Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đạt gần 7,42 tỷ giao dịch, tương ứng giá trị đạt gần 54,13 triệu tỷ đồng (tăng 53% về số lượng và 13% về giá trị so với năm 2022), bình quân hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý gần 20 triệu giao dịch/ ngày.
Đối với hạ tầng thông tin tín dụng (TTTD), ông Anh Tuấn cho biết đã đạt được những bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin. Trong giai đoạn 2019-2023, TTTD đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ sở dữ liệu TTTD phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thông tin tại Họp báo. |
“Đến nay, CIC đã thu thập được thông tin từ 124/124 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.161 quỹ tín dụng nhân dân, 4 đơn vị tài chính vi mô và 60 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt mức cao, trên 98%, độ bao phủ thông tin tín dụng trên tổng dân số trưởng thành luôn được cải thiện, nâng tổng số khách hàng trong cơ sở dữ liệu TTTD lên gần 55 triệu khách hàng”, ông Anh Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng. Đến tháng 11/2023, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục tăng trưởng khá.
Cụ thể, giao dịch TTKDTM đạt trên 10 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 197 triệu tỷ đồng (tăng gần 50% về số lượng và giảm 0,71% về giá trị); qua kênh Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,80% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị).
Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng: Toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).
“Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, NHNN đã hợp tác với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào) để triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán bán lẻ song phương qua QR Code”, ông Anh Tuấn nói.
Đồng thời, ông Tuấn chia sẻ thêm những con số đáng chú ý tính đến cuối tháng 9/2023.
Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money là hơn 5,6 triệu tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 3,9 triệu tài khoản (chiếm 70,12% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Thứ hai, có 11.696 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 6.426 điểm, chiếm khoảng 55% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, số lượng điểm kinh doanh tăng 1,42 lần so với thời điểm cuối tháng 9/2022;
Thứ ba, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) được thiết lập đến cuối tháng 9/2023 là hơn 195,89 nghìn ĐVCNTT, trong đó chủ yếu là các ĐVCNTT cung ứng dịch vụ thiết yếu (như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công...). Số lượng ĐVCNTT thời điểm cuối tháng 9/2023 tăng hơn 13,4 lần so với thời điểm cuối tháng 9/2022;
Thứ tư, tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 47 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 2.390 tỷ đồng. Trong 02 năm thí điểm, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm được đảm bảo, chưa xảy ra các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và tăng cường tiếp cận với đối tượng khách hàng mới, đặc biệt ở các khu vực còn khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ thanh toán và ngân hàng.
“Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã đạt được tỷ lệ cao so với tổng số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile-Money trong thời gian vừa qua (70,12%), đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của dịch vụ Mobile-Money tại Quyết định 316/QĐ-TTg”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngoài ra, ông Anh Tuấn thông tin thêm, tính đến cuối tháng 12/2023, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ TGTT trên thị trường. Trong đó, dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử: 01 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử: 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ: 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử: 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử: 49 tổ chức.
Đến cuối năm 2023, số lượng Ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu Ví điện tử đã được kích hoạt) với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2023, số lượng giao dịch bằng Ví điện tử của các tổ chức TGTT được xử lý thành công ước đạt 4.088,90 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 1.895,56 nghìn tỷ đồng (tăng 47,15% về số lượng và 41,78% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022); bình quân khoảng 463 nghìn đồng/giao dịch (trong đó, bình quân 01 Ví điện tử đang hoạt động phát sinh khoảng 10,0 giao dịch/tháng, với giá trị giao dịch là xấp xỉ 4,80 triệu đồng/tháng).