Nỗ lực ổn định thị trường
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2019, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành ngân hàng. Cụ thể, về lạm phát, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp (bình quân năm 2016: 1,83%; 2017: 1,41%; 2018: 1,48%), tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%.
Đối với lãi suất, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi (Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ 3 lần, Ấn Độ 2 lần, Philippines 4 lần, Indonesia 6 lần) thì lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ mức 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD).
“Mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay ổn định trong khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9 - 11%/năm”, bà Hồng cho biết.
Trong bối cảnh hầu hết đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định: Tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2 - 2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư (FDI thực hiện tăng 9,1%) và hỗ trợ xuất khẩu (xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỷ USD); thị trường ngoại tệ ổn định, niềm tin vào VND được củng cố; hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối; thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý. Tính đến cuối năm 2018, tín dụng tăng 13,89% so với cuối năm trước (năm 2017 tăng 18,28%); trong đó, tín dụng tiền đồng (VND) tăng 15,49% (năm 2017 tăng 18,34%); tín dụng ngoại tệ giảm 5,06% (năm 2017 tăng 17,66%). Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá.
Ngoài ra, NHNN liên tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn tín dụng, tổ chức trên 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực.
Đánh giá cao nỗ lực của của NHNN nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách tiền tệ phải gánh quá nặng so với chính sách tài khóa. TS. Lực dẫn chứng như việc hỗ trợ lãi suất hay chương trình hỗ trợ tín dụng... về cơ bản là của chính sách tài khóa, vì liên quan đến một phần tiền ngân sách, nhưng hiện nay chính sách tiền tệ đang phải gánh vác. Thực tế, hệ thống ngân hàng phải “gánh” nguồn vốn trung và dài hạn nghĩa là đang làm thay việc cho thị trường vốn.
“Hiện cho vay vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 50 - 60%, đè nặng lên hệ thống ngân hàng, trong khi hệ thống này sinh ra là để cho vay ngắn hạn. Đây là rủi ro lớn và cần phải thay đổi về lâu dài”, ông Lực nhấn mạnh.
Chiến lược ngành ngân hàng 2025 - 2030
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự đạt chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 - 2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam; đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
“Giai đoạn 2021 - 2025, tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16 - 17%; nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD dưới 3%”, bà Hòa thông tin.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC nêu quan điểm, hiện nay có hai loại nhà đầu tư, đó là đầu tư chiến lược và đầu tư tài chính. Thời gian qua có sự thay đổi rõ nét là sự chuyển dịch từ đầu tư chiến lược - thoái vốn - chuyển sang nhà đầu tư tài chính. Hai nhà đầu tư này khác nhau về định hướng chiến lược nhưng cả hai đều có mẫu số chung, đó là ưa chuộng lĩnh vực ngân hàng thiên về khách hàng cá nhân, trong đó có đối tượng doanh nghiệp nhỏ.
“Các ngân hàng nước ngoài đang nhắm tới đầu tư vào ngân hàng trong nước có định hướng mở rộng phù hợp đối tượng khách hàng cá nhân. Ngoài ra, việc quản trị doanh nghiệp là một yêu cầu chung mà các nhà đầu tư hướng tới. Ví dụ, các nhà băng đạt Basel II được nhà đầu tư đánh giá cao hơn so với các ngân hàng khác”, ông Johan Nyvene cho biết.
Về yêu cầu tăng vốn đang đặt ra hiện nay để có thể áp dụng Basel II, ông Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Giám sát Ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN nhận định: “Có 7 NHTM đã áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn. Tăng vốn là vấn đề quan trọng, nhưng còn cần chú ý việc sử dụng tài sản cho vay hiệu quả, giảm rủi ro”.
Bổ sung thêm ý kiến này, theo ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, có 2 khía cạnh quan trọng cần đẩy mạnh khi tái cơ cấu, đó là nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng (về rủi ro tín dụng, năng lực quản trị bản thân...) để bắt kịp các mô hình mới; đồng thời nâng cao năng lực của nguồn nhân lực, bởi 80% CEO ngành ngân hàng cho rằng, thiếu hụt nhân lực và vốn sẽ cản trở sự phát triển của các nhà băng.