Hết động lực tăng, giới đầu tư đứng ngoài quan sát

Hết động lực tăng, giới đầu tư đứng ngoài quan sát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc tháng 8, vốn được coi là thời điểm trầm lắng của chứng khoán, bằng một phiên giao dịch ảm đạm vào ngày thứ Ba (31/8) song vẫn ghi nhận một tháng thăng hoa.

Thứ Ba, cũng là ngày cuối cùng của tháng 8, sau khi đã hết động lực từ bài phát biểu của Fed cuối tuần trước, giới đầu tư thận trọng quan sát và chờ đợi dữ liệu việc làm hàng tháng sẽ được công bố vào thứ Sáu (3/9) này. Báo cáo quan trọng này có thể sẽ giúp thị trường tìm ra thời điểm Fed sẽ bắt đầu thắt thắt chặt chính sách thu mua tài sản.

Mặt khác, Conference Board hôm thứ Ba cho biết chỉ số niềm tin người tiêu của Mỹ đã giảm xuống mức 113,8 trong tháng 8 từ mức mức 125,1 (đã được chính sửa) của tháng 7.

Đây là mức thấp nhất trong sáu tháng của chỉ số này, phản ánh mối quan ngại về sự lây lan của biến thể delta gây ra Covid-19 đối với người dân. Người Mỹ ngày càng nhận thức được những rủi ro ngắn hạn đối với sự phục hồi kinh tế do giá cả tăng cao và làn sóng dịch bệnh mới.

Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực Chicago giảm xuống mức 66,8 trong tháng 8 từ mức 73,4 trong tháng trước đó. Trong khi đó, Chỉ số giá nhà tổng hợp của S&P CoreLogic Case-Shiller từ 20 thành phố lớn của Mỹ ghi nhận tăng 18,6% vào tháng 6, tăng từ mức 16,8% trong tháng 5.

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên thấp hơn một chút vào thứ Ba, song kết thúc tháng 8 trong sắc xanh, đặc biệt chỉ số S&P 500 đã kết thúc 8 tháng đầu năm với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1997. Trong phiên giao dịch ngoài giờ khi, cả Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đều đang tăng tốt.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Dow Jones giảm 39,11 điểm (-0,11%), xuống 35.360,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,11 điểm (-0,11%), xuống 4.522,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 6,66 điểm (-0,04%), xuống 15.259,24 điểm.

Trong tháng 8, S&P 500 tăng 2,9% và là tháng tăng thứ 7 liên tiếp, trong khi Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,2% và 4%.

Chứng khoán châu Âu lao dốc hôm thứ Ba do lạm phát tăng vọt gây ra những lo lắng về sự thay đổi có thể xảy ra trong chính sách tiền tệ hiện hành, song vẫn ghi nhận một tháng 8 tích cực nhờ mùa báo cáo quý II mạnh mẽ hỗ trợ tâm lý lạc quan về sự phục hồi kinh tế.

Dữ liệu được Eurostat công bố hôm thứ Ba cho thấy, lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro tăng lên mức cao nhất trong 10 năm vào tháng 8.

Cụ thể, lạm phát khu vực vọt lên mức 3% trong tháng vừa qua từ mức 2,2% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mức dự báo 2,7% và vượt xa mức mục tiêu 2% của ECB. Mức tăng trên có khả năng thách thức mạnh mẽ quan điểm chính sách ôn hoà của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,31 điểm (-0,40%), xuống 7.119,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 52,22 điểm (-0,33%), xuống 15.835,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,12 điểm (-0,11%), xuống 6.680,18 điểm.

Trong tháng 7, FTSE 100 tăng 0,54%, DAX tăng 1,80%, CAC 40 giảm 0,65%.

Chứng khoán châu Á tiếp tục xanh sàn trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của các thị trường khác trong khu vực và thông tin chính trị trong nước.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều giữa hai chỉ số chính, với CSI giảm sau khi dữ liệu cho thấy ngành dịch vụ suy thoái.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khi các nhà đầu kỳ vọng lớn hơn về sự hỗ trợ chính sách để khắc phục những rủi ro kinh tế gia tăng từ dịch Covid-19 gia tăng từ chính quyền.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 5 tháng, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 300,25 điểm (+1,08%), lên 28.089,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,79 điểm (+0,45%), lên 3.543,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 339,45 điểm (+1,33%), lên 25.878,99 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 55,08 điểm (+1,75%), lên 3.199,27 điểm.

Trong tháng 8, Nikkei 225 tăng 3,03%, Shanghai Composite tăng 2,78%, Hang Seng giảm 1,21%, KOSPI giảm 2,56%.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba nhờ đồng USD suy yếu, tuy nhiên đà tăng đã chậm lại khi thị trường quyết định đứng ngoài để chờ đợi dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ, yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định chính sách của ngân hàng trung ương, sẽ được công bố vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 31/8, giá vàng giao ngay tăng 3,90 USD (+0,26%), lên 1.814,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 6,00 USD (+0,33%), lên 1.815,80 USD/ounce. Trong tháng, giá vàng giao ngay tăng 0,02%.

Giá dầu quay đầu giảm vào thứ Ba, đánh dấu tháng lỗ đầu tiên kể từ tháng 3/2021, bất chấp nhu cầu dự kiến ​​sẽ giảm sau khi cơn bão Ida khiến các nhà máy lọc dầu ở Vùng Vịnh của Mỹ phải đóng cửa.

Bão Ida, cơn bão cấp 4 đổ bộ vào Mỹ hôm Chủ nhật (29/8) đã đánh sập ít nhất 94% sản lượng dầu khí ngoài khơi Vịnh Mexico và gây ra thiệt hại "thảm khốc" cho lưới điện của Louisiana.

Giá dầu đêm qua chịu áp lực bởi lo ngại rằng tình trạng mất điện và lũ lụt ở Louisiana sau cơn bão Ida sẽ cắt giảm nhu cầu dầu thô từ các nhà máy lọc dầu.

Mặt khác, OPEC+ sẽ nhất trí duy trì chính sách bổ sung 400.000 thùng/ngày vào nguồn cung hàng tháng cho đến cuối tháng 12 trong cuộc họp vào ngày 1/9, theo các nguồn tin của Reuters. Nhóm nhiều khả năng sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng từ từ bất chấp áp lực hối thúc tăng sản lượng từ Mỹ.

Dữ liệu riêng của OPEC cho thấy, thị trường dầu sẽ đối mặt với thâm hụt cho đến cuối năm 2021 nhưng sau đó chuyển sang thặng dư vào năm 2022.

Kết thúc phiên 31/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,71 USD (-1%), xuống 68,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,42 USD (-0,6%), xuống 72,99 USD/thùng.

Trong tháng 8, dầu WTI giảm 7,4% trong khi dầu Brent mất 4,4%.

Tin bài liên quan