HĐQT Sudico: Quyền lực chưa ngã ngũ

HĐQT Sudico: Quyền lực chưa ngã ngũ

(ĐTCK) Vấn đề nhân sự tại Sudico tưởng đã lắng, nhưng một lần nữa, nó lại là nguyên nhân khiến ĐHCĐ thường niên vừa qua của Sudico căng thẳng.

> “Diệp Sudico”: Từ người hùng chứng khoán…

> Những dấu hỏi phía sau việc Sông Đà "đổ" vốn vào Sudico

> Chủ tịch Sudico: Một vài cổ đông không thể “phá hỏng” DN

> Sudico “đặt cược” làm mới Dự án Nam An Khánh  

> Sudico có Chủ tịch HĐQT mới

> Sudico: ông Phan Ngọc Diệp chính thức mất ghế Chủ tịch HĐQT

Những tưởng câu chuyện nhân sự tại CTCP Đầu tư phát triển khu đô thị và công nghiệp Sông Đà (Sudico - mã SJS) đã lắng xuống, nhưng vấn đề này một lần nữa lại là nguyên nhân khiến ĐHCĐ Sudico kéo dài hơn 4 tiếng so với dự kiến ban đầu. Câu chuyện chỉ được giải quyết khi có sự nhân nhượng, thoả thuận của 2 nhóm cổ đông lớn.

 

Cổ đông bên ngoài ép ngược Tập đoàn Sông Đà

Không nóng câu chuyện kế hoạch kinh doanh, mà vấn đề tốn nhiều thời gian nhất của cuộc họp lại tiếp tục liên quan đến chuyện bầu bán thành viên HĐQT của Sudico. Theo kế hoạch ban đầu, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2012, bên cạnh các vấn đề về phương án kinh doanh, thông qua các báo cáo... thì các cổ đông sẽ bầu mới HĐQT, do nhiệm kỳ của HĐQT cũ đã hết hạn.

Tập đoàn Sông Đà, với tư cách là cổ đông tổ chức lớn nhất (sở hữu 36%), đã giới thiệu 3 thành viên mới là: ông Hồ Sỹ Hùng, ông Phạm Văn Viết, ông Trần Anh Đức vào HĐQT. Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT tạm thời của Sudico - được bầu theo Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 16/4, kiêm người đại diện vốn của Tập đoàn Sông Đà cho biết, nguyện vọng của Tập đoàn là muốn có 3/5 thành viên tại HĐQT của Sudico. “Chưa có con số chi tiết, nhưng phải đến 90% thành công của Sudico đến từ các dự án mà Tập đoàn để lại. Theo đề án tái cơ cấu của Tập đoàn từ trước, Sudico được coi là Tổng công ty bất động sản của Tập đoàn Sông Đà và chủ trương của Tập đoàn là nâng sở hữu tại Sudico lên 51%”, ông Hùng nói.

Mặc dù không phủ nhận những đóng góp của Tập đoàn, nhưng nhóm cổ đông lớn còn lại cho rằng, họ thấy e ngại nếu Tập đoàn có thêm tiếng nói tại Sudico. Trao đổi riêng với ĐTCK, một số cổ đông cá nhân trong nhóm này cho biết, họ không muốn bầu mới HĐQT, bởi nếu thực hiện bầu mới, Tập đoàn cùng một số công ty con hiện sở hữu hơn 44% vốn điều lệ của Sudico trên tổng số 78% số cổ phần đã đến dự Đại hội, chắc chắn sẽ có 3 chân trong HĐQT mới. “Đây sẽ là sức ép cho các cổ đông bên ngoài. Cơ cấu HĐQT hiện tại với chỉ 2 thành viên là người của Tập đoàn, sẽ giúp HĐQT hoạt động độc lập hơn. Nếu Tập đoàn có tới 3/5 thành viên tại HĐQT, những quyết sách của Sudico có thể sẽ theo hướng có lợi cho Tập đoàn, chứ chưa hẳn là cho các cổ đông bên ngoài”, một cổ đông chia sẻ. Vì thế, nhóm này cho rằng, họ sẽ phủ quyết mọi tờ trình liên quan đến bầu mới HĐQT, để duy trì thế cân bằng của HĐQT Sudico.

Thêm vào đó, những nội dung báo cáo khối lượng công việc lớn của HĐQT, Ban kiểm soát đã làm chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 tháng nhận nhiệm vụ (từ 16/4 đến 30/6) khiến không ít cổ đông cho rằng, HĐQT và Ban Kiểm soát hiện đang làm việc tốt, không nên bầu mới nữa để tránh gây xáo trộn trong bộ máy điều hành.

HĐQT Sudico: Quyền lực chưa ngã ngũ ảnh 1

Với những quan điểm trái chiều như trên, toàn bộ các nội dung liên quan đến việc xin phép bầu mới HĐQT, Ban Kiểm soát và cách thức bầu đã bị nhóm cổ đông đại diện cho hơn 32% vốn điều lệ của Sudico (tương đương hơn 41,315% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp) phủ quyết.

Diễn biến đầy kịch tính và những tranh luận hết sức gai góc tại Đại hội liên quan đến việc có hay không bầu mới HĐQT khiến những cổ đông nhỏ lẻ có mặt tưởng như sự đoàn kết trong nhóm HĐQT mới đã bị “đứt gánh”.

Tuy nhiên, trong giờ giải lao, sự hiệp thương và nhân nhượng của 2 nhóm cổ đông đã giúp đưa ra một giải pháp mới. Đó là, vẫn bầu lại thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, nhưng các cổ đông không giới thiệu mà để HĐQT tạm thời giới thiệu. 5 người được giới thiệu chính là 5 thành viên HĐQT hiện tại. Việc thay đổi phương án này dẫn đến việc phải làm lại toàn bộ tờ trình và xin biểu quyết lại một số nội dung đã không được thông qua lúc trước…, khiến tất cả các cổ đông quá mệt mỏi do Đại hội kéo dài hơn dự kiến 6 giờ đồng hồ. Kết quả, sau khi chọn hướng đi mới, 5 thành viên HĐQT đương nhiệm tái đắc cử toàn bộ, với tỷ lệ trúng đều trên 90%. Xin nói thêm ở đây, với kết quả này, Tập đoàn chỉ có 2 vị trí (ông Hồ Sỹ Hùng và ông Phạm Văn Viết) trong 5 vị trí tại HĐQT Sudico. 3 vị trí còn lại gồm ông Đỗ Văn Bình, ông Vũ Hồng Sự và ông Nguyễn Phú Cường.

 

Nghi vấn chi sai số tiền 1.200 tỷ đồng

Một diễn biến nóng hổi nữa tại ĐHCĐ là báo cáo Ban Kiểm soát. Tất cả các cổ đông đều giật mình bởi những vấn đề bị nghi là có sai phạm trong quá trình điều hành của năm 2011. Bản thân ông Trần Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà đã phát biểu rằng: Báo cáo của Ban Kiểm soát Sudico là báo cáo kiểm soát có ý nghĩa nhất từ trước tới giờ.

Điểm lớn nhất của Báo cáo là đã phản ánh việc sử dụng sai mục đích số tiền 1.200 tỷ đồng trái phiếu huy động của Sudico. Cụ thể, trong tổng số 1.200 tỷ đồng huy động năm 2011 theo 2 đợt nhằm mục đích triển khai đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại Nam An Khánh, chỉ có 72,3 tỷ đồng được sử dụng đúng mục đích. Số còn lại đều được dùng để đáo hạn nợ hoặc đầu tư vào công ty con. Ban Kiểm soát nhấn mạnh: “Việc sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn trái phiếu dẫn đến các dự án bị triển khai chậm trễ, chi phí vốn cao, tiềm ẩn nguy cơ không cân đối được nguồn trả nợ”.

Theo Ban Kiểm soát, số tiền sử dụng trái mục đích được giải ngân chủ yếu vào 3 dự án là: dự án Khu dân cư Trường Lưu, TP. HCM (168 tỷ đồng), CTCP Đầu tư BĐS và Thương mại Thăng Long (110 tỷ đồng), dự án Khu đô thị Hòa Hải, Đà Nẵng (963 tỷ đồng). 3 dự án này, theo Ban Kiểm soát đánh giá là có dấu hiệu thất thoát vốn, hầu như không triển khai nên không có sản phẩm bán ra thị trường để trả nợ.

Thêm vào đó là các nghi vấn liên quan đến việc trích lập khen thưởng của Ban điều hành cũ. Theo đó, chỉ trong 1 ngày (8/12/2011), HĐQT có quyết định chi khen thưởng và cấp nguồn khen thưởng 46,7 tỷ đồng với lý do “hoàn thành tốt công tác sản xuất kinh doanh năm 2010, 2011”, trong khi năm 2011, Sudico bị lỗ 62 tỷ đồng. Sự lộn xộn về thời gian và số thứ tự các văn bản, các văn bản ký trùng nhau cũng dẫn đến nghi vấn “chèn số văn bản để hợp thức hóa việc chi khen thưởng và cấp nguồn quỹ khen thưởng”.

Về các vấn đề này, HĐQT cho biết, do thời gian nhận vị trí quá ngắn nên chưa kịp làm việc để xác minh bản chất các nội dung này. Ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, HĐQT sẽ sớm tìm hiểu, làm việc với các bên để đưa ra giải trình cho các cổ đông.