Hiện các CEO không còn nói nhiều về kế hoạch dài hạn hay trung hạn, mà chỉ tập trung vào ngắn hạn

Hiện các CEO không còn nói nhiều về kế hoạch dài hạn hay trung hạn, mà chỉ tập trung vào ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, việc tạo trợ lực cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp là điều bắt buộc, nhưng vấn đề chọn trợ lực nào và trợ lực ra sao lại không phải câu hỏi dễ trả lời.

Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia và nhà kinh tế học thảo luận tại chương trình Đối thoại với chủ đề: “Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó” do Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV tổ chức sáng 28/3.

Từ biến động phức tạp của kinh tế thế giới với các bất ổn chính trị, tình trạng lạm phát toàn cầu gia tăng, đứt gãy các chuỗi hoạt động sản xuất bởi năng lượng đến những vấn đề thách thức trong nước, việc tìm kiếm các giải pháp ưu tiên trong giai đoạn cấp bách như hiện nay là vô cùng cần thiết để vực dậy lại chỉ số niềm tin của thị trường, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất khôi phục và tăng tốc.

Một trong những vấn đề đáng chú ý như TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đề cập là số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong những tháng đầu năm nay lần đầu tiên trong lịch sử vượt so với số doanh nghiệp quay trở lại thị trường.

Tuy những phân tích, đánh giá gần đây cho thấy mức độ vẫn chưa rơi vào tình trạng báo động, nhưng cũng phần nào phản ánh sức khỏe chung của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giảm sút, hao mòn.

"Nhiều doanh nghiệp đang kiệt sức, hệ quả tất yếu phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản", ông Lộc nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi Đối thoại

Toàn cảnh buổi Đối thoại

Về triển vọng kinh tế, theo đánh giá của bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn thuế, PwC Việt Nam là không thực sự sáng sủa và khả quan trên toàn cầu. Tuy ở góc độ các quốc gia trong khu vực châu Á và Việt Nam nói riêng có sự lạc quan hơn, nhưng nhìn chung là đang trong chiều hướng đi xuống.

"Đáng lưu tâm, hiện các CEO không còn nói nhiều về kế hoạch dài hạn hay trung hạn, mà chỉ tập trung vào ngắn hạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn bởi nếu không còn tầm nhìn trong trung và dài hạn, đồng nghĩa việc dự đoán các hoạt động tăng trưởng kinh tế trong tương lai trở nên khó khăn hơn và khó xây dựng được các chính sách mục tiêu”, bà Vân nhấn mạnh.

Trước chương trình Đối thoại diễn ra, đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm phân tích và đưa ra những lo ngại về sự thay đổi trong tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp. Sự tự tin giảm sút, kéo theo những hệ lụy về dài hạn không chỉ tăng trưởng kinh tế vĩ mô mà còn kéo theo việc buộc phải cân đối lại các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh nguồn lực Việt Nam hạn chế hơn so với các nước phát triển, thêm vào đó là áp lực kiềm chế lạm phát rất lớn và không thể thoải mái trong việc bơm tiền hỗ trợ doanh nghiệp, nếu không có các giải pháp cấp tốc và đặc biệt trong lúc nguy cấp thì nhiều doanh nghiệp Việt sẽ phải rời khỏi thị trường. Đó là tổn thất nặng cho nền kinh tế.

Thực tế, như đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã cho thấy sự thay đổi về quan điểm khi nhìn thẳng vào thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua các thông điệp “Chính phủ đồng hành, cảm thông, chia sẻ cùng doanh nghiệp” xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhiều giải pháp trực diện cũng đã được ban hành, tuy nhiên, vấn đề như ông Cung lo ngại là những giải pháp thời gian có lẽ vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong đó, vấn đề ông Cung nhấn mạnh tới là tiến trình chậm cải cách thể chế. Trước đây, cải cách thể chế được triển khai một chương trình riêng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại lại được gộp chung vào một phần riêng trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

“Tôi thấy rất tiếc vì điều này, bởi giai đoạn càng khó khăn như hiện nay thì càng phải đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong 2 năm vừa qua, tiến trình cải cách thể chế đang chậm lại khá nhiều, và nếu dừng thì sẽ rất khó khăn để khởi động lại”, ông Cung chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo TS. Vũ Tiến Lộc, nhìn nhận ở dài hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn sẽ phải ở câu chuyện của thị trường trong nước. Dư địa hiện nay cho việc khôi phục sớm của Việt Nam nằm ở dư địa về thể chế còn rất nhiều. Nếu gỡ sớm được các thủ tục hành chính còn đang vướng mắc sẽ giúp tạo nguồn lực, khơi dậy hoạt động doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho việc huy động vốn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Dưới góc độ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham): "Cơ hội với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn lớn. Vấn đề là chúng ta biết tận dụng thời cơ. Một trong những câu chuyện hiện nay là xu hướng chuyển dịch đầu tư tăng trưởng xanh sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam".

Trong đó, rất nhiều nhà đầu tư châu Âu nhìn nhận Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất. Họ ấn tượng với những cam kết mà chúng ta thể hiện ở COP 26 và họ sẵn sàng dành nguồn lực hàng tỷ đô để đầu tư vào các hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề là các chính sách đón lõng ở thị trường trong nước cần phải đủ để họ cảm thấy thực sự tin tưởng vào môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt nam.

“Nếu không giải quyết những điểm nghẽn hiện tại, chúng ta có thể sẽ để lỡ cơ hội sang các quốc gia láng giềng” ông Minh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan