Điểm sáng quý III
Theo Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), 9 tháng đầu năm 2017, TDH đạt doanh thu gần 1.413 tỷ đồng, tăng 90%; lãi ròng 127,7 tỷ đồng, tăng 84% so cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 98% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Tính riêng Công ty mẹ, TDH đã thực hiện gần 104 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, kết quả kinh doanh quý III góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động chung của Công ty trong 3 quý đầu năm, với doanh thu hợp nhất gần 659 tỷ đồng và lãi ròng 40,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 97% và gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO (UIC) ước tính, 3 quý đầu năm 2017, Công ty đạt trên 59,5 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức so với kế hoạch 50 tỷ đồng lợi nhuận. UIC cho biết, yếu tố thị trường đã giúp Công ty đạt được kết quả khả quan.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) chia sẻ, so với kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng năm nay thì tính đến cuối tháng 9, Công ty đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu. Công ty kỳ vọng, lợi nhuận sẽ đạt cao hơn trong quý IV. Do vậy, dự kiến LCG sẽ hoàn thành vượt mức khá cao so với kế hoạch.
Điểm đáng chú ý tại LCG là cuối tháng 9/2017, Công ty đã quyết định sẽ vận hành lại Nhà máy Ethanol Bình Phước để phục vụ sản xuất - kinh doanh cho Công ty TNHH Xăng nhiên liệu Phương Đông (OBF). Dự án Ethanol Bình Phước đã được khởi công năm 2010, với sự hợp tác giữa LCG (góp 22% vốn), Tập đoàn Itochu (Nhật Bản, góp 49% vốn), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, góp 29% vốn).
LCG có kế hoạch góp thêm hơn 30 tỷ đồng vào dự án và tham gia với vai trò là nhà thầu hoán cải sửa chữa giai đoạn 1 nhằm đưa nhà máy đi vào hoạt động và phần vốn góp sẽ được thực hiện chậm nhất vào ngày 15/5/2018. Lãnh đạo LCG kỳ vọng, hoạt động này sẽ mang thêm nguồn thu cho Công ty trong tương lai.
Chuyển động cùng với thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, sản xuất thép nói riêng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Ở mảng thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong 8 tháng đầu năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng 33,2%, đạt 1.4 triệu tấn và chiếm 23,3% thị phần tiêu thụ. Ở mảng ống thép, sản lượng tiêu thụ của HPG trong 8 tháng đạt 382 nghìn tấn, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 25,8% thị phần tiêu thụ.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) dự báo, năm 2017, HPG có thể đạt 44.164 tỷ đồng doanh thu và 7.904 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương tăng 32,7% và 19,7% so với năm 2016. Trong đó, tiêu thụ thép sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng.
Theo VPBS, giá thép tại Việt Nam tăng liên tục trong thời gian qua sẽ cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp thép trong các tháng cuối năm 2017. Riêng giá thép xây dựng Hòa Phát đã tăng liên tục kể từ tháng 7/2017 lên mức 12.400 đồng/kg (chưa bao gồm VAT) trong tháng 9/2017 do nhu cầu xây dựng tại Trung Quốc ở mức cao khiến cho giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh.
Đại diện Công ty cổ phần Thép Việt - Ý (VIS) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, Công ty ước đạt lợi nhuận khoảng 70 tỷ đồng (tương đương với lợi nhuận của năm 2016). Theo bà Vinh, lợi nhuận của VIS chủ yếu tập trung vào quý IV, sản lượng tiêu thụ thường đạt cao nhất ở tháng cuối năm, nên việc hoàn thành kế hoạch cả năm là khả thi.
“Thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục cùng với đà tăng trưởng của ngành thép nói chung và phân khúc sản phẩm thép xây dựng nói riêng giúp doanh nghiệp ngành thép, trong đó có VIS có cơ hội phát triển và tăng trưởng”, đại diện VIS cho biết.
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) cho hay, trong quý III/2017, Công ty đã đưa vào vận hành 2 dây chuyền cán nguội tại Nhà máy Nam Kim 3, nâng công suất thép cuộn cán nguội (CRC) lên 1 triệu tấn/năm và là tiền đề quan trọng giúp NKG mở rộng năng lực sản xuất tôn mạ và ống thép. Dự báo, đến năm 2020, sản lượng thành phẩm của NKG có thể đạt 1,2 triệu tấn, tăng 2,2 lần so với hiện tại.
Về tác động của việc áp thuế tự vệ tôn mạ nhập khẩu, theo NKG, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tiêu thụ tôn mạ tại thị trường nội địa. Sản lượng tôn màu nội địa theo đó có thể gia tăng từ 300.000 - 400.000 tấn/năm. Tận dụng cơ hội trên, Công ty đã thực hiện đầu tư thêm 1 dây chuyền tôn mạ công suất 250.000 tấn trong năm 2017, dự kiến thực hiện xong vào quý I/2018, đưa năng lực sản xuất của NKG lên 1,25 triệu sản phẩm/năm.
Kỳ vọng của thị trường
Thực tế cho thấy, những nhóm ngành hoặc cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng tốt vào quý III đã có nhịp tăng giá khá mạnh trong thời gian qua, ví dụ nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, hay các cổ phiếu đơn lẻ như AAA, TNG, HBC, CVT.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (AGR) cho rằng, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp phần nào đã phản ánh những kỳ vọng của thị trường. Do vậy, cơ hội hiện tại không còn nhiều đối với nhóm này, thậm chí khi thông tin về kết quả kinh doanh quý III chính thức được công bố thì các cổ phiếu này sẽ gặp lực chốt lời lớn.
Bà Lan khuyến nghị, nhà đầu tư nên chú ý hơn vào các ngành bắt đầu xu hướng tăng, trọng tâm là nhóm cổ phiếu dầu khí, thủy sản. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành đá xây dựng và ngân hàng đang tạo nền giá tích lũy khá ổn, nhóm này có cơ hội tăng trở lại trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư nên dành sự quan tâm đến các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, các doanh nghiệp đầu ngành, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thực phẩm tiêu dùng.
Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến nhóm doanh nghiệp có các câu chuyện cá biệt, dễ thu hút được dòng tiền như mới niêm yết, chuyển sàn, M&A, thoái vốn nhà nước, nới “room” cho nhà đầu tư ngoại; nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi khi xu hướng giá cả hàng hóa thay đổi và có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh cốt lõi; nhóm doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh nhóm doanh nghiệp được kỳ vọng đạt được hiệu quả cao trong 3 quý đầu năm là bất động sản, thép, vật liệu xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, Công ty Chứng khoán IVS cho biết, có khá nhiều doanh nghiệp riêng lẻ khác như FPT, KBC, GAS, HBC, REE... dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, IVS cho rằng, trong những ngành này, không phải tất cả doanh nghiệp sẽ có kết quả kinh doanh tích cực. Không chỉ có sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngành, mà bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng có sự phân hóa lớn. Chẳng hạn, với ngành thép, HPG được dự báo đạt lợi nhuận vượt trội so với những công ty khác nhờ lợi thế công nghệ sản xuất. Nhóm ngân hàng sẽ tích cực hơn khi hàng loạt ngân hàng chính thức được nâng “room” tín dụng.
Theo các chuyên gia, có một điểm cần lưu ý là nhiều doanh nghiệp thường dồn kết quả có lợi nhất vào quý cuối cùng, nên ẩn số đang nằm ở quý IV.