Tại Hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TP.HCM và giới thiệu nguồn vốn kích cầu đầu tư của Thành phố vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Thành phố đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng thư viện tiên tiến tại 16 trường phổ thông trên địa bàn ngoài Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã hoàn thành.
Sở cũng sẽ phối hợp Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) trực thuộc UBND TP.HCM hỗ trợ các trường hoàn thành hồ sơ thủ tục vay vốn xây dựng thư viện thông minh.
Đầu năm 2020, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt dự án cải tạo mở rộng và nâng cấp khối nhà hiện hữu thành thư viện, đầu tư hệ thống phần mềm thư viện hiện đại, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho Thư viện tiên tiến hiện đại-Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám với tổng số vốn được vay hỗ trợ từ ngân sách Thành phố là 16.524 triệu đồng.
Được biết, giai đoạn 2010 - 2020, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 207 dự án trên địa bàn với tổng mức đầu tư 38.000 tỷ đồng, trong đó cho vay 15.563 tỷ đồng. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, HFIC đã cho vay 72 dự án thuộc chương trình kích cầu với tổng mức đầu tư 8.993 tỷ đồng và tổng vay 4.502 tỷ đồng. Cho vay giáo dục chiếm 34% hoạt động tín dụng của HFIC, hạ tầng giao thông 31%, y tế 25% còn lại là hạ tầng đô thị và lĩnh vực khác.
Theo đại diện HFIC, đối với những chương trình kích cầu thông qua đầu tư mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiền bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố công bố hàng tháng (loại trả sau) và phí quản lý không quá 2% năm.