Ông đánh giá như thế nào về khả năng chấp hành nghĩa vụ thanh toán của khối thành viên lưu ký trong năm 2016?
Sau giai đoạn tái cơ cấu khối công ty chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán là thành viên của VSD đã giảm từ 103 trong năm 2011 xuống còn 85 thành viên. Quá trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán đã giúp loại bỏ dần các công ty chứng khoán yếu kém và chất lượng cung cấp dịch vụ, ý thức chấp hành kỷ luật thanh toán, quy định nghiệp vụ của thành viên cũng ngày càng tốt hơn.
Năm 2016, tổng giá trị thanh toán tiền giao dịch chứng khoán trên các sàn giao dịch đạt 2.162.003 tỷ đồng, tăng 38,6% so với năm 2015 và tăng hơn 525% so với năm 2011. Điều đáng ghi nhận là mặc dù giá trị thanh toán giao dịch tăng, nhưng kỷ luật thanh toán của thị trường đã được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành quy định về thanh toán của các thành viên được cải thiện đáng kể.
Nếu như năm 2011có nhiều thành viên phải sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán với số tiền lên đến 379 tỷ đồng thì đến năm 2014, con số này đã giảm xuống là 10 tỷ đồng, đến năm 2015 chỉ có 1 thành viên sử dụng quỹ với số tiền là 674 triệu đồng.
Đặc biệt, từ khi VSD áp dụng việc rút ngắn thời gian và quy trình thanh toán từ T+3 xuống T+2, không có thành viên nào thiếu tiền giao dịch dẫn đến phải sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán. Nhìn vào những con số này, một mặt có thể nhận thấy ý thức chấp hành kỷ luật thanh toán của thành viên đã được nâng lên đáng kế, mặt khác cũng cho thấy tiềm lực năng lực tài chính và công tác quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán đã từng bước được nâng cao hơn và quá trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán thành viên đã có được các kết quả khả quan.
Năm 2016 cũng là lần đầu tiên không phát sinh trường hợp thành viên bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký và trường hợp tạm thời mất khả năng thanh toán tiền phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán.
Ông Dương Văn Thanh
Ông có thể chia sẻ các biện pháp mà VSD đang áp dụng để nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ giữa VSD và các thành viên lưu ký?
Những năm gần đây, để tạo điều kiện cho các thành viên và nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ giữa VSD và thành viên lưu ký, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát và quản lý thành viên trong việc tuân thủ các quy chế nghiệp vụ của VSD, giúp thị trường vận hành an toàn hơn, VSD đã xây dựng các chế tài xử lý hành vi vi phạm quy chế nghiệp vụ của thành viên với nhiều cấp độ như: nhắc nhở bằng văn bản, khiển trách, tạm thời đình chỉ hoạt động lưu ký, tạm thời đình chỉ hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, thu hồi giấy chứng nhận thành viên, nhờ đó đã hạn chế việc vi phạm các quy định nghiệp vụ của thành viên, nâng cao hiệu quả quản lý, tính tự giác tuân thủ của thành viên và góp phần lành mạnh hóa thị trường.
Đặc biệt, VSD đã chủ động nghiên cứu các giải pháp về nghiệp vụ và công nghệ để nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ giữa VSD với thành viên.
Cụ thể, VSD đã triển khai áp dụng chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ của VSD với thành viên nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống, giảm thời gian, chi phí xử lý nghiệp vụ; triển khai hệ thống vay cho vay chứng khoán nhằm giúp thành viên dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện các giao dịch vay, cho vay chứng khoán trong trường hợp thành viên tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán và hỗ trợ thành viên lập quỹ ETF có đủ chứng khoán để góp vốn, thực hiện giao dịch hoán đổi danh mục với quỹ ETF.
Trung tâm đã đưa vào sử dụng thành công hệ thống trực tuyến mới với thành viên thông qua cơ chế trao đổi điện tín chuẩn ISO 15022 cho tất cả các nghiệp vụ, giảm bớt các khâu xử lý thủ công, giảm thiểu rủi ro cho thành viên trong tác nghiệp.
VSD đã áp dụng cơ chế lùi thời hạn thanh toán theo thông lệ quốc tế đối với các giao dịch tạm thời mất khả năng thanh toán tiền/chứng khoán nhằm cho phép thành viên có thêm thời gian để khắc phục, hạn chế tối đa để xảy ra các trường hợp phải loại bỏ không thanh toán, đảm bảo cho thị trường vận hành liên tục, an toàn.
Công tác phối hợp đào tạo giữa VSD và các thành viên năm 2016 có gì mới, thưa ông?
Hàng năm, VSD đều tổ chức hội nghị thành viên và các lớp tập huấn nghiệp vụ cho thành viên lưu ký nhằm trao đổi, gặp gỡ, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các kiến nghị đề xuất giúp nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ giữa VSD và thành viên, cũng như phổ biến các kiến thức về quy chế của VSD, hướng dẫn thực hiện cho các nghiệp vụ mới phát sinh, từ đó giúp thành viên giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian xử lý công việc. Năm 2016 ngoài những việc trên, chúng tôi có thêm các hoạt động cùng bàn thảo và đào tạo thành viên, để chuẩn bị cho TTCK phái sinh khai mở.
Trong thời gian tới, cùng với sự ra đời của các sản phẩm mới đang nhận được sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư và các thành viên thị trường như chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant), hệ thống bỏ phiếu điện tử (E-voting)..., VSD sẽ phối hợp với các thành viên triển khai các hội thảo, các khoá đào tạo nhằm phổ biến kiến thức sâu rộng hơn đến thị trường, nhà đầu tư.
Bên cạnh thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh sắp đi vào hoạt động. VSD đã có những bước chuẩn bị như thế nào để triển khai chức năng bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh?
Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời là tất yếu và sẽ là bước chuyển cả về chất và lượng của thị trường, được kỳ vọng là sẽ làm tăng tính hiệu quả, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch và thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng và quản lý vận hành thị trường chứng khoán phái sinh không đơn giản như thị trường cơ sở, đặc biệt đối với hoạt động bù trừ và thanh toán.
Do đặc thù của sản phẩm phái sinh là thời hạn dài, ít thực hiện giao nhận vật chất tại ngày đáo hạn, vì vậy, việc quản lý rủi ro, bù trừ hàng ngày và thanh toán là rất phức tạp, giá trị của các sản phẩm phái sinh đòi hỏi phải được tính toán hàng ngày theo giá thị trường và thường được tiến hành thông qua mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP).
Trong năm 2016, Thông tư 11/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh được ban hành đã đánh dấu bước phát triển hoàn thiện căn bản về khuôn khổ pháp lý cho việc vận hành thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động giao dịch và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và VSD đã phối hợp triển khai triển khai xây dựng hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình (CCP).
Về cơ bản, đến nay, các quy trình, quy chế hướng dẫn và công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật cũng như cơ chế bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của VSD đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc triển khai hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh ngay khi cơ quan quản lý quyết định việc khai trương thị trường mới mẻ này.