Phố Wall hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Boeing, Caterpillar Inc, Apple, Facebook.
Boeing báo cáo lợi nhuận quý III giảm tới 53%, nhưng tái khẳng định mốc thời gian cho việc hoàn trả máy bay 737 MAX.
Doanh số châu Á của Caterpillar sụt giảm, nhưng công ty cho biết thuế quan xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ có tác động nhỏ hơn đến hoạt động kinh doanh của họ so với dự báo trước đây.
Cổ phiếu Apple tăng 1,3% sau khi Morgan Stanley cho biết dịch vụ phát video trực tuyến sắp ra mắt của nhà sản xuất iPhone, Apple TV +, có thể tăng doanh thu dịch vụ của hãng.
Cổ phiếu Facebook đã tăng 2,1% sau khi CEO Mark Zuckerberg tìm cách trấn an các nhà lập pháp Mỹ về loại tiền kỹ thuật số Libra được lên kế hoạch của công ty.
Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall bị hãm đi nhiều do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu chip khi nhà sản xuất chip Texas Instruments Inc dự kiến doanh thu quý IV dưới mức dự tính của phố Wall. Thông tin này khiến cổ phiếu Texas giảm tới 7,5% và kéo theo nhiều cổ phiếu bán dẫn khác giảm.
Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Dow Jones tăng 45,85 điểm (+0,17%), lên 26.833,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,53 điểm (+0,28%), lên 3.004,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,50 điểm (+0,19%), lên 8.119,79 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong phiên thứ Tư nhờ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp bù đắp cho sự không chắc chắn của Brexit. Ngoài ra, chính sự không chắc chắn của Brexit khiến đồng bảng Anh yếu và lại hỗ trợ cho chỉ số FTSE.
Kết thúc phiên 23/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 48,25 điểm (+0,67%), lên 7.260,74 điểm. Chỉ số DAX tăng 43,50 điểm (+0,34%), lên 12.798,19 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,24 điểm (-0,08%), xuống 5.653,44 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng để leo lên mức cao nhất 1 năm, thì chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc đều quay đầu giảm do sự thận trọng của nhà đầu tư trước sự bất ổn của Brexit, căng thẳng tại Hồng Kông và chịu tác động của các nhóm cổ phiếu cụ thể.
Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 76,48 điểm (+0,34%), lên 22.625,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,76 điểm (-0,43%), xuống 2.941,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 219,47 điểm (-0,82%), xuống 26.556,73 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 8,24 (-0,39%), xuống 2.080,62 điểm.
Dù chứng khoán hồi phục, nhưng giá vàng vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Tư nhờ được hỗ trợ bởi sự không chắc chắn của Brexit.
Kết thúc phiên 23/10, giá vàng giao ngay tăng 4,6 USD (+0,31%), lên 1.492,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 8,2 USD (+0,55%), lên 1.495,7 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục tăng với mức tăng mạnh gấp đôi phiên thứ Ba trong ngày thứ Tư khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và triển vọng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng.
Cụ thể, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lương Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 1,7 triệu thùng do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng 429.000 thùng mỗi ngày, trong khi nhập khẩu giảm. Trong khi đó, các nhà phân tích lại dự báo tăng 2,2 triệu thùng.
Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,49 USD (+2,7%), lên 55,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,47 USD (+2,5%), lên 61,17 USD/thùng.