Bất động sản - lĩnh vực hoạt động chủ chốt: Quý IV/2018, Tập đoàn Hà Đô tiếp tục ghi nhận thêm doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và gấp rút hoàn thiện xong trung tâm bán hàng, căn hộ mẫu, cũng như các hạng mục phụ trợ khác để sẵn sàng mở bán Dự án Hado Green Lane (quận 8, TP.HCM). Đây là dự án phân khúc sản phẩm tầm trung, nhấn mạnh về thiết kế, đáp ứng mong muốn của khách hàng tại TP.HCM trong những tháng tới.
Tại Hà Nội, Dự án Hado Dragon City với quy mô 30 ha nằm trên trục Đại lộ Thăng Long cũng đã hoàn thiện cảnh quan xanh và nhà mẫu, xây thô đồng bộ, sẵn sàng giới thiệu tới nhà đầu tư.
Dự án cách Công viên Thiên đường Bảo Sơn 1,5 km, Trung tâm Hội nghị Quốc gia 6 km, được quy hoạch bởi Subarna (Singapore), gồm 528 căn biệt thự đơn lập, song lập và liền kề, với mật độ xây dựng chỉ 16%. Dự án có nhiều tiện ích hiện đại như hồ điều hòa - công viên trung tâm và 12 công viên tiểu khu, hệ thống trường quốc tế, bể bơi, gym, siêu thị, khu thể thao ngoài trời, an ninh bảo vệ 3 lớp 24/24…
Ngoài ra, phải kể đến Dự án Nongtha Central Park tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã mở bán phân kỳ I gồm 87 căn nhà phố liền kề, biệt thự đơn lập, biệt thự song lập. Ngay trong ngày mở bán đầu tiên, dự án đã thu hút hàng trăm khách hàng đến tham quan, đặt mua và đăng ký giữ chỗ.
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và cho thuê cũng đóng góp doanh thu ổn định cho Tập đoàn. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy Khách sạn Ibis Saigon Airport đạt 82% và tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM đều đạt 100%.
Quỹ đất liên tục được mở rộng: Tập đoàn Hà Đô đã chính thức sở hữu 100% vốn Công ty Minh Long, 98,77% Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 và sẽ bổ sung thêm vào quỹ đất sạch với gần 3 ha tại Linh Trung, Thủ Đức (TP.HCM), 2,4 ha tại 62 Phan Đình Giót (Hà Nội), hơn 1 ha Tạ Quang Bửu (Hà Nội), gần 1 ha đất văn phòng cho thuê tại Giảng Võ, Ngọc Khánh (Hà Nội), gần 1 ha tại Cát Bi (TP. Hải Phòng).
Năng lượng tái tạo - lĩnh vực đầu tư hiệu quả: Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện. Hiện tại, Tập đoàn đang sở hữu 5 dự án thủy điện, đã đưa vào vận hành ổn định 2 dự án Za Hưng và Nậm Pông với tổng công suất 60MW (phát điện năm 2009 và 2013). Tháng 11/2018, Nhà máy Thủy điện Nhạn Hạc với công suất 59 MW đã chính thức đưa vào vận hành khai thác, nâng tổng công suất 3 nhà máy đã phát điện lên 120 MW.
Từ năm 2019 trở đi, doanh thu từ thủy điện sẽ đều đặn khoảng 500 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hai nhà máy thủy điện đang được triển khai thi công là Thủy điện Đăkmi 2 - công suất 98 MW, Thủy điện Sông Tranh 4 - công suất 48 MW dự kiến sẽ được phát điện vào quý III/2020. Việc đưa vào vận hành 2 dự án thủy điện mới này sẽ nâng tổng công suất điện của Hà Đô lên 270 MW.
Nắm bắt cơ hội phát triển các dự án năng lượng tái tạo: Trong tháng 11/2018, Tập đoàn Hà Đô ký kết hợp đồng mua bán điện với Công ty Mua bán Điện thuộc Tập đoàn Điện lực cho Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4 tại Bình Thuận. Bên cạnh Hồng Phong 4, Hà Đô đang đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời khác tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đăklăk…
Nền tảng tài chính hỗ trợ tăng trưởng: Với chiến lược đầu tư bài bản, cẩn trọng, tốc độ đầu tư và bán hàng nhanh, minh bạch trong quản lý, Hà Đô luôn duy trì được tỷ lệ cơ cấu vốn chủ/vốn vay hợp lý, tỷ lệ nợ vay của Tập đoàn an toàn, tình hình tài chính được kiểm soát minh bạch, rõ ràng cho từng dự án. Với hệ số tín nhiệm cao, hiện Hà Đô đang là khách hàng uy tín các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… và nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng nước ngoài.
Minh bạch thông tin: Hà Đô không ngừng cải thiện hoạt động quan hệ nhà đầu tư, tạo ra một kênh cung cấp thông tin chính thống, tăng cường tương tác với các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Tháng 10/2018, Hà Đô đã tổ chức thành công hội nghị chuyên gia phân tích thu hút hơn 80 chuyên gia tài chính tại Hà Nội và TP.HCM tham dự. Tiếp đó, đầu tháng 12/2018, Hà Đô phối hợp với CTCK Rồng Việt tổ chức hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư và đội ngũ môi giới chứng khoán, thu hút được sự quan tâm của hàng trăm cá nhân và tổ chức.