HBS trở lại đường đua thị phần môi giới

HBS trở lại đường đua thị phần môi giới

(ĐTCK) Ngày 2/12/2013, CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS) chính thức chuyển trụ sở về Tòa nhà 46 - 48 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với HBS, đây không chỉ là việc chuyển “nhà” đơn thuần, mà còn là một dấu mốc để HBS trở lại đường đua thị phần môi giới sau 2 năm tạm rút khỏi Top 10.

Hai năm tạm dừng đường đua thị phần môi giới

HBS được thành lập ngày 28/2/2008 và chính thức giao dịch ngày 26/4/2008. Sinh sau đẻ muộn, với số vốn điều lệ 160 tỷ đồng, nhưng HBS đã tạo ra sự bất ngờ cho TTCK, khi lọt vào Top 10 về thị phần môi giới trong 105 CTCK đang hoạt động.

Thời điểm cuối năm 2008, HBS chỉ có 1.000 tài khoản khách hàng, với tổng giá trị giao dịch chứng khoán cả năm là 900 tỷ đồng. Sau một năm, số tài khoản NĐT mở tại HBS đã tăng lên trên 4.000 tài khoản, với tổng giá trị giao dịch 11.839 tỷ đồng. Tính trung bình cả năm 2009, HBS đạt gần 3% thị phần môi giới trên TTCK, riêng các tháng cuối năm, thị phần của HBS đạt trên 3%. HBS là một trong số ít CTCK được vinh danh “Thương hiệu Chứng khoán uy tín năm 2009 - 2010”.

HBS trở lại đường đua thị phần môi giới ảnh 1

Có được thành quả trên chính là sự chuẩn bị nhân lực, tiềm lực tài chính và chiến lược phát triển đúng đắn của HBS. Đặc biệt, HBS không ngừng nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích. Cụ thể, khách hàng đã được sử dụng những tiện ích của hệ thống công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam do đối tác Hàn Quốc triển khai, trị giá 1 triệu USD để phục vụ cho công tác giao dịch thuận tiện, nhanh chóng. Đây là hệ thống phần mềm lõi chứng khoán hỗ trợ HBS thực hiện mục tiêu tự động hóa hoàn toàn các quy trình nghiệp vụ của hoạt động giao dịch chứng khoán, có khả năng xử lý 11.000 lệnh tại cùng một thời điểm.

Trong đầu tư, HBS có thể tự hào là CTCK có chiến lược đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực và thành công trong việc tham gia góp vốn đầu tư các lĩnh vực tiềm năng, đem lại kết quả đáng khích lệ, đó là kinh doanh vàng, bất động sản… HBS đã khẳng định thương hiệu của mình thông qua chất lượng kinh doanh trên nền tảng định vị sự khác biệt, quản lý rủi ro và phát triển các phân khúc khách hàng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBS cho biết, HBS lọt vào Top 10 thị phần môi giới là một hành trình vô cùng khó khăn đối với một CTCK ra đời vào thời điểm nền kinh tế nước nhà chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều DN phải giải thể, phá sản. HBS xét thấy kinh doanh trên TTCK thời điểm này sẽ gặp rủi ro và quyết định tạm dừng cuộc đua Top 10 thị phần môi giới để tìm hướng đi mới.

 

Về “nhà mới” và trở lại đường đua

Sau hai năm thay đổi chiến lược kinh doanh, những tưởng HBS đã rơi vào vòng xoáy đào thải của thị trường như một số CTCK khác, tuy nhiên, ngày 1/12/2013, HBS công bố chuyển trụ sở chính về 46 - 48 Bà Triệu (Hà Nội), đây là tòa nhà 9 tầng do HBS góp vốn đầu tư với Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.

“HBS góp vốn kinh doanh tòa nhà văn phòng với Vimedimex, đây là tòa nhà thứ hai được đưa vào khai thác. Với doanh thu cho thuê văn phòng, HBS đảm bảo đủ bù đắp các chi phí phát sinh hoạt động thường ngày, giảm áp lực tài chính, là cơ sở để HBS yên tâm phấn đấu cho các mục tiêu kinh doanh dài hạn và quy mô lớn hơn”, bà Nguyễn Thị Loan nói.

Thời gian qua, HBS tạm dừng đẩy mạnh hoạt động đối với mảng môi giới chứng khoán, nhưng không có nghĩa HBS rời khỏi thị trường, mà vừa tham gia thị trường, vừa hoàn thiện và cải tiến phần mềm giao dịch của Tong Yang (Hàn Quốc) để đảm bảo hỗ trợ khách hàng tối đa trong giao dịch, đó là:

Thứ nhất, sản phẩm Hpro: Tất cả trong một -Thuận tiện, hiệu quả với các tính năng như mở tài khoản giao dịch trực tuyến; đặt lệnh mua bán trực tuyến trước phiên giao dịch; ứng trước tiền bán tự động; margin tự động; chuyển tiền trực tuyến giữa các tài khoản đăng ký trong hệ thống; quản lý tài sản, danh mục cổ phiếu yêu thích, trạng thái tỷ lệ lãi lỗ; đăng ký quyền mua chứng khoán trực tuyến; thiết lập bảng giá thông minh tùy chọn kết hợp được mã cổ phiếu ở cả hai sàn giao dịch HOSE và HNX.

Thứ hai, xây dựng được quy trình quản trị rủi ro khép kín; hoàn thiện quy trình giao dịch ký quỹ; từng bước triển khai thực hiện tách bạch tài khoản của NĐT với TienPhongBank.

Sáu năm qua, trải nghiệm trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, HBS ý thức được rằng, việc trở lại đường đua Top 10 thị phần môi giới là một áp lực rất lớn khi mà TTCK còn nhiều khó khăn. Nhưng với nền tảng đã có, những kinh nghiệm đã được tích lũy, sự quyết tâm, đồng thuận cao, sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ - nhân viên, đặc biệt là niêm tin của khách hàng, đối tác, cổ đông sẽ là nền tảng để HBS tạo nên sự trường tồn của một DN.        

>>HBS: Dấu hỏi về trích lập dự phòng OTC

>>Handico vẫn kiên trì "đào thoát" khỏi HBS