Trước đó, phiên tòa đã diễn ra từ ngày 19-29/3/2008. Một số bị cáo thừa nhận hành vi, một số bị cáo không thừa nhận. HĐXX nhận định, căn cứ lời khai, kết luận giám định, vật chứng, chứng cứ, tranh luận tại tòa có đủ căn cứ xác định các bị cáo có hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước, gây thiệt hại cho PVN số tiền 800 tỷ đồng.
Vai trò xuyên suốt
Theo HĐXX, xuyên suốt từ chủ trương trong 3 lần góp vốn, bị cáo Đinh La Thăng có hành vi làm trái quy định điều lệ PVN, Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, lần góp vốn đợt 1, 400 tỷ đồng, bị cáo Thăng ký nghị quyết không báo cáo, không chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2008, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng và PVN có nội dung PVN phải báo cáo rõ tình hình hoạt đông của Oceanbank. Đây là yêu cầu bắt buộc để đánh giá năng lực thực của Oceanbank. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, yêu cầu trên là theo ý kiến của Thủ tướng. Trên thực tế, bị cáo Thăng không chỉ đạo PVN báo cáo, vẫn thực hiện chuyển tiền.
Lần 2, góp bổ sung 300 tỷ đồng. Mặc dù Thủ tướng chưa chấp thuận, song bị cáo Thăng ký Nghị quyết góp vốn, không yêu cầu PVN không khảo sát hoạt động tài chính của Oceanbank. Khi Văn phòng Chính phủ có công văn của Phó Thủ tướng chỉ đạo PVN rà soát các dự án để báo cáo lại Thủ tướng. Tuy nhiên, bị cáo không yêu cầu PVN rà soát.
HĐXX cho rằng: “Cần nhận thức rằng Thủ tướng đồng ý nguyên tắc chủ trương, PVN khi đầu tư ra ngoài tập đoàn phải tuân thủ quy định pháp luật”.
Lần 3 góp bổ sung 100 tỷ đồng vi phạm khoản 2, Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Bị cáo Thăng khai không ký Nghị quyết, ủy quyền điều hành cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng. Tuy nhiên, bị cáo Thắng thừa nhận đã báo cáo Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT có vai trò giám sát, phải biết Nghị quyết góp vốn nhưng không có ý kiến.
Lợi nhuận và cổ tức là “ảo”
Trước ý kiến các luật sư cho rằng, trong vụ án này không có hậu quả vì PVN được chia cổ tức.
Theo HĐXX, thanh tra Oceanbank năm 2012 thể hiện từ năm 2009-2012, kết quả kinh doanh của Oceanbank lỗ lũy kế 922 tỷ đồng. Kết luận thanh tra ngày 31/3/2013, phần lớn tồn tại sai phạm đã xảy ra từ năm 2012 nhưng Oceanbank không sửa chữa, chấm dứt mà tái phạm lớn hơn. Lợi nhuận trước thanh tra là 34 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 10.188 tỷ đồng, bằng 246,63% vốn chủ sở hữu, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần.
Từ năm 2009-2013, Oceanbank kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, số liệu trước và sau thanh tra có khoảng cách lớn. Số liệu Oceanbank phản ánh không chính xác. Đặc biệt chủ trương chi lãi ngoài của Oceanbank gây thiệt hại cho PVN 47 tỷ đồng. Lợi nhuận và cổ tức có được là ảo.
Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank. Sau khi góp vốn không chỉ đạo người đại diện góp vốn giám sát phần vốn góp, chỉ căn cứ báo cáo tài chính hàng năm của Oceanbank. PVN không phát hiện sai lầm, sai phạm của Oceanbank.
“Một loạt sai phạm về tài chính dẫn đến Oceanbank âm vốn chủ sở hữu, NHNN buộc phải mua bắt buộc Oceanbank. Do đó có căn cứ xác định hành vi làm trái của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm có hậu quả xảy ra”, HĐXX nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng 800 tỷ đồng không mất vì vốn điều lệ Oceanbank vẫn giữ nguyên 400 tỷ đồng, chỉ chuyển giao vốn từ Oceanbank sang NHNN.
HĐXX nhận thấy, việc NHNN mua bắt buộc là quan hệ mua bán giữa NHNN và cổ đông, không phải là chuyển giao vốn. Theo Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, vốn điều lệ là vốn cổ đông thực góp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể có lãi hoặc lỗ. Nếu lỗ làm giảm vốn điều lệ. Tại Oceanbank, giá trị thực là số âm rất lớn.
Kết luận thanh tra giám sát NHNN thể hiện thực trạng tài chính của Oceanbank năm 2014. Các khoản nợ xấu chiếm hơn 14.923 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2014, PVN có công văn xin thoái vốn. Văn phòng Chính phủ đã đồng ý sau đó dừng chủ trương thoái vốn. Giả sử cho dừng thoái vốn, Ocecanbank cũng không có khả năng thanh toán. Nếu cho thoái vốn sẽ chuyển thiệt hại từ PVN sang doanh nghiệp khác.
Do đó, HĐXX không chấp nhận luận cứ trên của các luật sư.
Không có tài liệu chứng minh
Quá trình xét xử, bị cáo Đinh La Thăng có lời khai thể hiện, có 2 doanh nghiệp (1 doanh nghiệp Singapore và 1 doanh nghiệp trong nước) chào mua cổ phần của PVN tại Oceanbank. Tuy nhiên, bị cáo không cung cấp tài liệu chứng minh.
HĐXX không chấp nhận những lời khai trên của bị cáo. Theo HĐXX, việc truy tố của VKS đối với bị cáo Thăng là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.