Ban lãnh đạo HDBank tại Lễ khai trương phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HDB trên sàn HOSE vào ngày 5/1/2018

Ban lãnh đạo HDBank tại Lễ khai trương phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HDB trên sàn HOSE vào ngày 5/1/2018

HDBank lên sàn, thêm một lựa chọn đầu tư chất lượng

(ĐTCK) Ngày 5/1/2018, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Một dấu mốc không chỉ với HDBank mà với cả thị trường chứng khoán Việt Nam khi đón thêm một mã niêm yết có chất lượng, tạo thêm các cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngay ở phiên chào sàn, giá cổ phiếu HDB đã tăng gần hết biên độ giao dịch (giá tham chiếu là 33.000 đồng/cổ phiếu) và đạt mức trần 39.600 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch.

Điểm nhấn là thanh khoản, cổ phiếu HDB đạt giá trị giao dịch gần 1.240 tỷ đồng với hơn 32,2 triệu cổ phiếu trao tay. Đặc biệt, khối ngoại đã mua ròng hơn 5 triệu cổ phiếu HDB ngay trong phiên này.

Tăng tốc đón đầu

Cơ hội tăng trưởng mạnh là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu HDBank. Trước thềm niêm yết, các đợt phát hành tăng vốn của HDBank đều rất thành công. Đáng chú ý, 76 đối tác nước ngoài là các nhà đầu tư tài chính hàng đầu đến từ các thị trường lớn như London, Hongkong, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Úc… đã chi khoảng 300 triệu USD để sở hữu 21,5% vốn của HDBank.

Khi niêm yết, room ngoại còn lại của cổ phiếu HDBank còn khoảng 8,5% cũng là điểm đáng chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng trên sàn hiện không còn room ngoại.

Một điểm đáng chú ý khác của HDBank đó chính là danh tiếng của các thành viên Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng là  người sáng lập hãng hàng không đang rất nổi tiếng trong khu vực - Vietjet Air, bà Lê Thị Băng Tâm cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk - công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cùng các thành viên dày dạn kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và gắn bó lâu năm với HDBank.

Có tiếng là nhà quản lý dày dạn với việc đưa các doanh nghiệp phát triển ở tốc độ cao, nhưng chuyên nghiệp và bền vững, phát biểu tại lễ niêm yết, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị mọi nền tảng cho kế hoạch 2017 – 2021 với tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm, tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm, phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021. Trong 10 năm qua, tổng tài sản của HDBank tăng 18 lần và chúng tôi tin tưởng sẽ nâng tổng tài sản hơn 2,5 lần vào năm 2021, bên cạnh đó là duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn ngành”.

Thành lập năm 1990, sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) năm 2013 và mua lại Công ty Tài chính Société Générale (Cộng hòa Pháp), HDBank là một trong những ngân hàng thương mại lớn Việt Nam.

Tính đến 31/12/2017, HDBank có tổng tài sản hợp nhất trên 191.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng; tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng; tổng dư nợ 111.900 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 1,1%, hợp nhất cùng Công ty Tài chính tiêu dùng HD Saison là 1,5%; hệ số an toàn vốn bình quân (hệ số CAR) 14%. Đội ngũ nhân viên hơn 13.000 người; mạng lưới hoạt động với hơn 240 điểm giao dịch ngân hàng, hơn 10.000 điểm giao dịch tài chính trên khắp cả nước và trên 5 triệu khách hàng. HDBank có quan hệ liên kết với hơn 400 định chế tài chính lớn trên thế giới…

Cam kết của Ban lãnh đạo HDBank là luôn đem lại giá trị cao nhất cho cổ đông. Các năm trước, ở thời kỳ ngành ngân hàng có nhiều biến động, HDBank luôn duy trì mức trả cổ tức trên dưới 10%. Gần đây, tại một buổi tiếp xúc nhà đầu tư, Tổng giám đốc HDBank hé lộ khả năng chia cổ tức và cổ phiếu thưởng trong kỳ Đại hội cổ đông năm nay tới 25 - 30%.

Hiện nay, trong bối cảnh thị trường ngân hàng đang bùng nổ tại Việt Nam và cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, truyền thống chia cổ tức của HDBank cũng là nét hấp dẫn riêng cho cổ phiếu nhà băng này trước thềm niêm yết.

Nền tảng đã được xây dựng

Để có thể đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh cho giai đoạn tới, HDBank đã có 5 năm để đầu tư và tái cấu trúc toàn diện với những bước đi quyết liệt

Từ một ngân hàng nhỏ trước năm 2010, sau 5 năm 2011 - 2016 cấu trúc toàn bộ hoạt động, HDBank có bước phát triển vượt bậc. So với năm 2011, tổng tài sản của HDBank tại ngày 31/12/2016 tăng hơn 3 lần, vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần, tổng huy động vốn tăng hơn 4 lần, tổng cho vay tăng 5 lần, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần. 5 năm qua, HDBank cũng đã hoàn thiện nền tảng cho 5 năm tăng trưởng tiếp theo với mục tiêu ưu tiên tập trung trong lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân, bán lẻ, tiêu dùng, nông nghiệp nông thôn.

Trong tôn chỉ hoạt động của mình, bên cạnh nỗ lực không ngừng vươn tầm lớn mạnh, HDBank hướng tới mô hình phát triển bền vững, luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tương thân tương ái trong nội bộ doanh nghiệp và trong các hoạt động cộng đồng. Các năm qua, tập thể nhân viên HDBank luôn đồng hành với nhiều hoạt động thể thao, văn hóa - an sinh - xã hội, từ thiện...

HDBank lên sàn, thêm một lựa chọn đầu tư chất lượng ảnh 1

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại lễ niêm yết  

Phát biểu tại Lễ niêm yết trên sàn chứng khoán của HDBank, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, HDBank là ngân hàng điển hình thành công của chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 2012 - 2015. HDBank cũng là ngân hàng đã có những dấu ấn đột phá để tăng trưởng mạnh mẽ, nằm trong nhóm đầu những ngân hàng Việt Nam hiện nay.

“Là tổ chức tín dụng đầu tiên trong năm 2018 chính thức niêm yết tại HOSE, không chỉ đánh dấu một bước đi mới của HDBank, mà còn khẳng định cam kết của lãnh đạo ngân hàng là ngày càng hướng tới sự minh bạch, thực thi đúng cam kết vì lợi ích cao nhất của khách hàng, cũng là lợi ích của cả thị trường và các nhà đầu tư, cổ đông”, Phó Thống đốc cho hay.

Cũng theo ông Tiến thì năm 2017 đã chứng kiến sự thành công của HDBank hoàn tất lộ trình để đi đến niêm yết ngày hôm nay và có mặt trong nhóm các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất khi gia nhập thị trường chứng khoán. Đây cũng là thành tựu, điểm sáng của hệ thống ngân hàng, khẳng định sức hút của các tổ chức tín dụng, của thị trường tài chính Việt Nam đối với các tổ chức, nhà đầu tư trên toàn cầu.

Phó Thống đốc bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh nội tại của HDBank, năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược HDBank sẽ tiếp tục phát triển chất lượng về các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME và dịch vụ tài chính tiêu dùng trên một nền tảng công nghệ hiện đại. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tin rằng, cùng với sự tham gia của các cổ đông, nhà đầu tư hiện tại và tương lai, HDBank sẽ càng có thêm nhiều nguồn lực để thực thi các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra và đã cam kết với cơ quan quản lý, với các cổ đông và nhà đầu tư.

So với thời điểm 10 năm trước, tổng tài sản của HDBank hiện đã cao gấp 18 lần. Lãnh đạo ngân hàng này tin tưởng, 5 năm tới tăng trưởng tổng tài sản 5 năm tới sẽ đạt 26% mỗi năm, qua đó nâng tổng tài sản lên trên 20 tỷ USD, ROE đạt 26% vào năm 2021. HDBank cũng cho biết, mức tăng trưởng trên còn chưa tính tới khả năng mở rộng quy mô cơ học thông qua M&A các tổ chức tài chính khác, đồng thời cũng bỏ ngỏ khả năng về cơ hội này. 

HDBank đã nhận được nhiều giải thưởng và xếp hạng cao từ các tổ chức nước ngoài như: “Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liền (2012, 2013, 2014, 2015, 2016) do Tạp chí Asiamoney trao tặng; 2 năm liền nhận giải “Doanh nghiệp quản lý tốt nhất tại khu vực châu Á” năm 2015 và 2016 do Tạp chí Euromoney trao tặng; Hãng xếp hạng tín nhiệm Quốc tế Moody’s Investors Service xếp hạng cho HDBank ở mức B2: mức tín nhiệm cao và triển vọng ổn định; The Asian Banker công bố HDBank đứng thứ hạng cao trong TOP 500 ngân hàng mạnh nhất châu Á và thuộc nhóm các thương mại tốt nhất Việt Nam.

Tin bài liên quan