Hết tháng 8/2021, mới giải ngân 40,6% kế hoạch vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết tháng 8/2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới ước đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (46,41%).
Hết tháng 8/2021, mới giải ngân 40,6% kế hoạch vốn đầu tư công

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân đến 31/8/2021 là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%).

Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).

Nhận định rằng tiến độ giải ngân này là chậm hơn so với cùng kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải là do những yếu tố “đặc thù” của năm 2021.

Đó là, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do vậy, một số nhiệm vụ, dự án khởi công mới cần thời gian để chuẩn bị thủ tục đầu tư, đấu thầu và chỉ được giao kế hoạch 2021 để thực hiện sau khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua.

Đây cũng là năm tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, bởi thế, việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp cũng tác động đến công tác chỉ đạo điều hành tại một số nơi.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài.

Thông tin cho biết, hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công tại khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và các địa phương thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa kể, công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án.

Thêm vào đó, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi... cũng đã tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát...

“Việc giải ngân chậm cũng còn do nhiều dự án ODA phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, công tác đầu thầu...”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Cũng do năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong khi Kế hoạch mới được thông qua, nên tới thời điểm này, vẫn còn gần 62.000 tỷ đồng chưa được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết, bằng 13,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thậm chí, nếu tính cả Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ 16.000 tỷ đồng, thì kế hoạch vốn ngân sách năm 2021 chưa phân bổ bằng 16,3% kế hoạch Quốc hội quyết định.

Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch, thì tỷ lệ giải ngân tính đến hết tháng 8/2021 ước đạt 46,9%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có 10 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (40,6%). Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Quảng Ninh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bình Phước, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa...

Trong khi đó, có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 3 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Tin bài liên quan