Để đưa hoạt động đòi nợ của các công ty tài chính vào quy củ hơn, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Về công tác thu hồi nợ, Dự thảo quy định, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, cũng như không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.
Quy định này nhằm hạn chế thực trạng diễn ra hiện nay là các công ty tài chính đã nhắc nợ với cả những người không phải là khách hàng trực tiếp của mình.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh, Công ty Luật Basico phân tích, nội dung “không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính” được quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 7 của Dự thảo Thông tư là nội dung mới hoàn toàn và rất hợp lý.
Bởi trong thời gian qua, có hiện tượng một số công ty tài chính đã thực hiện đòi nợ bằng điện thoại, email, mạng xã hội hay trực tiếp, mang tính chất quấy rối, gây phiền nhiễu, thậm chí đe doạ, khủng bố tinh thần, kiểu như gọi điện tự động hàng trăm cuộc một ngày, gây ra sự bức xúc cho nhiều khách hàng. Không những thế, còn đòi nợ cả người thân quen của khách hàng, dù họ không phải là người đồng trách nhiệm, người bảo lãnh hay có nghĩa vụ gì đối với khoản nợ.
“Tuy nhiên, cần phải xem xét quy định cụ thể hơn như: Không được đòi nợ tại nơi làm việc, nơi công cộng, không được xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của khách hàng; không được đòi nợ mang tính chất khủng bố, liên tục quá 3 lần mỗi ngày... và cần hạn chế chặt hơn đối với ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ, tết, ngày hiếu hỉ của bản thân và của bố, mẹ, vợ, con khách hàng”, luật sư Ngọc Anh nói.
Dẫu vậy, công tác đòi nợ được thị trường nhận định là phần ngọn, quan trọng là phải xử lý phần gốc, đó là năng lực quản trị rủi ro, hay nói cách khác, các công ty tài chính cần tạo ra một tiêu chuẩn quản trị rủi ro mới với các mô hình tiên tiến và chiến lược năng động với mục tiêu cuối cùng là tạo hiệu ứng lâu bền cho doanh nghiệp.
Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của FE Credit chia sẻ, Công ty đã áp dụng khoảng 30 mô hình chấm điểm và chuyển từ duy nhất phương pháp thống kê sang kỹ thuật học máy (machine learning) để có thể lựa chọn những khách hàng tốt nhất.
“Chúng tôi có sự kết hợp chiến lược giữa các chuyên gia để xây dựng các mô hình quản trị rủi ro hiệu quả, trong đó nhân viên bản địa được trang bị năng lực và kỹ năng để quản lý việc thu hồi nợ và cùng lúc thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng. Chuyên gia nước ngoài sẽ là những nguời áp dụng các kỷ luật trong quản lý nợ của khách hàng và những nền tảng công nghệ hỗ trợ sẽ luôn sẵn sàng trong việc dự đoán các tổn thất và đưa ra lựa chọn khách hàng hợp lý,” ông Figlus nói.
Ông Figlus cho biết thêm, Công ty hiện đã áp dụng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt trong nền tảng cho vay của mình để tăng tốc độ phê duyệt khoản vay và giảm gian lận, gần như tương tự với nền tảng của Google hoặc Apple, nhằm dễ dàng nhận diện khách hàng cũng như phòng chống gian lận.
Một minh chứng cho việc áp dụng công nghệ là kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt, rõ ràng sẽ giúp các công ty tài chính xác định khách hàng nhanh hơn, từ đó nhanh chóng đưa ra cho khách hàng những sản phẩm ưu đãi, phù hợp, giảm thiểu gian lận có thể phát sinh.