngành này sẽ sớm trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Cần sớm sửa Nghị định 24
Việc ban hành Nghị định 24 là cần thiết và đã giúp ổn định thị trường, nhưng sau hơn 11 năm, tình hình đã có nhiều thay đổi, nhiều quy định của Nghị định 24 không còn phù hợp. Theo đó, biến động thị trường vàng không còn tác động trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN, cũng như không còn tác động xấu đến việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô. Tâm lý của người dân đã có sự thay đổi, không tập trung mua vàng để tích trữ như trước đây, trong khi các doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang đầu tư sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
VGTA đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền sản xuất và xuất nhập khẩu vàng. Đồng thời, việc sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và các dịch vụ liên quan đến vàng là hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ hàng hóa tiêu dùng thông thường, cần đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2020, vì hoạt động này không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (theo Khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư năm 2020). Vấn đề này, ngày 5/12/2016, Hiệp hội đã có Công văn số 52/2016 gửi Chủ tịch Quốc hội kiến nghị sửa đổi ngành nghề kinh doanh có điều kiện; ngày 2/10/2020 tiếp tục có Công văn số 12/2020/CV-HHV kiến nghị sửa đổi ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến ngành vàng tại Luật Đầu tư năm 2020 và Công văn số 14/2020/CV-HHV ngày 2/10/2020 gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kiến nghị sửa đổi ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên cho đến nay, các kiến nghị của Hiệp hội vẫn chưa được đáp ứng. Để góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vượt qua khó khăn, kể cả về mặt tâm lý, phục hồi sản xuất - kinh doanh đúng theo tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động và tăng đóng góp cho ngân sách, cho xã hội, VGTA kiến nghị, trước mắt khi chưa ban hành Nghị định mới thay Nghị định 24, Chính phủ, NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp (Nghị định 24 đã có quy định việc cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp) để phát triển sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, góp phần chống buôn lậu vàng, giúp thị trường vàng phát triển lành mạnh theo đúng định hướng của Chính phủ.
Thường vụ Ban Chấp hành VGTA sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện tốt nhất ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về giải pháp quản lý thị trường vàng. Hiệp hội nhận thấy rằng, đây là những ý kiến chỉ đạo kịp thời, cần thiết và hiệu quả. Đồng thời, với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ngành, các cấp, đặc biệt là NHNN và Bộ Công an…, sẽ sớm đưa thị trường vàng hoạt động ổn định trở lại.
Chúng tôi tin rằng, qua tổng kết thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cơ quan chức năng sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 24 để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện phát triển mạnh ngành vàng bạc đá quý theo đúng định hướng của Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp ngành vàng sớm trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.