Hết “đại gia” chống lưng, Sao Việt hết “cửa sống”

Hết “đại gia” chống lưng, Sao Việt hết “cửa sống”

(ĐTCK) Hành trình đi đến quyết định giải thể của CTCK Sao Việt (SVS) khá bất ngờ, kín tiếng, mà nguyên nhân vừa được hé lộ.

>> Chứng khoán Sao Việt rút nghiệp vụ môi giới

>> Giải thể CK Sao Việt, cổ đông ước được chia 7.000 đồng/CP 

 

Hết đại gia “chống lưng”

“SVS đặt mục tiêu trở thành đơn vị tài chính hàng đầu Việt Nam cung cấp dịch vụ trong ngành xây lắp, bất động sản (BĐS)…”. Đây là một trong những tham vọng lớn mà SVS đặt ra ngay khi bắt đầu hoạt động năm 2007. Lần giở lại hành trình hoạt động của SVS mới thấy, không phải ngẫu nhiên mà SVS đặt ra mục tiêu tưởng như “trên trời” như vậy.

Trong danh sách cổ đông sáng lập, Ban lãnh đạo của SVS có sự xuất hiện của những cái tên lừng lẫy một thời trên cả thị trường BĐS lẫn TTCK như: CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS), CTCP Căn nhà mơ ước (DRH)… Đó đều là những “đại gia” trong ngành BĐS.

Với sự thăng hoa của thị trường này cách đây 6 năm, họ không phải không có lý khi quyết định bơm tiền cho SVS để hiện thực hóa mục tiêu của công ty này là trở thành đơn vị tài chính hàng đầu Việt Nam trong ngành xây lắp, BĐS, chứ không chỉ đơn thuần là một CTCK.

 Hết “đại gia” chống lưng, Sao Việt hết “cửa sống” ảnh 1

SVS thất bại trong nỗ lực kiếm tiền trên TTCK

 

Tuy nhiên, thị trường BĐS “lâm nạn” từ năm đầu năm 2011 đến nay, dù muốn, các đại gia này cũng không thể tiếp tục “chống lưng” cho SVS. Lý do đơn giản là bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn.

“Họa vô đơn chí”, không chỉ thị trường BĐS gặp khó, TTCK cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nên SVS thua lỗ triền miên. Điều này khiến những đối tác góp vốn vào SVS đứng ngồi không yên. Cách hành động của họ, như chính đại diện phần vốn của SJS tại SVS phải thốt ra chua xót tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án giải thể SVS vừa diễn ra là “SJS không thể tiếp tục rót thêm tiền nuôi SVS”. Trước đây, khi SJS “rủng rỉnh”, thường có 500 - 1.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, không chỉ bản thân SJS bạo chi, mà còn đứng ra vận động các đại gia BĐS khác rót tiền cho SVS, nhưng nay thì đã khác.

Ba trường hợp CTCK xin tự nguyện giải thể tính đến thời điểm này có nhiều lý do khác nhau, nhưng có một điểm chung là họ đều thừa nhận thất bại trong nỗ lực kiếm tiền trên TTCK và họ không nhìn thấy cơ hội để vượt qua sự thất bại này. Ngay cả những đại gia hậu thuẫn cho SVS cũng đành thú nhận, họ đã hụt hơi và không còn sức để tiếp tục cuộc chơi với SVS.

 

Khó đổi chủ

“Bẽ bàng”, đó là chia sẻ rất thật của đại diện các đại gia BĐS bỏ vốn vào SVS, khi họ phải đi đến quyết định giải thể SVS. Tâm trạng này cũng là điều dễ hiểu, khi lâu nay phong độ của các đại gia BĐS chỉ có lên, chứ ít khi có chuyện đi xuống như hiện tại.

Không ít người đặt câu hỏi, tại sao các ông lớn đứng sau SVS không tìm một cách thoái lui… đẹp mặt?

“Không thể” là câu trả lời từ ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT SVS, người còn được biết đến với vai trò là Ủy viên HĐQT của NTL, khi trao đổi với ĐTCK.

Theo ông Chiến, SVS đã chấp nhận chịu thiệt so với phương án giải thể để tìm cách chuyển nhượng cho đối tác khác. Cách đây gần hai tháng, SVS tưởng như sẽ được sang tên cho một ông chủ ngoại. Đối tác nước ngoài muốn mua 100% SVS, nhưng SVS có quá nhiều cổ đông đang nắm giữ một vài chục cổ phiếu, không có cách nào liên hệ với họ để gom đủ 100% cổ phần. Để vượt qua vướng mắc này, đối tác ngoại đã tính đến phương án nắm giữ 95 - 96%, thậm chí 99% cổ phần của SVS bằng cách ủy thác cho một số tổ chức, cá nhân trong nước đứng tên, do quy định hiện hành không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu quá tỷ lệ 49% đến dưới 100%. Tuy nhiên, đây là phương án rủi ro, nên đối tác này không triển khai.

Ông Chiến cho biết thêm, ngay cả khi SVS chấp nhận bán với giá khoảng 6.500 đồng/CP so với mức gần 7.000 đồng/CP mà cổ đông nhận được khi SVS giải thể, thì cuộc đổi chủ tại SVS cũng bất thành, do năng lực tài chính của đối tác ngoại không đáp ứng được yêu cầu của Công ty.

Diễn biến trên khiến SVS phải chọn phương án giải thể. Khi bị đặt vào tình huống phải chọn giữa một bên là rút lui đẹp mặt nhưng thiệt hại nhiều, với bên còn lại là rút lui bẽ bàng, nhưng mất ít tiền nhất có thể, các đại gia đã chọn cách thứ hai.