Dù dịch bệnh nhưng TP.HCM đã nỗ lực thu ngân sách ước tính đạt 99,22% dự toán năm (ảnh: Trọng Tín)
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tác động của đại dịch làm GRDP quý III/2021 giảm 24,39% so với cùng kỳ, các chỉ tiêu kinh tế của TP.HCM trong năm 2021 không đạt chỉ tiêu tăng 6% mà Thành phố đề ra.
Tuy vậy, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể như kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tính tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, TP.HCM cũng giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 5,8-6 tỷ USD (tăng hơn 11%), lượng kiều hối về Thành phố ước tính đạt 6,6 tỷ USD (tăng 9%).
Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt hơn 362.000 tỷ đồng (đạt 99,22% dự toán năm). Trong tháng cuối năm, Thành phố sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt 100% dự toán năm 2021.
Trong năm 2022, TP.HCM đề ra 20 chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
UBND TP.HCM đưa ra bảy giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”. Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung khắc phục việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công…
TP.HCM tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát và bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị nhằm đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Về xã hội, TP.HCM sẽ tập trung chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, nhà ở cho người dân. Trong năm 2022, Thành phố đặt ra mục tiêu tạo việc làm mới cho 140.000 người lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế...
TP.HCM kiến nghị giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất
Trong các tờ trình của UBND TP.HCM trình HĐND, đáng chú ý nhất là tờ trình về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn thành phố.
UBND TP.HCM cho biết nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, đặc biệt là trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn. Do đó, UBND TP.HCM thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như năm 2021.
UBND TP.HCM cũng sẽ trình HĐND Thành phố tờ trình danh mục dự án cần thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 15 dự án cần thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022, trong đó có dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, diện tích cần thu hồi hơn 16 ha; dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa và khu tái định cư, diện tích cần thu hồi là 13,49 ha; xây dựng nút giao thông An Phú… Ngoài ra, còn có 12 dự án cần thu hồi đất, trong đó có đất trồng lúa.
Cũng tại kỳ họp này, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND Thành phố thông qua quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố. Theo quy định tại Luật Kiến trúc, đến ngày 31/12 các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của thành phố sẽ không còn hiệu lực và được thay thế bằng quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức lập và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn do UBND cấp huyện lập.
Đồng thời, trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều thay đổi, biến động trong quá trình phát triển, trong đó có sự chuyển dịch, biến động lớn về dân số, sự hình thành các dự án trọng điểm, các chủ trương chính sách mới của thành phố, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ trả lời chất vấn
Theo dự thảo chương trình kỳ họp, HĐND TP.HCM sẽ dành một giờ trong buổi chiều ngày làm việc thứ 2 (ngày 8/12) để chất vấn Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi có buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND TP HCM.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.