Phối cảnh sân bay Đất Đỏ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi các bộ: Quốc phòng; Công an; Tài chính; GTVT; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Văn hoá, thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để lấy ý kiến thẩm định về Dự án đầu tư xây dựng Sân bay Đất Đỏ.
Đây là dự án do Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đề xuất, dự kiến triển khai trên địa phận xã Lộc An và xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sân bay nằm cách trung tâm huyện Đất Đỏ về phía Đông khoảng 8,5 km. Theo đường bộ (Quốc lộ 55) từ vị trí dự kiến xây dựng sân bay đến thị trấn Đất Đỏ khoảng 11 km, đến trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 22 km, cách Khu du lịch phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip khoảng 13 km.
Sân bay Đất Đỏ được xác định có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là sân bay chuyên dùng, phục vụ khai thác hàng không chung và vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi (không phải vận chuyển công cộng). Do nằm gần cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất, nên sân bay Đất Đỏ được dự phòng cho tiếp nhận máy bay hàng không dân dụng khi có tình huống khẩn cấp.
Theo đề xuất của Công ty TNHH Hồ Tràm, sân bay Đất Đỏ được đầu tư đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương cùng với các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ; cấp hạng sân bay là 4C (theo ICAO) và sân bay quân sự cấp II; cấp hạng dẫn đường: CAT I (theo ICAO).
Đối với các công trình khu bay, Dự án sẽ xây dựng xây dựng 1 đường cất hạ cánh có chiều dài 2.400x45m, 1 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay đồng bộ; sân đỗ tàu bay hàng không chung đảm bảo tối thiểu 4 vị trí đỗ tàu bay cánh bằng. Có dự trữ đất để mở rộng sân đỗ khi có nhu cầu.
Trong số các công trình quản lý, điều hành bay, đáng chú ý nhất là việc Dự án sẽ xây dựng 1 đài kiểm soát không lưu tại phía Đông nhà ga hành khách hàng không chung. Đài được bố trí xây dựng trên khu đất có kích thước 60x100m. Đài được bố trí các trang thiết bị đồng bộ, chiều cao tối đa của đài là 45m.
Đối với các công trình khu mặt đất, Dự án dự kiến xây dựng nhà ga hành khách phục vụ hàng không chung 1 cao trình, công suất 300 hành khách/giờ cao điểm, có dự trữ mở rộng khi có nhu cầu; xây dựng các công trình phụ trợ hậu cần, kỹ thuật đồng bộ đảm bảo hoạt động của sân bay: Trạm xe kỹ thuật ngoại trường; trạm khẩn nguy, cứu hỏa; hệ thống cấp điện; hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, giao thông kết nối với hệ thống giao thông của địa phương.
Tổng diện tích sử dụng đất của sân bay chuyên dùng Đất Đỏ là 214,368 ha.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có tổng vốn đầu tư ước khoảng 3.305,868 tỷ đồng; thời gian hoạt động của dự án là 70 năm; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đối với phát triển hàng không chung, tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Hoạt động hàng không chung và hoạt động hàng không dân dụng không thường lệ được khai thác theo hướng tập trung tại các sân bay chuyên dùng và các cảng hàng không có quy mô nhỏ để tìm kiếm, phát triển thị trường hàng không, nâng cao hiệu quả khai thác; hạn chế khai thác hoạt động hàng không chung tại các cảng hàng không có mật độ cất hạ cánh cao.
Sân bay chuyên dùng nếu có đủ nhu cầu vận tải để khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ thì có thể xem xét chuyển đổi thành cảng hàng không dân dụng.
Việc chuyển đổi sân bay chuyên dùng thành cảng hàng không dân dụng được thực hiện theo cơ chế địa phương có sân bay chuyên dùng sau khi có sự đồng thuận của Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi. Thủ tướng Chính phủ sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và quyết định việc chuyển đổi.
Do trong quy hoạch có định hướng như vậy nên khi quyết định chuyển đổi sẽ không cần điều chỉnh quy hoạch mạng cảng hàng không hiện hữu. Cảng hàng không chuyển đổi sẽ được cập nhật trong Quy hoạch mạng cảng toàn quốc trong lần điều chỉnh cập nhật gần nhất.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Về lĩnh vực du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.
Đặc biệt, khu du lịch phức hợp Hồ Tràm là dự án có quy mô lớn với khối khách sạn cao cấp 5 sao 541 phòng, khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài; sân golf 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư với hơn 1,1 tỷ USD hiện đã và sắp giải ngân. Hàng năm thu hút hơn 200.000 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng (tham gia casino, chơi golf, lưu trú,...).
Dự án Hồ Tràm đi vào hoạt động trong thời gian qua đã góp phần giải quyết lao động, tăng thu ngân sách, quảng bá và thu hút du khách, đóng góp vào phát triển Kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn đến năm 2030 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án lớn như: The Grand Ho Tram Strip (giai đoạn 2), Tổ hợp khách sạn Hilton, các dự án tổ hợp du lịch tại Mũi Nghinh Phong, Dự án cáp treo Vũng Tàu, Khu du lịch Melia at The Hampton, khu du lịch vườn thú hoang dã Safari, các dự án trên tuyến du lịch ven biển Vũng Tàu -Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 sân bay chính là Cảng hàng không Côn Đảo tại huyện Côn Đảo có chức năng là cảng hàng không nội địa, làm nhiệm vụ cầu nối vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa đất liền với Côn Đảo.
Trên đất liền có sân bay trực thăng Vũng Tàu có nhiệm vụ chủ yếu khai thác máy bay trực thăng phục vụ bay thăm dò dầu khí, dịch vụ du lịch và thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Như vậy, xét về yêu cầu vận chuyển hàng không chung thì hai sân bay này chưa đáp ứng được chức năng nhiệm vụ của một sân bay chuyên dùng.
Theo Công ty TNHH Hồ Tràm, với hiện trạng khai thác và xu thế, nhu cầu phát triển của hàng không chung tại Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Bộ cũng như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, việc xây dựng một sân bay chuyên dùng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là rất cần thiết.