Với việc ban hành văn bản này, có thể hiểu, NHNN đã quyết định không “chùn tay” trong việc thiết lập lại trật tự thị trường vàng.
Phát biểu trước Quốc hội hôm giữa tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: “Nền kinh tế có khoảng 300 - 400 tấn vàng (tương đương hàng chục tỷ USD) đang bị chôn chặt. Do đó, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo chặt chẽ việc chống tình trạng đôla hóa, vàng hóa để chuyển vàng, ngoại tệ thành nguồn lực VND hỗ trợ nền kinh tế”.
Biến động giá vàng từ năm 2008 trở lại đây đã cho thấy, dù không là mặt hàng thiết yếu, nhưng một lượng tiền lớn trong nền kinh tế đã đổ vào thị trường vàng, làm phân tán nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng tới tỷ giá. Bên cạnh đó, thị trường vàng thường xuyên chứng kiến cảnh người dân xếp hàng, chen lấn mua vàng, tác động không nhỏ đến trật tự - an toàn xã hội.
Mặc dù vàng luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân cần thận trọng trong việc giữ vàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, kể từ sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, hệ thống ngân hàng đã mua 60 tấn vàng từ người dân, tương đương 3 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc này là có 60 tấn vàng chuyển từ vàng sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, NHNN đã mua vào 10 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Như vậy, đã có có tổng cộng 13 tỷ USD được chuyển sang VND để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, có thể giải thích việc NHNN không có động thái can thiệp quyết liệt vào việc thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới bằng việc NHNN không chủ trương khuyến khích người dân mua và găm giữ vàng. Bên cạnh đó, NHNN đang cân nhắc việc đề xuất với Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng. “NHNN không chỉ thể hiện rõ quyết tâm mà thể hiện rõ bằng hành động trong việc bình ổn thị trường vàng”, TS. Hiếu nói.
Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước quy định thời hạn chót của việc tất toán vàng là 30/6/2012, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về việc nắm giữ vàng sau đó.
Khoản 1, Điều 4, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã khẳng định: “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Như vậy, người dân vẫn có quyền sở hữu vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác.
“Nhưng sau ngày 30/6/2013, người dân có vàng sẽ phải tự cất giữ, và yếu tố an toàn nếu cất giữ ở nhà, bất tiện trong bảo quản hay vận chuyển cũng là điểm mà người sở hữu cần cân nhắc. Hoặc người dân có thể gửi ở ngân hàng nhưng phải mất phí, thay vì được chào mời và hưởng lãi suất như hiện nay. Hành vi huy động - cho vay vàng của các tổ chức tín dụng sẽ được chấm dứt, mà chỉ còn mua - bán và giữ hộ vàng, một điều giản dị đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ rất lâu”, TS. Hiếu nói.