Từ diễn biến bất thường trong giao dịch của HHC…
Thống kê diễn biến giao dịch của HHC cho thấy, kể từ đầu năm 2017 đến nay, ngoại trừ các ngày 8, 9,10,13,14 trong tháng 2; 7, 20, 21, 22 trong tháng 3 và 5, 14, 18 trong tháng 4, các phiên giao dịch khác của HHC đều có số lệnh đặt mua và bán rất ít, khối lượng trung bình mỗi lệnh đặt nhỏ và đương nhiên, thanh khoản không có gì đáng nói.
Theo đó, nếu loại trừ các phiên đột biến, HHC có chủ yếu khoảng 20 lệnh đặt mua (trong đó có phiên thậm chí chỉ có 5 lệnh đặt mua). Tương tự như vậy, số lệnh bán cũng ở mức rất thấp, với khối lượng trung bình mỗi lệnh nhỏ.
Tuy nhiên, trong chuỗi bình lặng đó, có những phiên, HHC lại tạo ra ấn tượng về thanh khoản.
Ngày 22/3/2017, HHC khớp hơn 8,443 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch khớp lệnh hơn 410,646 tỷ đồng. Trong phiên này, có 31 lệnh mua cổ phiếu HHC, với khối lượng trung bình mỗi lệnh đạt 401.006 cổ phiếu, tổng cầu phiên là 12,431 triệu cổ phiếu, 55 lệnh bán với tổng khối lượng đặt bán là 8,4427 triệu cổ phiếu, khối lượng trung bình mỗi lệnh bán là 153.504 cổ phiếu.
Với 31 lệnh mua đã được đặt, khối lượng trung bình mỗi lệnh phiên ngày 22/3/2017 lên tới hơn 2,44% vốn điều lệ HHC, gấp gần 400 lần khối lượng đặt mua trung bình 1 phiên của những ngày bình thường.
Tương tự, ở phiên này, mỗi lệnh bán trung bình cũng chiếm hơn 0,92% vốn điều lệ HHC, gấp xấp xỉ 160 lần mức trung bình khối lượng một lệnh bán trung bình của HHC các phiên giao dịch “thường thường bậc trung” kể từ đầu năm.
Diễn biến đột biến về khối lượng và giá trị đặt mua tương tự xảy ra liên tiếp các phiên giao dịch từ ngày 17 - 23/3, nhưng ở chiều bán, chỉ diễn ra ở 2 phiên, là ngày 17 và 22/3.
Đây cũng là thời điểm Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thực hiện thoái vốn và điều đáng nói là gần như toàn bộ giá trị giao dịch lớn được mua bởi 2 nhà đầu tư, trong đó gần như toàn bộ giao dịch ngày 17/3 thuộc về nhà đầu tư Vũ Hải, nắm 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương 23,74% vốn điều lệ HHC (tổng số lượng cổ phiếu khớp lệnh phiên này là 4,1661 triệu cổ phiếu). Ngày 22/3, bà Nguyễn Thị Duyên mua 8,3676 triệu cổ phiếu HHC, sở hữu trên 50% vốn tại HHC (tổng số phiên này có 8,4427 triệu cổ phiếu HHC được khớp lệnh).
… đến dấu hỏi về vi phạm chào mua công khai khi thoái vốn của Vinataba
Việc nâng sở hữu từ mức 0% lên hơn 50% vốn điều lệ tại Công ty Bánh kẹo Hải Hà của bà Duyên, khi Bánh kẹo Hải Hà là công ty đại chúng đã vi phạm quy định về chào mua khai. Điều 32, Luật Chứng khoán yêu cầu cổ đông phải thực hiện chào mua công khai nếu muốn mua vào từ 25% vốn điều lệ trở lên, trừ một số trường hợp (trong đó có việc nâng thêm sở hữu dưới 10% vốn điều lệ nhưng không chạm các mốc).
Điều đáng nói là trong các phiên ngày 7 và 11 tháng 4, bà Duyên bất ngờ bán toàn bộ số cổ phần HHC đã sở hữu sang các cá nhân khác. Nhiều người cho rằng, đây có thể là một hành động sửa sai giao dịch. Tuy nhiên, dù đã bán hết thì hành vi nhà đầu tư mua vào quá lớn mà không chào mua công khai từ việc thoái vốn của Vinataba là chuyện bất thường.
Với Vinatata, ngày 15/3/2017, Tổng công ty thông báo thoái vốn tại HHC, trong đó thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 17/3/2017 đến ngày 14/4/2017, nhưng đến ngày 25/3/2017, Vinataba đã công bố thoái xong, chỉ trong các phiên giao dịch từ 17-22/3/2017. Phải chăng, HHC không có nhà đầu tư lớn nào khác quan tâm, hay đơn giản, các nhà đầu tư khác không kịp giao dịch vào ngày xuất hiện cung khủng?
Về quy định pháp lý, HHC là cổ phiếu đã niêm yết trên sàn, nên Vinataba chọn thoái vốn bằng phương thức bán trên sàn là không sai. Tuy nhiên, cách bán bất ngờ, ồ ạt trong 2 phiên (vào 2 ngày xuất hiện 2 nhà đầu tư lớn bất thường trên), việc bán vốn của Vinataba có cần thiết phải xem xét lại? Việc thoái lượng vốn lớn tại doanh nghiệp, theo cách làm hiện hành, phải thực hiện qua đấu giá công khai.