Phú Quốc “xưa” đây rồi
Trước chuyến đi, nhiều bạn bè từng nói với tôi rằng: “Cần gì phải đi Phuket cho xa, Việt Nam mình cũng có một Phuket rồi”. Tôi hiểu rằng, họ đang nói về Phú Quốc.
Tôi đến Phú Quốc vào tháng 8 Dương lịch. Thời điểm như người ta nói là “trái mùa” vì hay gặp mưa. Từ TP.HCM chỉ mất khoảng 40 phút, máy bay đã lướt trên mặt biển xanh trong để đáp xuống Sân bay Phú Quốc.
Xe đưa đón từ resort đã chờ sẵn và khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi có mặt tại khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng bậc nhất Phú Quốc. Nơi đây bao gồm tổ hợp biệt thự, khách sạn hiện đại được kết nối bằng những khoảng vườn xanh mát.
Đảo ngọc đang trở thành điểm nóng của bất động sản nghỉ dưỡng, bởi đơn giản, ở đây có những bãi biển sạch với cát trắng, nắng vàng và nước biển ấm quanh năm.
Tuy có 4 ngày ở đảo ngọc, nhưng tôi không lên lịch trình kín mít những điểm “check in”, những điểm “must-go”, mà mọi người thường nhắc tới khi đặt chân tới Phú Quốc. Tôi chọn một địa danh bớt ồn ào hơn: Làng chài Hàm Ninh - nơi sinh sống của hàng trăm ngư phủ quanh năm bám biển kiếm kế sinh nhai.
Cách thị trấn Dương Đông khoảng 20 km, Hàm Ninh cuốn hút tôi bởi nét hoang sơ, tự nhiên vốn có, bởi sự đa dạng của văn hóa ẩm thực người bản địa và bởi những ký ức ngọt ngào khó quên về cung đường đất đỏ, quanh co, uốn lượn, đã vô tình đưa tôi ra đến một bãi biển hoang, thưa vắng người qua lại.
Hôm đó, vì định vị nhầm mà google map đưa chúng tôi tới một bãi biển hoang không một bóng người, cách làng chài chừng 1 km. Đã là 11 giờ trưa, nắng vàng nhẹ nhàng trải thảm trên màu nước biển xanh sẫm. Bãi biển nương mình vào một rừng cây rậm rạp chỉ độc con đường đất đỏ dẫn vào. Cảnh đẹp và bình yên đến lạ thường. Hình như đây mới là hình ảnh tôi mong chờ nhất trong chuyến đi.
Phú Quốc “xưa” đây rồi. Một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với những resort 5 sao, những quán bar sang trọng mới xây, hay những khu nghỉ dưỡng còn đang ngổn ngang vôi vữa. Thấy lòng nâng lên những xúc cảm bồi hồi khó tả. Chỉ một đoạn bờ biển đi lạc mà gây thương nhớ không nguôi.
Không thể ở lại lâu, chúng tôi đành quay xe trở lại con đường bê tông dẫn vào làng chài. Tôi đến Hàm Ninh như người hoài cổ trở lại làng xưa, bởi cuộc sống ở đây gần như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với nhà tranh, vách bạt. Nghề chính của ngư dân vẫn là lặn ngọc trai, bắt hải sâm và hải sản. Thế nên, cầu cảng Bãi Vòng lúc nào cũng sực nức mùi cá nướng, mùi nước mắm và la liệt các loại hải sản bày bán.
Chuyện kể rằng, xưa kia, khi đảo còn hoang vắng, có một số cư dân nơi xa đến ven bờ rạch Hàm sinh sống rồi định cư lập ra làng. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng, thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Vì vậy, làng chài bây giờ nằm lọt thỏm giữa biển xanh, lưng dựa vào dãy núi Hàm Ninh cao hàng trăm mét, còn trước mặt là biển cả mênh mông.
Khi nước ròng, bãi cát chạy tít ra xa. Lúc nước lên, thì tràn vào tận mé rừng. Đứng trên bãi Hàm Ninh có thể nhìn thấy quần đảo Hải Tặc, chệch phía Nam là mũi Ông Ðội - mũi đất cuối cùng của đảo, còn về phía Đông Nam là hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc.
Biển Hàm Ninh duyên lắm. Luôn có sức quyến rũ kỳ lạ từ buổi bình minh cho đến khi mặt trời khuất dạng.
Bình minh làng chài không chỉ được tô điểm bằng màu sắc của mặt trời, mà còn là màu sắc của rất nhiều thuyền đánh cá neo đậu sau chuyến biển đêm về. Kết hợp với đó là cảnh mua bán hải sản náo nhiệt của người địa phương, với những thanh âm đậm chất làng chài.
Trưa Hè nắng chói chang. Những con thuyền neo đậu trong làn nước xanh làm du khách quên đi cái nóng và những bụi bặm chốn đô thành. Một màu xanh như màu ngọc bích, thăm thẳm, vời vợi típ tắp giáp tận chân trời. Biển gần bờ với ba màu xanh lục, xanh lam, xanh ngọc lung linh, vỗ về cảng, tàu thuyền đang nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi mệt nhọc.
Còn khi hoàng hôn dần buông, Mặt Trời đỏ au ôm trọn từng đường nét thô sơ của biển. Hoàng hôn dịu dàng, thăm thẳm hiện ra. Bức tranh lúc tĩnh, lúc động hòa hợp vào nhau say mê đến lạ.
Có ai trước cảnh đẹp mà không bồi hồi, lòng không trộn rộn, không xốn xang những nỗi nhớ xa xôi. Chẳng trách mỗi khi dừng chân nơi đây, ai cũng ngẩn ngơ và chỉ muốn lưu giữ thật nhiều hình ảnh thanh bình của Phú Quốc.
Sản vật của biển
Sau khi đi tham quan và ngắm nhìn đủ những rong rêu của làng chài, tôi sà xuống hàng quán dọc hai bên Bãi Vòng mong được hòa vào cuộc sống của ngư dân chất phác.
Tôi gặp chị Lành, một chủ tàu đánh cá ở đây. Tay cầm cuốn sổ, chân đi ủng, chị đếm từng sọt cá khi được mang lên bờ. Tuy chỉ ngoài 30, nhưng nắng gió của biển khiến chị trông già hơn cả chục tuổi. Cuộc sống vất vả là vậy, nhưng người dân nơi đây vẫn bám biển, bởi đây là cuộc sống của họ.
Công việc tất bật nên chị Linh không thể trò chuyện với chúng tôi được lâu. Không muốn làm phiên chị, tôi đành lang thang xuống các ghe thuyền và nhanh chóng nhận ra, Hàm Ninh không chỉ cuốn hút bởi khung cảnh hoang sơ, mộc mạc, mà còn hấp dẫn nhờ hương vị hải sản khó phai.
Tôi được bà chủ quán dẫn ra tận nơi chọn từng con ghẹ, ốc, sò, hàu đang tung tăng vùng vẫy dưới biển. Sau đó, được tự tay bê từng rổ cá từ bến mang lên cái chòi nhỏ chờ chế biến.
Đừng nói bạn đã đến Phú Quốc khi mà chưa thưởng thức qua món ghẹ hấp ở đây. Ghẹ của làng chài Hàm Ninh xứng đáng được các vị thần biển tán dương. Những con ghẹ chắc thịt phản phất vị của biển trong sự quyến rũ đậm đà của hạt tiêu Phú Quốc. Tất cả như một bản hòa âm đặc sắc mà bạn sẽ quay quắt nhớ khi rời xa. Ghẹ Hàm Ninh ngon đến độ tôi ăn quên cả đất trời và “ăn no nê mới về” như mong muốn của chủ nhân nhà hàng.
Ngoài ghẹ, các món hải sản qua bàn tay chế biến của ngư dân, tuy đơn giản, nhưng cũng trở thành món ngon tuyệt hảo. Đặc biệt, nó rất phù hợp với xu hướng sống khỏe, sống lành mạnh vì đảm bảo được độ tươi ngon, thanh đạm.
Những món sò thịt dai, giòn, ngọt nước nên thường đem hấp gừng xả và nướng mỡ hành xèo xèo trên bếp. Thỉnh thoảng nó cũng được làm nộm ăn kèm rau răm rất tuyệt. Các món tôm không phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần tươi mới và càng giữ được hương vị nguyên gốc tự nhiên sẽ càng thấm, càng ngon.
Việc ăn và thưởng thức ẩm thực với tôi khi đó không còn là bản năng cơ bản giúp xoa dịu cái dạ dày, mà hơn hết, đó còn là một nghệ thuật: đi, ăn và trải nghiệm sự hạnh phúc cùng nhau.
Cảm ơn chuyến đi để tôi có dịp cảm nhận sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên Phú Quốc như thể sinh ra là dành cho nhau. Trở về khách sạn với cái bụng căn tròn, cô bạn Hà Nội cứ nhắn tin hỏi han, Hàm Ninh có gì thú vị mà tôi đi mấy ngày chưa chịu về. “Chẳng có gì nổi bật, bởi tất cả đều trên cả tuyệt vời bạn ơi”.
Với tôi mà nói, đảo ngọc bây giờ không còn là điểm đến nữa, mà trở thành chốn an yên để trở về khi đôi chân đã mỏi trên những dặm đường mưu sinh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com