Mặc dù đã lường trước nhiều khó khăn, thách thức với hoạt động ngân hàng khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2015 và trình ĐHCĐ thông qua tại kỳ họp thường niên đầu năm ở mức phù hợp, thậm chí là khiêm tốn, song không phải nhà băng nào cũng có thể hoàn thành chỉ tiêu. Nguyên nhân là dự phòng rủi ro nợ xấu của các nhà băng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Để đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 30/9 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC trong quý II/2015. Nợ xấu toàn hệ thống tín dụng từ mức 3,49% (tại thời điểm tháng 1/2015) tăng lên 3,72% vào tháng 6/2015 đã về dưới 3% từ tháng 9/2015 theo đúng mục tiêu. Nhưng cũng chính điều này đã khiến cho khoản dự phòng rủi ro của các nhà băng tăng mạnh, khi họ phải trích lập dự phòng rủi ro tới 20% cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC theo quy định. Mặt khác, nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) của các ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng.
Dự phòng rủi ro của Eximbank đã tăng mạnh bất thường từ 84 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 332 tỷ đồng trong quý III năm nay. Do vậy, tổng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý III chỉ còn 110 tỷ đồng, giảm tới 61% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 677 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của CTCK HSC, lợi nhuận trước thuế của Eximbank năm nay có thể chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng, so với chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng, do tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng đã công bố cho thấy, tại các nhà băng lớn, dự phòng rủi ro trong quý tăng mạnh. Cụ thể, chi phí hoạt động Vietcombank tăng đột biến trong quý III/2015, tới gần 70% so với cùng kỳ 2014, ở mức 2.705 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng gần 28%, ở mức 5.952 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro của Vietinbank cũng tăng mạnh 66% lên 1.284 tỷ đồng trong quý 3/2015.
Các ngân hàng lớn tuy trích lập dự phòng nhiều nhưng vẫn có thể về đích kế hoạch năm. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2015.
Eximbank là một điển hình, dự phòng rủi ro của ngân hàng này đã tăng mạnh bất thường từ 84 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 332 tỷ đồng trong quý III năm nay. Do vậy, tổng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý III chỉ còn 110 tỷ đồng, giảm tới 61% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 677 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của CTCK HSC, lợi nhuận trước thuế của Eximbank năm nay có thể chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng, so với chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng, do tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo của Eximbank cũng thẳng thắn thừa nhận, khả năng Ngân hàng chỉ đạt được lợi nhuận thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng trước thuế. Vị lãnh đạo này tiết lộ, mức lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt được cả năm nay chỉ khoảng hơn 200 tỷ đồng, sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu đầy đủ.
Thực tế cho thấy, Eximbank là một trong những ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lên trong 2 năm qua. Năm 2014, Eximbank cũng chỉ đạt được gần 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy, Ngân hàng không chia cổ tức 2014 cho cổ đông. Như vậy, sau một năm 2014 gây hụt hẫng cho cổ đông, năm nay, Eximbank tiếp tục không về đích kế hoạch lợi nhuận.
Ở một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng khó tránh việc “lỡ hẹn” kế hoạch lợi nhuận năm 2015. Tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ gần 4.000 tỷ đồng ở TP. HCM cho biết, 9 tháng đầu năm, ngân hàng ông chỉ mới hoàn thành được hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng đưa ra cho cả năm nay. Trong khi đó, khoản dự phòng rủi ro lại có xu hướng tăng lên trong 2 quý cuối năm. Vì vậy, theo vị tổng giám đốc trên, việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận là rất khó khăn.
Với VietA Bank, Ngân hàng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, nhưng xem ra việc đạt mục tiêu này xem ra rất khó.
Còn với Kienlongbank, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận quý III/2015 của Ngân hàng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn vỏn vẹn 27 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 185 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho hay, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng phải giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cho khách hàng, nhất là với doanh nghiệp, do đó, khó tránh khỏi việc lợi nhuận giảm.
Sau sáp nhập thêm SouthernBank, lợi nhuận quý IV/2015 của Sacombank dự kiến sẽ bị kéo lùi, do khoản dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu từ SouthernBank. Tuy lãi trước thuế 9 tháng của Sacombank đạt 2.140 tỷ đồng, nhưng dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 của Sacombank khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng), do phải trích lập dự phòng cao.
Theo một số lãnh đạo nhà băng, khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao đối với ngành ngân hàng trong năm nay khi khoảng cách giữa lãi suất đầu vào và đầu ra ngày càng thu hẹp. Tổng giám đốc Eximbank, ông Phạm Hữu Phú cũng cho rằng, chi phí đầu vào không thể giảm tiếp, trong khi đó các ngân hàng phải cạnh tranh lãi suất cho vay mới có thể thu hút khách hàng, đó là chưa kể đến khoản dự phòng rủi ro, nên rất khó kỳ vọng một mức lợi nhuận tốt.