Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 31.982 tỷ đồng, chi BHXH từ quỹ BHXH 118.460 tỷ đồng, chi quỹ BHTN 4.641 tỷ đồng và ước chi Khám chữa bệnh (KCB) BHYT 77.658 tỷ đồng.
Về giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN, tính đến hết ngày 30/09/2019, toàn ngành đã giải quyết 10.622 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 78.071 người hưởng trợ cấp 1 lần; 986.776 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, đã giải quyết 86.209 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 647.931 người hưởng trợ cấp 1 lần; 7.851.307 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Cả nước có khoảng 14,55 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú; lũy kế 9 tháng đầu năm có khoảng 134.002 triệu lượt người KCB BHYT.
Công tác phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết cho 67.884 người hưởng chế độ BHTN; lũy kế 09 tháng đầu năm đã giải quyết cho khoảng 642.131 người hưởng chế độ BHTN (bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề).
Theo BHXH Việt Nam, quý III/2019, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung mọi nguồn lực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); thường xuyên đánh giá hiệu quả của quy định thủ tục hành chính hiện hành, chủ động kiến nghị cắt giảm hoặc sửa đổi để đơn giản hoá thủ tục.
Theo đó, 18 thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; bãi bỏ 1 thủ tục hành chính trong lĩnh vực chi trả các chế độ này, do vậy rút gọn từ 28 xuống còn 27 thủ tục.
Ngành cũng hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan”.
Toàn ngành đã giải quyết các phản ánh, kiến nghị kịp thời; thực hiện niêm yết, công khai tất cả 27 thủ tục hành chính theo quy định.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật, rà soát chuẩn hoá các thủ tục hành chính về chính sách BHXH, BHYT còn hiệu lực, thủ tục hành chính mới ban hành và xoá bỏ các thủ tục hành chính đã hết hiệu lực trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, thuận tiện trong quá trình giải quyết công việc.
Hệ thống một cửa điện tử tập trung được ngành BHXH đưa vào vận hành để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn…
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam còn tích cực đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy.
Theo đó, ngay sau khi Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng ban hành kế hoạch để triển khai; quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương; hướng dẫn thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, bàn giao nhiệm vụ, tài chính, tài sản đối với các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục tham mưu với Chính phủ, đồng thời triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản, kế hoạch của ngành nhằm quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử, sắp xếp tinh gọn và hiệu quả bộ máy tổ chức của BHXH Việt Nam…; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt là các văn bản quy định, hướng dẫn, sửa đổi bổ sung mới của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành theo các văn bản, quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành; tập trung hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH; triển khai có hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
Ngoài ra, sẽ rà soát và chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chí tích hợp và quản lý bằng CNTT; đưa tiêu chí ứng dụng CNTT vào một trong những nội dung đánh giá kết quả hoàn thành công việc của các đơn vị trong ngành.