Từ 2/8, ngân hàng sẽ khó mua trái phiếu doanh nghiệp
Lâu nay, không ít ngân hàng bị chê là mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hình thức, vì thực ra động thái mua này chẳng khác gì cấp tín dụng cho doanh nghiệp, cho dù nhu cầu đầu tư vào TPDN của các ngân hàng là khách quan. Sở dĩ có ý kiến như vậy là bởi không ít đợt phát hành chỉ có một bên mua là ngân hàng.
Tuy nhiên, một thực trạng tiềm ẩn rủi ro đáng quan ngại xuất phát từ chính sự đầu tư không minh bạch, thậm chí có mối quan hệ “sân sau”, "lợi ích nhóm" giữa ngân hàng (bên mua trái phiếu) với doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành.
Để khắc phục tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định mới theo hướng siết chặt hơn hoạt động đầu tư TPDN của các ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN và có hiệu lực từ ngày 2/8 tới, trong đó có nhiều quy định mới về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN.
Chẳng hạn, liên quan đến việc tổ chức tín dụng mua TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua TPDN…, Thông tư 15/2018/TT-NHNN đưa ra yêu cầu cụ thể: Quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua TPDN, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của tổ chức tín dụng nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi TPDN..., đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này…
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia trái phiếu, quy định này sẽ khiến các ngân hàng thương mại “hẹp cửa” hơn khi đầu tư vào TPDN, trong khi sức cầu trên thị trường này vốn đã rất yếu.
Cấm cửa mua trái phiếu của doanh nghiệp tái cơ cấu nợ
Một điểm mới khác tại Thông tư 15/2018/TT-NHNN là “Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua TPDN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Quy định trên, theo nhìn nhận của chuyên gia sẽ “làm khó” cho hoạt động đầu tư TPDN của các ngân hàng. Ở đây, cần phân tích cụ thể các tình huống doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ, qua đó làm rõ không phải trường hợp nào phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ cũng là rủi ro cao.
Thực tế, có những công ty làm ăn hiệu quả, nền tảng doanh nghiệp tốt, để tái cơ cấu các khoản nợ vay từ trước với lãi suất cao, họ có nhu cầu phát hành trái phiếu để tận dụng bối cảnh thị trường có mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu thấp nhằm giảm sức ép nghĩa vụ trả nợ, chi phí tài chính trong hoạt động.
Quy định mới sẽ khiến các ngân hàng thương mại “hẹp cửa” hơn khi đầu tư vào TPDN, trong khi sức cầu trên thị trường này vốn đã rất yếu.
Với trường hợp này, ngân hàng tham gia mua trái phiếu (dĩ nhiên, ngân hàng phải đánh giá kỹ rủi ro - PV) sẽ mang lại lợi ích cho cả bên bán lẫn bên mua trái phiếu, nhất là trong tình huống doanh nghiệp này đang vay vốn ngân hàng.
Khi doanh nghiệp giảm sức ép tăng chi phí tài chính, đồng nghĩa họ sẽ làm ăn hiệu quả hơn, khi đó không chỉ giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của chính doanh nghiệp, mà còn gia tăng khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Mặt khác, cũng có trường hợp doanh nghiệp có nền tảng tốt, kinh doanh hiệu quả, nhưng do quản lý dòng tiền không tốt dẫn đến gặp khó khăn về thanh khoản, nên họ có nhu cầu phát hành trái phiếu để tái cơ cấu các khoản nợ nhằm giúp doanh nghiệp tránh rơi vào thua lỗ, phá sản.
Điều này không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp, mà cho cả ngân hàng và Nhà nước, vì doanh nghiệp phá sản đồng nghĩa ngân hàng không thu được nợ, Nhà nước không thu được thuế…
Thực tế trên cho thấy, lẽ ra cơ quan quản lý nên phân tách thành các trường hợp cụ thể, để tương ứng với đó đưa ra những hạn chế khi ngân hàng đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành vì mục tiêu tái cơ cấu nợ, để vừa tạo thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, vừa hỗ trợ thị trường TPDN phát triển.
Kỳ vọng qua thực tế áp dụng quy định mới mà phát sinh vướng mắc, cơ quan quản lý sẽ lắng nghe ý kiến từ thị trường để có những sửa đổi cơ chế cho phù hợp.