Riêng trong năm 2014, IS nâng mức tài sản của mình lên thêm 2 tỷ USD.
CNNMoney đã có cuộc phỏng vấn với các chuyên gia tại lĩnh vực tài chính, nhận về hàng tá báo cáo về tổ chức này từ Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Quốc phòng, Liên hợp quốc, chính phủ Anh và cả một số viện nghiên cứu các hành vi khủng bố khác.
Tập hợp lại, CNNMoney đã đưa ra câu trả lời rõ ràng cho việc tại sao IS lại lớn mạnh đến vậy. Rõ ràng, tổ chức này không chỉ dừng lại ở việc dựa vào số tiền đóng góp của các “đại gia” vùng vịnh, IS là một tổ chức tự thân lớn lên.
Theo đó, các chiến binh được trả mức lương 400 USD tới 1.200 USD mỗi tháng, nhận phụ cấp thêm 50 USD cho vợ và 25 USD cho mỗi người con, theo Congressional Research Service. Các kỹ sư năng lượng và công nghệ có tay nghề cao có thể nhận phần lương thưởng lên tới 1.500 USD/tháng, theo nhóm điều tra của Liên hợp quốc.
“IS rõ ràng là tổ chức khủng bố có khả năng tài chính tốt nhất trong lịch sử. Việc này giúp IS có đủ sức để tự cai trị cả một khu vực rộng lớn”, Andreas Krieg, nhà nghiên cứu quân sự tại King’s College London (Qatar) cho biết.
Các nguồn thu chính của IS
Dưới đây là các nguồn thu chủ yếu của IS
Thuế: 360 triệu USD mỗi năm
Một phần lớn nguồn thu của IS tới từ hơn 8 triệu cư dân hiện đang sống và làm việc nơi bị quân lính của tổ chức này kiểm soát. Mọi thứ trong khu vực này đều bị IS đánh thuế, theo số liệu của Trung tâm chính sách bảo đảm Geneva (Geneva Centre for Security Policy).
Theo đó, cư dân ở đây sẽ phải đóng 10% thuế thu nhập, 10 – 15% thuế kinh doanh; 2% thuế bán hàng; 5% cho mọi hoạt động rút tiền mặt từ ngân hàng; 10 – 35% cho việc mua bán các sản phẩm dược phẩm.
Bên cạnh việc đánh thuế, IS còn tìm mọi cách để kiếm thêm. Các trường học phải trả phí: 22 USD cho mỗi học sinh tiểu học, 43 USD cho các học sinh trung học và 65 USD cho các sinh viên đại học, theo số liệu từ nhóm nghiên cứu của Nghị viện Mỹ. Đây là các loại phí mà người dân không phải đóng trước đây.
Thêm vào đó, người dân sẽ phải đóng thuế “bảo kê” từ 200 USD tới 1.000 USD khi đi từ các con đường tại Iraq tới khu vực bị chiếm đóng.
IS thu thêm các khoản thuế đặc biệt đối với người theo đạo Cơ đốc, kiểu như một dạng “bảo hiểm” gọi là Jizyah.
IS khá “sáng tạo” trong việc thiết lập các khoản thuế
Có vẻ như, tổ chức khủng bố này khá “sáng tạo” trong việc thiết lập các khoản thuế. Nếu cư dân muốn di chuyển khỏi vùng đất IS kiểm soát, ví dụ như để thăm gia đình tại khu vực khác, họ sẽ phải đóng 1.000 USD tiền thuế và bảo hành tạm thời bằng tất cả tài sản của họ tại đây.
Gộp tất cả, số tiền thu được từ thuế mang lại 360 triệu USD trong năm 2014 cho IS. Theo ước tính của một số chuyên gia, số tiền này có thể lên khoảng 800 triệu USD trong năm nay.
Riêng đối với các công ty khai thác mỏ như phốt phát, lưu huỳnh, xi măng, IS có thể thu về 1,3 tỷ USD mỗi năm nhờ nắm giữ một lượng lớn nhà máy hoặc đánh thuế gấp 2, 3 lần thông thường đối với các công ty khai thác.
Dầu mỏ: 500 triệu USD mỗi năm
IS đã cướp bóc và chiếm được một số giếng dầu cũng như khu chế xuất. Tuy nhiên, tổ chức này không có đủ thiết bị và nhân lực để có thể khai thác hết công suất.
Theo ước đoán được cho là chính xác nhất, trong năm 2014, IS sản xuất 50.000 thùng dầu/ngày, ít hơn một nửa khả năng của các nhà máy này. Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc, con số này có thể tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn cản tổ chức này có thể bán dầu mỏ, bởi vậy, IS thường buôn bán dầu tại thị trường chợ đên. Điều này không có gì khó khăn. IS đã xây dựng được cả một hệ thống các tay buôn lậu cũng như đầu mối cung cấp kể từ những năm 1990.
Theo Financial Action Task Force, IS bán dầu với giá rẻ chỉ bằng ¼ giá thị trường. Khi dầu mỏ đứng ở mức 80 USD/thùng trong năm 2014, IS chỉ bán ở mức 20 USD/thùng.
Christina Schori Liang, nghiên cứu cấp cao tại Geneva Centre for Security Policy cho rằng, IS không ngần ngại bán dầu mỏ cho cả những đối thủ của mình, bởi mục tiêu chính của tổ chức này là có nguồn thu nhập để tiếp tục bành trướng.
Trong tuần trước, Nga đã công khai chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu từ các tay buôn lậu của IS. Theo đó, các tay buôn lậu đưa 1,5 triệu USD dầu mỏ vào Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã bác bỏ cáo buộc này.
Cướp ngân hàng: 500 triệu USD tới 1 tỷ USD
Khi mới trỗi dậy như một tổ chức khủng bố, IS tuyên bố kiểm soát các ngân hàng. Trong năm 2014, số tiền IS cướp được từ các ngân hàng vào khoảng 1 tỷ USD, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn doanh thu này không có khả năng phục hồi, nên ít lo ngại, theo nhận nhận của Bộ Tài chính Mỹ.
IS không hề đụng chạm tới các ngân hàng tư nhân
IS đối xử với các ngân hàng tư nhân và ngân hàng nhà nước khác nhau. Tổ chức này đang cố gắng xây dựng một nhà nước với đầy đủ các chức năng, nên IS cần duy trì một số hoạt động thông thường. Ví dụ, IS không hề đụng chạm tới các ngân hàng tư nhân, mà chỉ đánh thuế nếu người dân tới rút tiền.
Tuy nhiên, các chi nhánh ngân hàng trung ương của Iraq thì không được đối xử tử tế như vậy. Khi IS xâm chiếm thành phố Mosul vào năm ngoái, chúng đã cướp ít nhất 450 triệu USD tiền mặt và vàng tại chi nhánh ngân hàng trung ương ở dây.
Chi nhánh ngân hàng trung ương tại Mosul
Bắt cóc: 20 triệu USD tới 45 triệu USD mỗi năm
Năm 2012, nhà báo Mỹ James Foley bị bắt cóc và IS yêu cầu 132 triệu USD tiền chuộc. IS cũng đòi phải có 200 triệu USD cho các con tin người Nhật là Kenji Goto Jogo và Haruna Yukawa. Cả 2 quốc gia trên đều không trả tiền chuộc và tất cả các con tin đều bị hành quyết.
Phần lớn các quốc gia đều thống nhất với qui tắc không thỏa hiệp với tổ chức khủng bố theo cách này trong mọi trường hợp.
Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia chấp nhận trả những khoản tiền chuộc.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, IS thu về 20 triệu USD tới 45 triệu USD bằng cách đòi tiền chuộc trong năm 2014.