Rủi ro với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế
Nếu như năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 89,7% thì năm 2016 là 97,6%, năm 2017 là 103,5%, năm 2018 là 102,9%, năm 2019 là 110,2%, năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%, năm 2022 là hơn 125%. Điều này cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng. Đây cũng là một trong những đặc tính của nền kinh tế đang phát triển, hoặc đang chuyển đổi từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, khi các nền tảng của cơ chế thị trường là thị trường vốn chưa thực sự phát triển.
Hiện Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giải toả những khó khăn trên thị trường vốn và nền kinh tế, nhưng gánh nặng cung ứng vốn vẫn tiếp tục đặt lên vai hệ thống ngân hàng.
Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.
Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.
Điều này được cảnh báo từ lâu, điển hình là rủi ro cho vay các dự án BOT, khi phần lớn các doanh nghiệp tham gia dự án BOT có năng lực tài chính hạn chế, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% vốn đầu tư của dự án, 70 - 80% còn lại phải vay ngân hàng.
Nợ xấu cho vay các dự án này đã tăng lên rất nhanh trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tính đến hết tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này đã chiếm 5,7% dư nợ. Hay vài năm trở lại đây, các ngân hàng ồ ạt cho vay các dự án điện năng lượng tái tạo, với tổng quy mô giải ngân tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo hoạt động không hiệu quả là rủi ro lớn với sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và kinh tế vĩ mô.
Phát triển thị trường vốn lành mạnh, bền vững để san sẻ bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng là giải pháp đã được cơ quan quản lý xác định, nhưng việc triển khai vẫn còn chậm. Sâu xa hơn, để phát triển thị trường vốn lành mạnh, cần phải có hệ sinh thái lành mạnh.
Hệ sinh thái đó chính là một hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh để có thể tạo ra nhu cầu đủ lớn đối với thị trường vốn. Với môi trường sinh thái doanh nghiệp trên 96% ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu cũng như không có khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn là “sân chơi” của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.
Rõ ràng, cơ sở khách hàng đối với thị trường vốn của Việt Nam là yếu. Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng số gần 800.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu rất lớn cũng không muốn trở thành doanh nghiệp, vì hàng loạt gánh nặng đè lên như thuế, kiểm toán…
Do vậy, ngoài môi trường pháp lý cho phát triển thị trường vốn ở Việt Nam, giải pháp căn cơ và lâu dài cho thị trường vốn là phải phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp đủ lớn để tạo nhu cầu và động lực cho thị trường vốn.
Trong năm qua, một số vụ việc sai phạm của tổ chức phát hành trái phiếu bị phát hiện cùng với việc nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ và lãi trái phiếu đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, khối lượng trái phiếu phát hành trong quý IV/2022 giảm tới 98,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 ước tính khoảng 232.600 tỷ đồng, trong đó 42,8% là từ khối doanh nghiệp bất động sản và 30,8% từ ngân hàng. Do các ngân hàng có khả năng chống chịu tốt, nên sự bất ổn của thị trường trái phiếu vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống nghiêm trọng. Tỷ lệ an toàn vốn so với tài sản có rủi ro vẫn ở mức trên 8% theo yêu cầu của Basel II. Báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn khả quan trong quý IV/2022.
Tuy nhiên, rủi ro đang dần hiện hữu. Tín dụng ngân hàng dành cho bất động sản năm 2022 tăng 24%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng nợ xấu gộp tăng từ 3,8% vào năm 2021 lên tới 4,5% vào năm 2022 và có thể tiếp tục tăng. Rủi ro lan truyền hơn có thể đến từ việc các ngân hàng cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tài sản thế chấp là bất động sản chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 85%.
Thị trường vốn của Việt Nam còn yếu và chưa thể “san sẻ” gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. |
Cải cách tài chính, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm tăng cường quản trị trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song điều này không cải thiện được tâm lý thị trường và các nhà đầu tư đột ngột ngừng mua trái phiếu doanh nghiệp do nghi ngờ về khả năng trả nợ trái phiếu.
Sau đó, Chính phủ đã lùi thời hạn thực hiện 1 năm đối với các quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bao gồm xếp hạng tín dụng bắt buộc đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, cho phép tổ chức phát hành thanh toán lãi và gốc trái phiếu không chỉ bằng tiền mặt, mà còn bằng tài sản vật chất và tài sản khác.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép tính cả tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước trong tiền gửi của ngân hàng để cải thiện tỷ lệ cho vay trên tiền gửi và mở rộng dư địa tín dụng của ngân hàng.
Ngày 17/2/2023, Ngân hàng Nhà nước đề xuất một chương trình tín dụng có tổng quy mô 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua tại dự án nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp do 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối thực hiện.
Việc ban hành Nghị định 65 là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị thế giới tiếp tục leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công là rất quan trọng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.
Trong dài hạn, cần tiếp tục cải cách hệ thống tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu.
Ở nhiều nước, khi nợ công tăng đồng nghĩa với việc chính phủ chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế, điều này phần nào hạn chế được gánh nặng nợ lên doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, nợ công được kiểm soát tốt, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, nhưng ngược lại nợ doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp trong nước, như doanh nghiệp FDI), nợ xấu ngân hàng và nợ của người dân lại tăng lên. Điều đó cho thấy dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn và do vậy, vai trò của chính sách tài khóa cần tăng cường hơn nữa để chia sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.