Hết năm 2015, SCIC chỉ giữ cổ phần chi phối tại 26 doanh nghiệp

Hết năm 2015, SCIC chỉ giữ cổ phần chi phối tại 26 doanh nghiệp

Năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt mục tiêu thoái vốn tại 290 doanh nghiệp với giá trị thu về 1.320 tỷ đồng. Với tình hình thị trường như hiện nay, Tổng giám đốc SCIC, ông Lại Văn Đạo tin rằng, sẽ hoàn thành mục tiêu giá trị thoái vốn, nhưng chưa chắc đạt được về số lượng doanh nghiệp thoái vốn.

Năm nay, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn tại 290 doanh nghiệp. Đến thời điểm này, kế hoạch đã đạt được đến đâu, thưa ông?

Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện bán vốn thành công tại 31 doanh nghiệp, trong đó bán hết 26 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 5 doanh nghiệp thu về cho Nhà nước 863 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch và tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm này, chúng tôi tiếp nhận gần 1.000 doanh nghiệp và đã thoái vốn được 683 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 5.100 tỷ đồng, trong khi số vốn tiếp nhận chỉ có 2.341 tỷ đồng. Như vậy, việc thoái vốn không chỉ bảo toàn được tài sản nhà nước, mà còn có thặng dư.

Số lượng doanh nghiệp bán vốn chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch do tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng  khoán, môi trường đầu tư còn chưa hết khó khăn.

Tiến trình thoái vốn của SCIC vẫn tương đối khả quan, vậy tại sao ông không tin rằng, năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu thoái vốn tại trên 290 doanh nghiệp như mục tiêu đã đặt ra?

Theo Đề án Tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015 thì trong năm 2014 và 2015, chúng tôi phải thoái vốn tại 376 doanh nghiệp. Năm nay, chúng tôi tự đặt mục tiêu thoái vốn tại trên 290 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm chưa thực sự khởi sắc, môi trường đầu tư cũng chưa có đột biến, nên mục tiêu thoái vốn tại trên 290 doanh nghiệp khó đạt được, nhưng tôi tin rằng, giá trị thoái vốn hoàn toàn có khả năng vượt mục tiêu đặt ra.

Ngoài yếu tố thị trường, môi trường đầu tư chưa thực sự thuận lợi, theo ông, còn những yếu tố nào cản trở quá trình thoái vốn?

Doanh nghiệp mà chúng tôi thoái vốn hầu hết có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng chưa thực sự tốt, nên có đơn vị thoái 3-4 lần không xong, mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, trên thị trường không phải chỉ có SCIC thoái vốn, mà rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Còn cơ chế, chính sách thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, cơ chế, chính sách thoái vốn nói chung đã hết sức thuận lợi, hầu như không còn gì vướng mắc. Đặc biệt, với Nghị định 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, Chính phủ cho phép SCIC chủ động bán vốn tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn.

SCIC được sử dụng nhiều hình thức bán vốn như khớp lệnh, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận, hoán đổi cổ phiếu. Chính phủ cũng xác định rõ việc bán vốn của SCIC là nhằm tiếp tục cổ phần hóa, giảm vốn nhà nước tại các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn chứ không phải là bán vốn của cổ đông sáng lập nên SCIC không phải thực hiện theo các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng nên giảm khá nhiều thời gian, quy trình, thủ tục trong thoái vốn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép SCIC được hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá không thành công; đấu giá bán cả lô đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng bán hết vốn nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư.

Như vậy, vấn đề còn lại ngoài yếu tố thị trường là quyết tâm của bản thân SCIC?

Đúng vậy. Để hoàn thành mục tiêu thoái toàn bộ vốn tại 376 doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thực hiện thoái vốn tại những doanh nghiệp dễ làm trước, khó sau, vừa làm vừa gỡ và thực hiện tối đa các cơ chế, chính sách đã được Chính phủ cho phép tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc thoái vốn không thể hoàn thành một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian để thực hiện đầy đủ các quy trình như định giá, công bố thông tin… tổ chức đấu giá. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành gần đầy đủ các thủ tục, quy trình thoái vốn theo quy định nên tiến độ thoái vốn từ nay đến cuối năm và sẽ khả quan hơn.

Dường như cơ chế hạ giá bán nếu đấu giá không thành công chưa được áp dụng khiến số lượng doanh nghiệp thoái vốn không đạt mục tiêu?

Tùy từng trường hợp cụ thể chúng tôi sẽ quyết định sử dụng phương án thoái vốn nào, chứ không phải cứ bán chưa được là hạ giá, bán dưới mệnh giá. Theo quy định, SCIC được hạ giá bán tối đa 3 lần, mỗi lần giảm tối đa 10% và thời gian giữa 2 lần giảm giá là 2 tháng nếu đấu giá không thành công. Như vậy, kể cả áp dụng phương án này, để đấu giá thành công một doanh nghiệp, tối thiểu phải mất 6 tháng kể từ lần đấu giá đầu.

Tôi mới quyết định hạ giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá lần 2 đối với một doanh nghiệp. Và sẽ quyết định hạ giá khởi điểm thêm nhiều doanh nghiệp nữa trong trường hợp đấu giá không thành công và quyết định bán dưới mệnh giá đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ theo đúng quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP.

Với những giải pháp này, hy vọng, kết thúc năm 2015, chúng tôi hoàn thành mục tiêu thoái vốn tại 376 doanh nghiệp và chỉ giữ lại 4 doanh nghiệp, giữ cổ phần chi phối 26 doanh nghiệp.

Tin bài liên quan