Thấy gì sau khi quy định có hiệu lực
Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Nhìn nhận về Quyết định 2345, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, đây không phải là nhiệm vụ đơn thuần, mà còn là cơ hội, động lực thúc đẩy tất cả các ngân hàng xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học cũng như phát triển các ứng dụng sinh trắc học vào thực tiễn để phục vụ khách hàng. Theo đó, BIDV đã triển khai chiến dịch “67 ngày đêm” nhân kỷ niệm tròn 67 năm thành lập Ngân hàng.
Cũng theo bà Giao, quá trình triển khai được lên kế hoạch bắt đầu từ sản phẩm tiên phong bài bản, theo lộ trình; khách hàng phân tập đúng, tiếp cận trúng; truyền thông đa kênh, đa chiều, đa điểm chạm. Bên cạnh đó là sự đồng lòng trong toàn hệ thống với 27.000 cán bộ và 20 triệu khách hàng, đồng thời từ online tới offline.
Bà Giao tiết lộ, các lãnh đạo BIDV phải cài xác thực sinh trắc học từ cách đây 3 tháng và có những trục trặc được phản ánh nhưng đều được giải quyết. Đặc biệt, trong 2 ngày 29/6 và 30/6/2024, khi sát giờ Quyết định có hiệu lực, BIDV đã huy động tổng lực toàn hệ thống làm việc ngày cuối tuần, thành lập các tổ công tác đặc biệt như Tổ ứng cứu sự cố, Tổ truyền thông, Tổ thúc đẩy hỗ trợ khách hàng…
“Cộng hưởng các yếu tố trên, BIDV đã có một chiến dịch thành công. Tính đến đêm ngày 3/7, đã có 1,7 triệu khách hàng của BIDV xác thực thông tin sinh trắc học thành công. Trong đó, có 166.000 khách hàng đã xác thực qua quầy; 1,6 triệu khách hàng thu thập qua kênh số”, bà Giao cho biết.
Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã nghiên cứu và chuẩn bị rất lâu, nhưng chiến dịch 2345 bắt đầu từ ngày 18/6, cùng thời điểm ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Ngày 1/7, Vietcombank đã triển khai xác thực sinh trắc học, đồng thời triển khai khai dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an. Từ ngày 18/6 đến ngày sáng ngày 4/7, Vietcombank ghi nhận gần 1,765 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học thành công.
“Số lượng khách hàng cùng lúc truy cập và thực hiện đăng ký sinh trắc học là vô cùng lớn đã gây ra một vài khó khăn nhất định, song ngay sau đó, Vietcombank đã nhanh chóng cập nhật và cải thiện dịch vụ để đưa hoạt động giao dịch và đăng ký xác thực sinh trắc học thông suốt trở lại”, bà Nhung nói.
Tại Agribank, ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc cho biết, trên 1 triệu khách hàng đã xác thực thông tin sinh trắc học, trung bình 1 ngày có 200.000 khách hàng thực hiện; trong đó 8 - 10% khách hàng thực hiện tại quầy.
Còn ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số Techcombank chia sẻ, trong 2 ngày đầu tiên triển khai Quyết định 2345, đã có 1 triệu người đăng ký sinh trắc học. Để đạt được con số này, các kế hoạch, giải pháp được đặt ra. Trong đó, đáng chú ý, Techcombank đã thực hiện nghiên cứu tới 200 mẫu điện thoại thông minh khác nhau, có vị trí kết nối NFC khác nhau nhằm đảm bảo phục vụ các khách hàng của mình.
Tạm yên tâm sau những ngày “trực chiến”
Việc xác thực sinh trắc học chỉ cần thực hiện một lần và chỉ mang lại sự thuận tiện, an toàn hơn, chứ không hề có rủi ro hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Công nghệ thông tin SHB cho biết, trong mấy ngày gần đây, sau khi quy định về xác thực sinh trắc học có hiệu lực, ngay lập tức có tội phạm mạng mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cài đặt nhằm thu thập hình ảnh, video, thông tin người dùng... phục vụ mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngân hàng.
SHB đã liên tục cảnh báo mạnh mẽ tới khách hàng qua các kênh báo chí, tin nhắn SMS, website của Ngân hàng, tại quầy... về các hình thức lừa đảo và biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó, Ngân hàng đang tăng cường các biện pháp kỹ thuật như mã hóa dữ liệu mạnh, bảo mật ứng dụng, xác thực mạnh..., trong đó có tuân thủ nghiêm ngặt Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về xác thực sinh trắc học trên giao dịch trực tuyến.
“Tuy nhiên, để triệt để xử lý gốc rễ vấn đề lừa đảo trên mobile app thì công tác truyền thông/giáo dục tới khách hàng phải được thực hiện mạnh mẽ, đa kênh và hiệu quả hơn nữa để người dân nâng cao ý thức cảnh giác”, ông Đức nói.
Đồng quan điểm về việc cần đẩy mạnh công tác truyền thông, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ, dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nhưng nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ của người dân khi tham gia không gian mạng còn hạn chế. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng diễn ra tràn lan và khó kiểm soát. Thiếu hành lang pháp lý để quản lý và xử lý hoạt động giao dịch, mua bán “tiền ảo”, “tài sản ảo”, “tiền kỹ thuật số”...
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh, việc xác thực chỉ cần thực hiện một lần và chỉ mang lại sự thuận tiện, an toàn hơn, chứ không hề có rủi ro hơn. Vấn đề mấu chốt, xác thực sinh trắc học, thêm lớp bảo vệ thứ ba, không phải là để an toàn cho việc chuyển tiền, mà là bảo vệ an toàn tài khoản, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao và phòng ngừa người khác chuyển, rút, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ở một góc độ khác, bà Giao cho rằng, việc xác thực sinh trắc học không chỉ bảo vệ, chăm sóc khách hàng, mà còn cần tính toán việc triển khai tiếp theo, sử dụng tiếp theo sẽ như thế nào. Bà Giao cho biết, thị trường thanh toán bằng sinh trắc học dự báo tăng trưởng 100% từ năm 2024 - 2028 và 72% người dùng tham gia khảo sát yêu thích thanh toán bằng sinh trắc học. Thực tiễn ứng dụng sinh trắc học trên thế giới, các ngân hàng đang sử dụng nhằm nhận diện khách hàng như Citibank, OCBC; xác thực giao dịch như Standard Chartered, J.P Morgan; quản lý rủi ro như HSBC…
“Tại Việt Nam, công nghệ sinh trắc học đang mở đường cho nhiều bài toán ứng dụng ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán và nhận diện sớm rủi ro. Hành trình của các ngân hàng sẽ không quá áp lực, mà trở nên rất thú vị bởi đang chinh phục khách hàng, hướng dẫn khách hàng tham gia vào kỷ nguyên số”, bà Giao nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, ông chia sẻ áp lực của các ngân hàng sau một số vấn đề phát sinh trong những ngày đầu thực hiện việc xác thực sinh trắc học, tuy nhiên, cho tới nay quá trình thực hiện đã gần như thông suốt.
“Các vấn đề, vướng mắc khác đang được các ngân hàng dần xử lý. Đến ngày 3/7/2024 thì việc xác thực đã gần như không còn phát sinh lỗi, tình trạng không giao dịch chuyển khoản được có xuất hiện trước đó cũng được xử lý”, Phó Thống đốc cho biết.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch của ngày 1 - 2/7 đều trên 8% tổng giao dịch trong ngày, tương đương với tỷ lệ giao dịch của tháng 6. Con số này cho thấy việc thực hiện các giao dịch lớn theo quy định mới đã quay trở lại bình thường.
Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Vietcombank nhận định, Vietcombank cũng như các ngân hàng và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tạm thời có thể yên tâm sau những ngày "trực chiến" 24/7.