Ông Keith Pogson
Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp. Theo ông, để quá trình này diễn ra thuận lợi hơn, cần thêm những điều kiện hỗ trợ nào?
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một vấn đề vô cùng phức tạp, chỉ có thể diễn ra trôi chảy với các yếu tố cơ bản:
Một là, hệ thống pháp luật phải mang tính hỗ trợ, cho phép các ngân hàng tự mua bán, sáp nhập với nhau một cách dễ dàng, gạt bỏ những trở ngại về mặt hành chính và pháp lý.
Hai là, các chính sách thuế khuyến khích các nhà băng sáp nhập với nhau hơn là làm tăng các chi phí để ngăn cản quá trình sáp nhập.
Ba là, cần tạo ra sự hỗ trợ đối với thị trường vốn và cơ bản là thị trường phải có sự xuất hiện của cả người bán và người mua sẵn sàng tham gia quá trình này.
Các ngân hàng Việt Nam vẫn bị đánh giá yếu kém trong giải quyết nợ xấu
Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, theo ông, bước đi đầu tiên trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là gì?
Bước đi đầu tiên, theo tôi, là phải xây dựng được niềm tin đối với người dân trong nước cũng như nhà đầu tư quốc tế về quá trình tái cấu trúc. Chỉ khi làm được điều này, các nhà đầu tư mới tìm đến và nhờ đó vốn sẽ được đổ vào thị trường và tạo nên tâm lý tích cực.
Những chuyển biến không thể nhanh hơn của VAMC đang là một lý do điển hình cho việc niềm tin vào quá trình tái cấu trúc đang suy giảm.
Một kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy, những hành động mang tính phối hợp giữa các bộ, ngành đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và nâng thẩm quyền của công ty quản lý tài sản để nó có thể giải quyết một cách chủ động và tự tái cấu trúc các khoản nợ xấu. Việt Nam nên có những hành động và những nỗ lực tương tự như vậy.
Tuy nhiên, cũng phải xem xét rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang ở một thế khó, vì cơ sở pháp lý chưa hoàn chỉnh từ đó có thể tự chỉ đạo quá trình mua bán - sáp nhập, giải quyết nợ xấu, thậm chí là cho phá sản một số ngân hàng.
Đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, Chính phủ chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ. Ông bình luận gì về vấn đề này tại Việt Nam?
Trên thực tế, các chính phủ thường đứng sau quá trình tái cấu trúc, không chỉ về phương diện pháp lý mà còn là người xúc tiến việc cải thiện niềm tin trong nước và quốc tế.
Với những động thái thiết thực và những sự trợ giúp tích cực, tâm lý hưng phấn trên thị trường sẽ xuất hiện và sẽ dần đạt được những kết quả khả quan.
Theo ông, hiện nay có phải là thời điểm để một vài ngân hàng nhỏ, yếu ở Việt Nam phá sản?
Không bao giờ có một thời điểm nào là “tốt” để cho phá sản các ngân hàng cả. Không may thay, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang phải gây dựng niềm tin từ phía các khách hàng.
Tuy nhiên, đang có một sự cân bằng khá khó khăn giữa việc trợ giúp cho các ngân hàng gặp khó do quản trị kém và việc cho phép các ngân hàng phá sản.
Rất nhiều nước đã vượt qua được vấn đề này khi họ tự thành lập được một cơ chế bảo vệ tiền gửi, người gửi tiền có thể yên tâm gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, việc này có ảnh hưởng dài hạn đến quá trình quản trị của các ngân hàng (do các ngân hàng yếu kém sẽ không phải chịu hậu quả do việc các khách hàng bị mất tiền gửi).
Tôi nghĩ rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn đang rất yếu và chi phí để sửa chữa cả hệ thống còn cao hơn rất nhiều so với chi phí để hỗ trợ cho một ngân hàng yếu kém, những giải pháp mang tính đột phá hơn lại đang rất cần thiết để có thể đối phó với tình trạng quản lý yếu kém tại các ngân hàng.
Bước đầu, ta có thể thảo luận về một dự thảo luật phá sản ngân hàng, cho phép Ngân hàng Nhà nước có đủ thẩm quyền phá sản ngân hàng. Đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngân hàng, bắt buộc họ phải quản trị tốt hơn.
Ông có thể nói rõ hơn về những yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Sự cạnh tranh khốc liệt trong nội bộ hệ thống khiến hệ thống ngân hàng rất đông về số lượng, nhưng lại thiếu những ngân hàng mang tính trụ cột cho nền kinh tế.
Sẽ là tốt hơn khi có ít ngân hàng, nhưng chất lượng hoạt động tốt, có khả năng tạo lợi nhuận cao, đầu tư vốn vào công nghệ để hỗ trợ dịch vụ khách hàng và cân bằng tài chính.
Hai là yếu kém trong vấn đề giải quyết nợ xấu.
Ba là yếu kém trong vận hành hoạt động, để đảm bảo rằng hoạt động và lý do cho hoạt động của ngân hàng hợp lý, cho vay - huy động cân bằng, không có tham nhũng và rửa tiền…
Ông có khuyến nghị gì để giải quyết những điểm yếu này?
Theo tôi, để giải quyết những yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, trước hết, cần phải có khung khổ pháp lý cho quá trình mua bán sáp nhập, tái cấu trúc các khoản nợ, cơ chế bảo vệ tiền gửi, luật phá sản ngân hàng…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cái nhìn rõ ràng và định hướng tái cấu trúc theo một kế hoạch thời gian chi tiết và cần tuân thủ theo kế hoạch đó.
Đặc biệt, quyết tâm đến cùng để thực hiện minh bạch hoạt động, trong đó có việc áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và triển khai hầu hết các khía cạnh của Basel 2…