Carl C. Icahn

Carl C. Icahn

Hết Pepsi, Icahn lại đấu khẩu đòi chia tách eBay

(ĐTCK) Cuộc đấu khẩu của nhà đầu tư chủ động khét tiếng Carl C. Icahn đòi eBay phải chia tách đơn vị thanh toán PayPal lại càng nóng hơn trong những tuần gần đây, khi Icahn lôi sai lầm trong quá khứ của Ban quản trị eBay ra để chỉ trích.

Chỉ trích lần này của Icahn nhắm vào Marc Andreessen, một nhân vật quyền lực của Thung lũng Silicon đã đồng sáng lập ra Netscape và trước đây là một nhà đầu tư của Facebook. Lý do chỉ trích là vai trò “hai mang” của Andreessen trong thương vụ eBay bán “hớ” Skype trong quá khứ, bởi vào thời điểm bán Skype, Andreessen vừa là thành viên HĐQT của eBay, lại vừa nằm trong nhóm nhà đầu tư mua lại Skype.

Icahn buộc tội Andreessen có mâu thuẫn về lợi ích và gọi ông là “thiếu khả năng quản trị doanh nghiệp”. Ngay cả CEO của eBay, John J. Donahoe, cũng trở thành một mục tiêu công kích, bị Icahn mô tả là “vừa bất tài vừa cẩu thả”.

Icahn khẳng định, quyết định bán Skype của eBay vào năm 2009 với giá 2,75 tỷ USD cho một nhóm nhà đầu tư trong đó có hãng đầu tư mạo hiểm của Andreessen đã cho thấy một sự vi phạm trách nhiệm đối với cổ đông. Andreessen đáp trả rằng, ông đã rút tên mình khỏi quyết định bán Skype.

Nhóm nhà đầu tư mua lại Skype, dẫn đầu bởi hãng đầu tư Silver Lake, đã phục hồi lại Công ty trong vòng chưa đầy 2 năm và sau đó bán lại với giá 8,5 tỷ USD cho Microsoft. Icahn đã đưa ra giả thiết rằng, Donahoe và HĐQT đã chịu sức ép phải bán Skype từ chính Andreessen, mà theo Icahn là người biết Microsoft đã rình sẵn bên ngoài để mua khối tài sản tập đoàn này biết là giá trị hơn rất nhiều.

eBay đã mua Skype hồi năm 2005 với giá 2,5 tỷ USD. Skype, nhà cung cấp dịch vụ nói chuyện trực tuyến, khi đó mới là một mớ hỗn độn, không hề khớp với sàn đấu giá thường nhật eBay, khiến Công ty đến năm 2007 ghi nhận giá trị của khoản đầu tư này giảm tới 1,4 tỷ USD. Năm 2009, Donahoe, nguyên là tư vấn của Hãng Bain & Company đã đưa ra quyết định, Skype là một sai lầm và cần phải được bán đi hoặc tách riêng ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Skype đang phải chịu những cuộc khủng hoảng và một vụ kiện pháp lý liên quan đến một vài tài sản trí tuệ của những người sáng lập, rất ít người sẵn sàng đứng ra mua lại. Khi đó, Silver Lake lại đưa ra mức giá 2,75 tỷ USD. Và để đổi lại, eBay đã chấp nhận chịu 50% khoản lỗ do vụ kiện liên quan đến những người sáng lập Skype, đồng thời chấp nhận giữ lại 30% cổ phần ở Skype để Công ty sẽ chịu trách nhiệm một phần về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này trong tương lai.

Vào thời điểm đó, The New York Times đã viết một bài phân tích cho rằng, Silver Lake đã mua Skype với giá đắt: “Nhiều người của Phố Wall – và không ít chuyên gia viễn thông trao đổi với tôi trong tuần này – đã cực kỳ ngạc nhiên với mức giá bán Skype, chưa tính đến việc chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng”.

Nhưng chỉ khoảng hơn một năm rưỡi sau đó, khi nền kinh tế tốt hơn và vụ kiện tụng của Skype được dàn xếp, Microsoft đã trả mức giá choáng váng 8,5 tỷ USD để mua lại Công ty, bao gồm cả phần vốn của eBay. Giờ đây, khi nhìn nhận lại sự việc, Icahn cho rằng, eBay đã sai lầm trong thương vụ này, và cổ đông đã mất đến gần 4 tỷ USD vào tay Silver Lake.

Rõ ràng là có thể trách cứ eBay lẽ ra nên cố đợi thêm 2 năm nữa và tự mình dàn xếp vụ kiện pháp lý rồi hãy bán Skype. Nhưng cũng khó để có thể nói rằng, eBay có thể đã biết trước Skype có giá trị hơn nhiều so với giá thị trường vào thời điểm đó và vẫn cố tình bán đi chỉ để thu lời về cho Andreessen.

Silver Lake tiếp cận với eBay từ rất lâu trước khi Andreessen được mời vào nhóm nhà đầu tư – và hãng của Andreessen Horowitz cũng chỉ đầu tư 50 triệu USD, nên cũng khó để nói ông đã chủ động kiếm lợi từ thương vụ này.

Nhưng cuộc tranh luận lại không chỉ dừng ở đó, mà kéo dài tiếp thành một chủ đề khác: liệu PayPal có nên tiếp tục là một phần của eBay, hay nên tách ra để hoạt động thành công hơn?

Reid Hoffman, người sáng lập LinkedIn và nguyên là một thành viên điều hành PayPal executive, ủng hộ quan điểm của eBay, là PayPal sẽ giá trị hơn khi vẫn trực thuộc eBay, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn đang hết sức khốc liệt.

“Amazon là một nền tảng thương mại có hệ thống thanh toán riêng. Google cũng có một nền tảng thương mại và hệ thống thanh toán. Apple có khả năng thúc đẩy các nền tảng thương mại của mình (iTunes, App Store) và các phần cứng thành một hệ thống thương mại đóng cho phép người sử dụng dùng iPhones của mình để trả tiền trực tuyến và mua hàng ngoại tuyến”, ông viết trên LinkedIn.

Cho dù câu trả lời chính xác là như thế nào về câu chuyện của eBay và PayPal, nhưng trong lúc này, cuộc tranh luận của cả hai bên vẫn chưa chấm dứt.

Tin bài liên quan