Hiến kế tăng thanh khoản cho TTCK

Hiến kế tăng thanh khoản cho TTCK

(ĐTCK) Tổng giá trị giao dịch bình quân TTCK quý I/2015 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 50% so với tháng 9/2014 đã khiến câu chuyện thanh khoản trở thành tâm điểm được bàn thảo. Các CTCK đưa ra nhiều giải pháp, chung nhất là cần sự đổi mới về chính sách từ nhà quản lý.

“Chính sách tốt, nên thực thi nhanh”

Ông Nguyễn Hoàng Thiên Trúc,Tổng Giám đốc CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
 

Thanh khoản chứng khoán đang ở mức báo động với tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường chỉ đạt trên dưới 2.000 tỷ đồng, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2014. NĐT nước ngoài bán ròng mạnh là một trong những nguyên nhân chính yếu. Mặc dù khối ngoại chiếm tỷ trọng giao dịch nhỏ trên TTCK, nhưng lại tập trung vào những nhóm ngành lớn, cổ phiếu lớn có tác động đến chỉ số của thị trường. Tâm lý NĐT nội cũng đi xuống khi thấy khối ngoại bán ròng, chỉ số VN-Index thì giảm, dẫn đến tình huống người có tiền không mặn mà mua, người bán thì tranh thủ bán. Các NĐT nhìn nhau và nhìn vào giao dịch khối ngoại, khiến thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng.

Tình trạng thanh khoản thấp kéo dài sẽ khiến NĐT rời bỏ thị trường, kéo theo hoạt động của khối CTCK rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, ngoài những yếu tố về kinh tế, cần phải có thêm các chính sách kích khích thị trường. Chẳng hạn, việc nới room đã nhắc từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có. Ngoài ra, ảnh hưởng của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và khả năng sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC. Theo chúng tôi, những chính sách thắt chặt quản trị rủi ro nên thực hiện theo từng bước, còn những chính sách tốt cho thị trường, như nới room, cần phải thực hiện sớm để kích hoạt dòng tiền quay trở lại. Cũng cần chú ý đến vấn đề tỷ giá. Không ít NĐT ngoại chần chừ giải ngân vì nếu họ giải ngân trước khi tỷ giá điều chỉnh thì mặc nhiên đã phải chịu lỗ 2 - 3%.

“Hãy củng cố niềm tin NĐT bằng sự minh bạch”

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
 

Hiện lực cầu nội yếu do ảnh hưởng bởi những chính sách về cho vay chứng khoán, còn khối ngoại thì có khoảng thời gian rút ròng mạnh do các quỹ ETF, đã ảnh hưởng tới tâm lý chung của NĐT. Xu hướng thị trường đang phụ thuộc nhiều vào NĐT nước ngoài, những quỹ ETF nước ngoài giao dịch sôi động thì thị trường sôi động và ngược lại. Do vậy, cần phải tìm cách để thu hút thêm nhiều NĐT nước ngoài, mà để làm được, cần sự phong phú của hàng hoá và chính sách thông thoáng về room. Trên thực tế, nhiều quỹ đầu tư không cần quyền biểu quyết, mà chỉ cần cơ chế để mua được cổ phiếu. Ngoài ra, thủ tục hành chính về mở tài khoản, lưu ký cho NĐT nước ngoài cũng cần đơn giản hơn. Việc NĐT nước ngoài tham gia đấu giá phải thực hiện lại toàn bộ thủ tục như khi mở tài khoản là không hợp lý. Với NĐT trong nước, tâm lý rất hay dao động, nên cần tạo niềm tin vững vàng bằng cách tăng tính minh bạch của DN niêm yết. Một yếu tố cũng ảnh hưởng tới niềm tin của NĐT nội là tái cấu trúc các CTCK, nhưng việc này hiện vẫn chưa quyết liệt thực hiện. Thứ ba, cần kích thích nguồn tiền nhàn rỗi bằng cách đưa thêm nhiều hàng hoá chất lượng, gắn việc cổ phần hoá với niêm yết, nhưng Bộ Tài chính cần để các DN tự do lựa chọn sàn.

“Nên xem lại Thông tư 36 và dự thảo sửa đổi Thông tư 210”

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam, Chi nhánh TP. HCM
 

Thanh khoản đang dần cạn kiệt do một phần các nhà đầu tư nước ngoài hạn chế giao dịch. Một phần nguyên nhân đến từ việc các quỹ ETF không có nhiều giao dịch sau khi liên tục bán ròng, bởi các nhà đầu tư ở nước sở tại muốn rút vốn chuyển sang đầu tư ở thị trường châu Âu. Việc tỷ giá biến động theo chiều hướng tăng cũng phần nào làm hạn chế dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào Việt Nam. Một nguyên nhân quan trọng đó là các nhà đầu tư trong nước lo ngại và e dè về tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, cũng như dự thảo sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC, sẽ hạn chế dòng tiền vào TTCK. Vì vậy, họ cũng hạn chế giao dịch và quan sát nhiều hơn.

Tôi cho rằng, TTCK cần sự phối hợp nhiều giải pháp, như nhanh chóng làm rõ các mốc thời gian và cách thức cho việc nới room cụ thể như thế nào, trên tinh thần càng sớm càng tốt, vì các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang chờ đợi điều này từ lâu.

Về Thông tư 36 và dự thảo sửa đổi Thông tư 210, nhà quản lý nên có đánh giá cụ thể và điều chỉnh phù hợp với hiện trạng TTCK, tránh gây sốc cho nhà đầu tư, đặc biệt là yếu tố tâm lý.

Bằng nhiều giải pháp, mà đầu tiên là sự chuyển động của chính sách pháp lý mới có thể tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tích cực trở lại TTCK. TTCK có sôi động thì mục tiêu cổ phần hóa gần 300 DNNN trong năm nay mới thực hiện được, bằng không, sẽ là khó khăn chung của cả nền kinh tế.

Tin bài liên quan