Hé lộ con số lợi nhuận năm của ngân hàng

Hé lộ con số lợi nhuận năm của ngân hàng

(ĐTCK) Đại đa số nhà băng sẽ không thể hoàn thành được kế lợi nhuận năm 2013, thậm chí có ngân hàng có thể không đạt tới phân nửa kế hoạch.

Đến gần hết chặng đường của năm 2013, nhưng các ngân hàng cũng không mấy kỳ vọng sẽ hoàn tất được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra khi chỉ mới thực hiện được 20 - 30% kế hoạch của năm. Vì thế, quý còn lại của năm mặc dù được xem là mùa kinh doanh cao điểm, nhưng khó đem lại nguồn lãi lớn cho nhà băng.

Hé lộ con số lợi nhuận năm của ngân hàng ảnh 1

Lãnh đạo ACB cho biết, áp lực để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng cả năm là không ít

 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của nhà băng đạt được chỉ ở mức 25% kế hoạch năm. Cho dù chỉ tiêu lợi nhuận nhà băng này xây dựng cho cả năm 2013 chỉ ở con số khiêm tốn (450 tỷ đồng), thấp hơn so với mức thực hiện cả năm trước. Nguyên nhân, theo lý giải của vị phó tổng giám đốc trên là do tăng trưởng tín dụng quá khó khăn. Các khách hàng doanh nghiệp không có nhu cầu vốn. Trong khi, đẩy mạnh tín dụng cá nhân không phải là lợi thế của nhà băng quy mô vừa và nhỏ. Vì thế, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ của ngân hàng này cũng chỉ mới thoát khỏi tình trạng âm.

“Ngân hàng đã nỗ lực tái cơ cấu nợ cho khách hàng, để khách hàng có thể vay và củng cố hoạt động sản xuất – kinh doanh và trả được nợ cũ cho ngân hàng. Nhưng thực sự rất khó, bởi với các doanh nghiệp tốt, thì ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh được với các nhà băng lớn, khi lãi suất cho vay cũng chỉ ở mức 6 - 6,5%/năm. Trong khi, các doanh nghiệp khó khăn thì rủi ro nợ xấu cao, ngân hàng sẽ phải hạn chế cấp tín dụng. Như thế, làm sao dư nợ có thể tăng để kỳ vọng nguồn thu từ tín dụng đóng góp vào lợi nhuận”, vị đại diện ngân hàng trên nói.

Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, điều quan trọng đối với ngân hàng là làm thế nào để kiểm soát được rủi ro. Tuy vẫn phải nỗ lực để đem lại lợi nhuận trong hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, song theo ông Tuấn, hiện doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn nên ngân hàng khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận ở mức cao, nhất là khi tăng trưởng tín dụng không như mong đợi. Thông thường, quý IV, tín dụng có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng, nhưng thực tế cho thấy, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong dịp cuối năm nay lại không tăng nhiều so với các quý trước đó.

“Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đã được OCB xây dựng ở mức tương đối phù hợp (320 tỷ đồng), nhưng để đạt được chỉ tiêu này cũng là điều rất khó, cho dù 2 quý đầu năm Ngân hàng đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, 9 tháng đầu năm, tín dụng của Ngân hàng đã vượt “room” cho phép của NHNN ở mức 30%, nhưng rất khó kỳ vọng đạt được chỉ tiêu lợi nhuận. Với quy mô khiêm tốn, con số tăng trưởng dư nợ tuyệt đối chỉ vài nghìn tỷ đồng, nên để đạt 70% kế hoạch lợi nhuận năm, theo ông Tâm, NamA Bank cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Là một trong những nhà băng có thế mạnh về tăng trưởng tín dụng, song Eximbank cho biết, 3 quý đầu năm, Ngân hàng mới chỉ đạt mức tăng trưởng dư nợ hơn 8% so với kế hoạch đưa ra cả năm là 15%. Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, năm nay, Ngân hàng chỉ dám kỳ vọng hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm ở mức 3.200 tỷ đồng. 3 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt xấp xỉ 38% kế hoạch năm.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng vừa có báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của ACB. Theo đó, BVSC ước tính, ACB đạt 525 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2013, so với mức lỗ 691 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm, ACB đã có 944 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 52,4% kế hoạch đề ra cho cả năm. Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý III đạt 9,5%. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ước khoảng 3%, không thay đổi so với quý II bởi mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra ít biến động. Thu nhập lãi thuần quý III cũng vào khoảng 1.281 tỷ đồng, góp 77,3% vào tổng thu nhập hoạt động.

Tuy nhiên, nợ xấu, nhất là nợ có khả năng mất vốn vẫn gia tăng từ các khoản vay cũ buộc Ngân hàng phải tăng thêm trích lập dự phòng. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng đặt ra, lãnh đạo ACB cho biết, áp lực để hoàn thành kế hoạch đối với Ngân hàng cũng không ít.

9 tháng đầu năm, Vietcombank ước đạt 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành gần 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Thế nhưng, do tăng trưởng tín dụng của Vietcombank tại thời điểm cuối tháng 9 chỉ mới đạt 3,4%, trong khi tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này cũng xấp xỉ 3%. Vì thế, dù Vietcombank đạt lợi nhuận trước dự phòng rủi ro là 6.700 tỷ đồng trong 9 tháng, nhưng lợi nhuận còn lại sau trích lập dự phòng chỉ còn 4.000 tỷ đồng và kỳ vọng đạt chỉ tiêu đưa ra cho cả năm cũng được đánh giá là thách thức với Vietcombank.

Trong các ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng khá cao của khối thương mại cổ phần, với mức dư nợ tín dụng 9 tháng tăng 13,4%, song lãnh đạo Sacombank cho hay, để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho cả năm nay cũng là điều hết sức khó khăn và nỗ lực lớn. 2 quý đầu năm, Sacombank đạt gần 52% kế hoạch đưa ra, tương đương 1.448 tỷ đồng.   

>> Ngân hàng rục rịch điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận

>> Lợi nhuận ngân hàng, “năng nhặt chặt bị”

>> Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm