Các dự án điện của Hà Đô không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn không có tác động xấu đến môi trường

Các dự án điện của Hà Đô không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn không có tác động xấu đến môi trường

HDG bứt phá mảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sở hữu 462 MW, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) đang xếp thứ hai về tổng công suất danh mục năng lượng tái tạo trong số các doanh nghiệp điện đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ mức 24,8% vào cuối năm 2020 lên 41,8% tổng sản lượng điện cả nước vào cuối năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của ngành năng lượng trên thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với Tập đoàn Hà Đô, Công ty ngày càng khẳng định hướng đi đúng đắn khi đầu tư vào mảng năng lượng với doanh thu mang lại từ mảng này gần 2.100 tỷ đồng trong năm 2022. Khởi đầu với dự án Nhà máy Thủy điện Za Hưng năm 2006, đến nay, HDG đã đầu tư và vận hành 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện gió với tổng công suất lên đến gần 500 MW, thuộc top công ty năng lượng tái tạo niêm yết có công suất lớn nhất tại Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 10/2022, tất cả 5 nhà máy thủy điện đều vượt sản lượng kế hoạch năm đề ra. Cụ thể, 4 nhà máy thủy điện bao gồm Za Hưng, Nậm Pông, Nhạn Hạc và Sông Tranh đạt 651 triệu kWh, mang lại doanh thu khoảng 711 tỷ đồng, lần lượt đạt 117% và 108% so với kế hoạch cả năm 2022. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2022, sản lượng của 4 nhà máy sẽ đạt 775 triệu kWh, doanh thu 880 tỷ đồng, lần lượt đạt 150% và 137% kế hoạch năm 2022.

Đặc biệt, đối với Nhà máy Thủy điện ĐăkMi 2 - nhà máy có công suất lớn nhất Tập đoàn (147MW), tính đến cuối tháng 10/2022, sản lượng đạt 434 triệu kWh, mang lại 485 tỷ đồng doanh thu, lần lượt đạt 111% và 112% so với kế hoạch năm 2022. Dự kiến hết năm 2022, sản lượng khoảng 585 triệu kWh, đạt 150% so với kế hoạch năm, đóng góp 650 tỷ đồng doanh thu.

Đối với 3 nhà máy điện gió và điện mặt trời, tuy năng suất gió năm nay kém hơn, nhưng các nhà máy đều đạt kế hoạch năm đề ra. Lũy kế đến 10/2022, tổng sản lượng điện đạt 216 triệu kWh, mang lại doanh thu khoảng 560 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, năng lượng đã chính thức trở thành mảng kinh doanh cốt lõi của HDG, đóng góp gần 60% vào lợi nhuận gộp của doanh nghiệp, đạt 990 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp mảng năng lượng của HDG mang lại 67%.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng, doanh thu ước tính năm 2023 của HDG đạt 4.466 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch năm 2022 và lợi nhuận gộp đạt 3.015 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, mảng năng lượng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô chia sẻ, trong giai đoạn bất động sản khó khăn như hiện tại, năng lượng đang là “cứu cánh” cho doanh nghiệp. Các dự án năng lượng của Hà Đô đều sử dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn không có tác động xấu đến môi trường.

Cụ thể, các dự án thủy điện của Hà Đô không gây ngập lụt, không phá rừng, không chuyển dòng nước, không phải di dân, tái định canh, tái định cư. Các dự án điện mặt trời được đánh giá là tiết kiệm đất, tối ưu về năng lượng, tự động hoá cao, hiện đại bậc nhất thế giới. Các nhà máy được tổ chức kinh tế Việt Mỹ và Bộ Công Thương tặng bằng khen và các ghi nhận về môi trường.

Năm 2023 dự báo là một năm triển vọng hơn cho phân ngành năng lượng tái tạo với mức tiệu thụ năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ tăng 11%. Tập đoàn Economist (EIU) dự báo, việc bổ sung công suất năng lượng mặt trời và gió sẽ vẫn ở đà cao trong tương lai. Mức tiêu thụ năng lượng tái tạo tăng với tốc độ trung bình năm là 10% trong 10 năm tới. Trong đó, châu Á tiếp tục là thị trường đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đáng kể là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục tiêu của HDG sẽ dần tăng thị phần trong nước và mong muốn cùng với các doanh nghiệp năng lượng trong nước đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn trong mảng năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, Hà Đô đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm 478 MW điện năng lượng tái tạo để nâng tổng công suất lên 1GW. Với chi phí đầu tư thấp, các nhà máy điện của Hà Đô thường xuyên đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các công ty khác trong ngành.

Tin bài liên quan