Cơ cấu nguồn vốn đang thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động từ dân cư và giảm phụ thuộc vào vốn liên 
ngân hàng

Cơ cấu nguồn vốn đang thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động từ dân cư và giảm phụ thuộc vào vốn liên ngân hàng

Hệ thống ngân hàng: Ổn định nhưng chưa thể “bùng nổ”

(ĐTCK) Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách điều hành thị trường tiền tệ, tỷ giá mới đã giúp cho hệ thống hoạt động ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển năm 2017 và những năm tới, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế.

Những số liệu đẹp…

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho thấy, cơ cấu tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng tín dụng trong tổng tài sản tăng nhẹ từ 56,6% cuối năm 2015 lên 58,0% cuối năm 2016, tỷ trọng tài sản trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 15% xuống 13,2% và tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính tăng nhẹ từ 17,1% lên 18,4%.

Các con số trên cho thấy sự tích cực từ hoạt động tín dụng, đồng thời, cơ cấu nguồn vốn đang thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động từ dân cư và giảm phụ thuộc vào vốn liên ngân hàng. Theo thống kê, so với cuối năm 2015, cuối năm 2016 tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng từ 73,7% lên 76,0%, tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 11,1% xuống 10,2%, đặc biệt, tỷ trọng vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 6,9% xuống 6,6%.

Thị phần huy động và cho vay của các nhóm tổ chức tín dụng duy trì tương đối ổn định; nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần vẫn chiếm thị phần lớn nhất. Thị phần huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng từ 39,7% lên 42,9%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm từ 53,2% xuống 49,1%. Thị phần cho vay của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần ở mức 40,1%, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 52,9%.

Mặc dù tỷ trọng tín dụng tăng, song thanh khoản của hệ thống vẫn được đảm bảo, chất lượng tín dụng cũng được nâng lên. Điều đó thể hiện ở hệ số cho vay/tín dụng (LDR) toàn hệ thống xấp xỉ 85%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2015. Chất lượng tín dụng theo báo cáo cải thiện nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống theo báo cáo của các tổ chức tín dụng giảm nhẹ từ 2,9% (năm 2015) xuống 2,8% năm 2016.

Hệ thống ngân hàng: Ổn định nhưng chưa thể “bùng nổ” ảnh 1

Thanh khoản dồi dào đã giúp lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn thị trường giảm dần. Cụ thể, từ cuối tháng 9, lãi suất huy động điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay cũng đã ghi nhận giảm ở một số ngân hàng với mức lãi suất giảm từ 0,2 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5% - 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp, lãi suất đối với 5 vực ưu tiên về sát mức 6%/năm.

Điểm ấn tượng là hiệu quả sinh lời của hệ thống tổ chức tín dụng năm 2016 cao hơn so với năm 2015. Thu nhập lãi thuần tăng 9% so với năm 2015, chiếm 79,0% trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên – NIM cả năm 2016 tăng nhẹ từ 2,7% (năm 2015) lên 2,8%.

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 18,5%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 44,0%, hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng 51,7%, hoạt động khác tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2016 ước tính tăng 10% so với năm 2015. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng nhẹ 3,2% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế ước tăng 26,8% so với năm 2015.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết: “Kết quả hoạt động của VIB đang rất khả quan, dự kiến sẽ đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2016 và có kế hoạch lợi nhuận 2017 trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt ở mức tăng trưởng trên 10% so với kế hoạch lợi nhuận năm trước. VIB cũng liên tục có mức chia cổ tức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong 2 năm vừa qua với tỷ lệ 23,5% và 24,5% bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu thưởng”.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối ổn định trong suốt cả năm 2016, dù có biến động nhẹ vào cuối năm do yếu tố mùa vụ và ảnh hưởng tâm lý của việc USD tăng giá trên thị trường thế giới sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Tỷ giá trung tâm tính đến cuối tháng 11 tăng khoảng hơn 1% so với đầu năm. Tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng trở lại, phổ biến ở mức 22.700 VND/USD vào cuối tháng 11, tăng khoảng 0,22% so với đầu năm.

Ngoài ra, biến động tỷ giá thị trường tự do vào cuối năm còn do ảnh hưởng từ thị trường vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến hơn 5 triệu đồng/lượng do giá vàng thế giới điều chỉnh giảm mạnh sau cuộc đầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi giá vàng trong nước lại tăng nhẹ.

Cụ thể, tính đến ngày 21/12, giá vàng thế giới đã giảm 10,8% và giá vàng trong nước tăng 0,2% so với giá tại ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Phân tích tương quan giữa tỷ giá thị trường tự do và chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cho thấy, mối tương quan khá chặt, đặc biệt khi chênh lệch giá vàng ở mức cao.

Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào do hỗ trợ tích cực từ cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá. Cán cân thanh toán tổng thể (CCTT) dự báo có sự đảo chiều tích cực so với cuối năm 2015.

Cụ thể, từ mức thâm hụt hơn 6 tỷ USD vào cuối năm 2015, cán cân thanh toán tổng thể năm 2016 ước thặng dư ở mức khá cao, tương đương với năm 2014, do cán cân thương mại xuất siêu và khoản mục lỗi và sai sót giảm, chỉ còn 1,9 tỷ USD tính đến hết quý II/2016 so với 7,1 tỷ USD cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, niềm tin vào VND và sự ổn định vĩ mô ngày càng được nâng cao (phản ánh rõ qua chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng - CDS giảm khoảng 40% so với đầu năm). Nhờ vậy, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 41 tỷ USD.

Đặc biệt, sức khỏe của hệ thống đã được cải thiện rõ rệt. Quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 và đến cuối năm 2016 đã tháo gỡ cơ bản các khó khăn của hệ thống. Cụ thể, thứ nhất, tình trạng căng thẳng thanh khoản được kiểm soát, thanh khoản chung của toàn hệ thống ổn định. Thứ hai, phát hiện và khu biệt các tổ chức tín dụng yếu kém.

Thứ ba, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo dưới 3,0%, số nợ xấu được xử lý từ năm 2013 đến nay hơn 500 nghìn tỷ đồng (trong đó số nợ bán cho VAMC chiếm 41,6%, tổ chức tín dụng tự xử lý khoảng 58,4%).

Hệ thống ngân hàng: Ổn định nhưng chưa thể “bùng nổ” ảnh 2

Thứ tư, sở hữu chéo, đầu tư chéo dần được kiểm soát.

Thứ năm, các tổ chức tín dụng chú trọng hơn vào quản trị rủi ro và quản trị điều hành, các văn bản quy phạm pháp luật về chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được ban hành. 

Và những tồn tại

Một lãnh đạo cao cấp UBGS cho rằng, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng còn một số hạn chế. Thứ nhất, xử lý nợ xấu chưa triệt để, chủ yếu áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Theo đánh giá của UBGS, tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với mức báo cáo, trong số nợ xấu bán cho VAMC, chỉ mới xử lý được khoảng 38 nghìn tỷ đồng, tương đương 15% (bán tài sản bảo đảm và bán nợ: 14,5 nghìn tỷ đồng, ủy thác tổ chức tín dụng thu hồi nợ: 23,3 nghìn tỷ đồng).

Thứ hai, báo cáo tài chính công khai của các ngân hàng vẫn chưa thể hiện hết các khoản vay phức tạp giữa các ngân hàng, sở hữu chéo. Do vậy, vốn chủ sở hữu thực của các ngân hàng là thấp hơn so với báo cáo đã biết. Thứ ba, lãi dự thu bất hợp lý tập trung cao tại một số tổ chức tín dụng yếu kém và việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn Basel II trên toàn hệ thống còn chậm so với lộ trình đặt ra…

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với khá nhiều thách thức do nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao. Hiện đang còn khoảng 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân. Thống đốc NHNN cũng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

“Để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi. Với sự áp dụng của Basel II và xu hướng tuân thủ những quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia quá trình tái cấu trúc vì họ sẽ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng”, ông Hải nói.

Hệ thống ngân hàng: Ổn định nhưng chưa thể “bùng nổ” ảnh 3

Bên cạnh đó, ông Hải gợi ý, cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác. Ngoài ra, nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản.

“Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết”, ông Hải cho biết.

Khó khăn nữa là việc áp dụng chuẩn mực Basel II. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho hay: “Có thể nói, một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi triển khai Basel II chính là ngân hàng phải có một cơ sở dữ liệu tốt, chính xác, có tính lịch sử tối thiểu từ 5 - 7 năm và được cập nhật thường xuyên, cũng như một hệ thống quản lý thông tin bài bản, chuyên nghiệp”.

Thế nhưng, tại các ngân hàng hiện có quá nhiều hệ thống công nghệ ngân hàng lõi (core banking system) khác nhau đang cùng được đầu tư như Flexcube của Oracle, T24 của Temenos…, thậm chí là những kho dữ liệu khác như excel, file hồ sơ… Thực tế này dẫn đến các báo cáo chiết xuất rời rạc, chưa chính xác, không được kiểm duyệt và cập nhật thường xuyên.

Hơn nữa, dữ liệu chưa được nhiều ngân hàng trong nước chú trọng thu thập và quản trị một cách có hệ thống trong suốt thời gian dài, trong khi yêu cầu tối thiểu độ dài dữ liệu cho một số mô hình phân tích là 3 năm (ngoại trừ phương pháp tiêu chuẩn không yêu cầu thời gian lịch sử dữ liệu)…

Một vấn đề cũng cần phải quan tâm là mặc dù tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng chậm lại song hình thái tín dụng bất động sản đang có sự dịch chuyển sang tín dụng tiêu dùng. Năm 2016, tín dụng bất động sản ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với năm 2015 (28,3%). Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực bất động sản cho thấy hình thái tín dụng bất động sản có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá.

Hơn thế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục đối mặt với chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Thực tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay và đầu tư trung dài hạn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng từ 31,8% năm 2015 lên khoảng 35% năm 2016.

Mặc dù thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng khá dồi dào, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng mặt bằng lãi suất vẫn chưa được như kỳ vọng. Lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn thị trường cuối năm giảm so với những tháng trước nhưng vẫn tăng nhẹ so với đầu năm 2015.

Nguyên nhân cơ bản dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng chỉ là trong ngắn hạn, trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu là trung, dài hạn. Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn vẫn ở mức cao (chiếm 55,6% tổng tín dụng) và tốc độ tăng trong 9 tháng năm 2016 (12,9%) cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống (12,5%).

Bên cạnh đó, có sự phân hóa trong khả năng huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giữa các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng yếu kém gặp khó khăn trong việc vay vốn do thiếu tín nhiệm và không đủ tài sản đảm bảo để thực hiện vay đối ứng. Tỷ trọng vốn vay liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng này rất thấp (dưới 3%).

Lãi suất vay tái chiết khấu (4,5%/năm) hoặc tái cấp vốn (6,5%/năm) cũng cao hơn nhiều lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, các ngân hàng này phải huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại lớn từ 1,5% đến 2%/năm dẫn đến tăng mặt bằng lãi suất bình quân toàn thị trường.

“Tình trạng này phần nào ảnh hưởng đến cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ”, vị lãnh đạo UBGS trên nói.

Chưa kể, những biến động trên thị trường thế giới khi mà dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ tăng nhanh trong thời gian tới do tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh kích thích tài khóa. Điều này có thể đẩy đồng USD trên thị trường thế giới tăng, qua đó tạo áp lực đến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước. Bởi vậy, đại diện NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc đã phải lên tiếng: “NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường”.          

Tin bài liên quan