Ruộng vườn, đất đai bị hoang phế là tình cảnh chung của nhiều dự án "treo" suốt nhiều năm tại TP.HCM. Ảnh: Trọng Tín.

Ruộng vườn, đất đai bị hoang phế là tình cảnh chung của nhiều dự án "treo" suốt nhiều năm tại TP.HCM. Ảnh: Trọng Tín.

Hệ lụy quy hoạch treo tại TP.HCM: Một góc nhìn khác - Bài 1: Đã quá sức chịu đựng của dân

Quy hoạch treo không chỉ khiến người dân gánh chịu hậu quả sống vất vưởng, bất hợp pháp, bị tước quyền lợi chính đáng trên tài sản mình, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất; kìm hãm phát triển kinh tế; tước đi quyền đầu tư bình đẳng của các doanh nghiệp; phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm...

Bài 1: ĐÃ QUÁ SỨC CHỊU ĐỰNG CỦA DÂN

Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã đồng ý xóa “treo” 180 dự án chậm triển khai của các quận, huyện từ năm 2015, 2016. Nhìn vào danh sách, phần lớn dự án được xóa “treo” lẻ tẻ, liên quan những công trình như trụ sở ủy ban, trạm y tế, đất đấu giá… có thể thấy, vẫn còn nhiều dự án treo kinh niên xuyên thế kỷ, tới giờ chưa được xóa.

Bi kịch cư dân vùng dự án treo

Đầu tiên phải kể đến là Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) có diện tích 427 ha, được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992 và treo tới bây giờ là… 27 năm. 

Hình ảnh đập vào mắt là những căn nhà lụp xụp, đường sá và môi trường sống nhếch nhác, dù nơi đây không xa trung tâm Thành phố là mấy.

"Nhà cửa dột nát, muốn xây mới không được, mà muốn sửa cũng chẳng xong”, bà Mai Thị Lựu, một người dân trong vùng dự án thở dài.

Đây cũng là tình cảnh chung của hơn 3.000 hộ dân sống tại bán đảo Thanh Đa. Dự án treo kinh niên này  gây bức xúc tới mức ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM (IEM), phải thốt lên tại kỳ họp HĐND TP.HCM năm 2018: “Ở Bình Quới - Thanh Đa có cặp vợ chồng lấy nhau lúc hơn 20 tuổi, rồi họ sinh 6, 7 người con, con lớn lại dựng vợ gả chồng và giờ đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng dự án vẫn bị treo”.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng phát biểu: “Tôi gặp một thanh niên 25 tuổi ở Thanh Đa, anh nói từ thời bố mẹ anh cưới nhau, đến nay, anh lập gia đình rồi nhưng nhà cửa không thay đổi, thậm chí còn tệ hơn”.

Năm 2017, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 26/2017/QÐ-UBND (Quyết định 26) quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng, nhằm tạo điều kiện cho người dân được phép xây dựng, sửa chữa nhà khu vực quy hoạch “treo”. Nhưng với người dân bán đảo Thanh Đa, Quyết định 26 chẳng giúp được mấy hộ dân được cấp phép xây dựng, sửa chữa lại nhà, bởi một trong những điều kiện tiên quyết theo Quyết định 26 là hộ dân phải có sổ đỏ hoặc sổ hồng, song do bị “treo” quy hoạch gần 3 thập kỷ, việc được chính quyền cấp sổ đỏ, sổ hồng là... hơi hiếm. Vì vậy, khác nào “treo” quy hoạch, “treo” cả quyền lợi và đánh đố người dân.

Cách Thanh Đa không xa là Ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Đây cũng là vị trí “vàng” kết nối các tỉnh miền Đông, cách trung tâm TP.HCM chỉ vài km, lại kề đại lộ Phạm Văn Đồng, con đường đẹp nhất Thành phố, kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 15 phút chạy xe.

Ga Bình Triệu được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch năm 2002, chủ đầu tư là Bộ Giao thông - Vận tải. Ban đầu, diện tích đất nằm trong quy hoạch là hơn 41 ha, nhưng năm 2013, quy hoạch được điều chỉnh nên tổng diện tích thực hiện dự án lên tới 47,35 ha.

Đến nay, sau 17 năm, dự án vẫn nằm trên giấy, chủ đầu tư chưa hề có “nhúc nhích” gì, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu khốn khổ, sống tạm bợ, lay lắt trên “đất vàng”.

Ngoài 2 dự án trên ở quận trung tâm, tại huyện Củ Chi, Dự án Khu đô thị Tây Bắc treo hơn 10 năm. Tới khu vực này mới thấm nỗi khốn khổ của dân nơi đây. 12.000 hộ dân với hơn 47.000 nhân khẩu của 5 xã, thị trấn huyện Củ Chi liêu xiêu suốt hơn 10 năm qua vì quy hoạch treo.

Ở phía Nam, Dự án Khu quy hoạch làng đại học tại xã Hưng Long (511 ha), thuộc Khu đô thị Nam thành phố cũng treo hơn 20 năm.

Tương tự, Dự án Khu đô thị Sing - Việt cũng treo lê thê hơn 21 năm, làm hàng trăm hộ dân khốn khó. 

Theo báo cáo mới đây của TP.HCM, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh, phúc lợi công cộng trên địa bàn Thành phố là 1.269 dự án, tổng diện tích đất 18.930 ha. Đến nay, nếu cộng thêm 180 dự án UBND TP.HCM đã hủy bỏ, chấm dứt giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thì Thành phố vẫn còn không dưới 500 dự án đang treo. 

Chính quyền nói gì?

Tại văn bản mới đây trả lời cử tri liên quan đến các dự án treo từ vài chục năm nay vẫn chưa được xóa như Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho hay, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC. Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan đến việc xác định chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thời hạn hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên nhà đầu tư Emaar Properties PJSC đã không tiếp tục tham gia đầu tư dự án.

Hiện UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo các đơn vị đăng ký để Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Như vậy, sau 27 năm, dự án này lại trở về vạch xuất phát.

Tương tự, quy hoạch Ga Bình Triệu, chủ đầu tư cố giữ, nên không được “lọt” vào danh sách xóa treo.

Với Dự án Làng đại học trên địa bàn xã Hưng Long, Ban Quản lý Khu Nam cho hay, hiện đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND TP.HCM để mời gọi đầu tư, trong đó đề nghị Viện Quy hoạch xây dựng tiếp tục là đơn vị tư vấn lập quy hoạch làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của Luật Đầu tư.

UBND huyện Bình Chánh thì cho biết, Dự án Khu đô thị Sing - Việt trên địa bàn huyện kéo dài hơn 21 năm, hiện vẫn tiếp tục thực hiện. TP.HCM đã “cởi trói” bằng việc yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng để bố trí nền tái định cư cho người dân, không để xảy ra khiếu kiện của người dân và nhà đầu tư

Với dự án quy hoạch Làng đại học Quốc tế - Khu đô thị Tây Bắc bị treo hơn 10 năm nay, theo UBND huyện Hóc Môn, UBND TP.HCM có ý kiến chấp thuận cho chủ đầu tư tiếp tục công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện dự án. Chỉ trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ nêu trên, dự án sẽ bị chấm dứt, thu hồi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, dù treo 10 năm, 20 năm, thậm chí gần 30 năm, nhưng dự án vẫn không bị thu hồi và dân cư vùng dự án treo còn tiếp tục khổ.

Luật sư Võ Bích Trâm, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai, dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương, nếu sau 3 năm không triển khai sẽ bị thu hồi, đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất. Luật đã quy định rõ như vậy, nhưng các cơ quan, địa phương không thực thi nghiêm, để nhiều dự án treo kéo dài hàng chục năm mà chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Linh động giải quyết yêu cầu xây dựng tạm của người dân

Theo Luật sư Vũ Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP.HCM, phải xác định rằng, quy hoạch “treo” là do lỗi của Nhà nước và chủ đầu tư, người dân không có lỗi, nên cần linh động giải quyết ngay nhu cầu xây dựng tạm của người dân và có sự cam kết không yêu cầu bồi thường phần xây dựng này.

Ngoài ra, luật pháp phải tiếp cận theo hướng cần có sự hỗ trợ (bên cạnh đền bù) thỏa đáng cho người có đất đai bị giải tỏa. Việc này không những an dân, mà còn giúp công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian đầu tư xây dựng, sớm đưa công trình vào vận hành.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan