Hệ lụy của chính sách giật cục

Hệ lụy của chính sách giật cục

Những chính sách giật cục trong việc quản lý thị trường tiền tệ và thị trường vàng đã tạo ra nhiều bất cập và hệ lụy cho thị trường.

Siết dư nợ phi sản xuất quá gấp

Trước tình trạng tín dụng tăng trưởng nhanh, ngày 1/3/2011, NHNN ra Chỉ thị số 01 yêu cầu các NHTM phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng) xuống 22% vào ngày 30/6/2011 và 16% vào ngày 31/12/2011.

Khi đó, riêng dư nợ bất động sản toàn hệ thống là hơn 200.000 tỷ đồng, nên việc chỉ trong 6 tháng cần giảm hàng ngàn tỷ đồng dư nợ cho vay khiến nhiều NHTM "kêu trời". Bởi lẽ, các dự án bất động sản thường phải mất vài năm để triển khai thực hiện, còn với người mua nhà thì thời hạn vay có khi lên tới cả chục năm.

Để giảm dư nợ phi sản xuất, các NHTM đã thành lập những đội, tổ chuyên đốc thúc quá trình thu nợ. Trên TTCK, cổ phiếu niêm yết được bán ra để thu hồi nợ bằng mọi giá, khiến thị trường giảm sâu, dòng tiền vào thị trường suy yếu. Với thị trường bất động sản, thanh khoản khó hơn nhiều, không đơn giản là đặt giá sàn mà bán như chứng khoán.

Một chiêu được không ít ngân hàng triển khai đó là nói với các con nợ rằng, "các anh chị yên tâm, đáo nợ đợt này bên em chốt sổ xong sẽ làm thủ tục cho anh chị vay lại". Để đáo nợ ngân hàng, nhiều người đã phải vay "tín dụng đen" với lãi suất cắt cổ, thấp thì 5 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 15%/tháng, cao thì lên tới 10 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 30%/tháng.

"Tín dụng đen" vì thế bùng phát. Người vay hy vọng mình chỉ vay thời hạn ngắn, rồi ngân hàng sẽ cho vay lại. Nhưng thực tế, dư nợ phi sản xuất đang bị ép giảm, làm sao ngân hàng cho vay lại được. Sức chịu đựng lãi suất cắt cổ có hạn, một loạt vụ vỡ nợ đã xảy ra. 

 

Dự thảo kinh doanh vàng: lệch giá, lệch cung cầu

Để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ vàng cũng như giữ chênh lệch giá trong nước với thế giới ở mức hợp lý, dự thảo Nghị định về kinh doanh vàng miếng của NHNN quy định: DN phải có vốn 100 tỷ đồng trở lên mới được kinh doanh vàng miếng, 500 tỷ đồng trở lên mới được sản xuất vàng miếng, không khuyến khích kinh doanh đầu cơ vàng, thương hiệu vàng SJC sẽ thuộc NHNN, NHNN sẽ độc quyền sản xuất - kinh doanh vàng miếng.

Lợi ích của biện pháp trên chưa thấy đâu, nhưng thực tế thị trường đã nảy sinh nhiều bất cập. Người dân đổ xô đi bán thương hiệu vàng khác để chuyển sang mua vàng SJC, khiến cung cầu không phản ánh đúng nhu cầu thị trường, cùng chất lượng vàng nhưng chênh nhau cả triệu đồng mỗi lượng.

Do có chênh lệch giá như vậy nên vàng giả SJC bắt đầu xuất hiện. Đáng lưu ý, việc SJC chiếm hơn 90% thị phần và tương lai thuộc NHNN liệu có nảy sinh vấn đề độc quyền như kinh doanh xăng dầu, điện hay không?

Câu trả lời cần có thời gian, nhưng thời gian gần đây, trong khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng, mà không thấy động thái can thiệp gì từ phía NHNN. Điều này vô hình trung "tiếp tay" cho sự độc quyền giá của DN. Mặt khác, sự chênh lệch về giá lớn khiến nạn buôn lậu vàng gia tăng, dẫn đến "chảy máu" ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá vốn thường căng thẳng do Việt Nam là nước nhập siêu.

Nhu cầu sở hữu vàng, đồ trang sức hay một căn hộ chung cư là những nhu cầu chính đáng của người dân. Nhu cầu vay vốn, đặc biệt các hộ tiểu thương nhỏ lẻ cần vốn ngắn hạn, không có tài sản thế chấp ngày càng tăng.

Làm thế nào để người có nhu cầu mua nhà cải thiện chỗ ở, trong khi nhiều chủ đầu tư lao đao vì không có vốn để triển khai dự án? Làm thế nào để hạn chế "tín dụng đen"? Tất cả đều trông chờ vào chính sách nhất quán, tổng thể, dài hạn, nhưng linh loạt của các cơ quan quản lý, đặc biệt là NHNN, tránh tình trạng khi cần thì siết quá mạnh tay, gây ra những hệ lụy tiêu cực.