Nên thận trọng, nới lỏng nghĩa là thay đổi lộ trình chính sách tiền tệ
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế khủng khiếp đến nỗi chỉ sau 2 tuần đầu tiên, đã có đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm nới lỏng chính sách tiền tệ. Trên một số phương tiện truyền thông, để hỗ trợ cho luận điểm này, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan được minh họa như là điển hình. Các liên tưởng này, nếu không hiểu rõ những động cơ bên trong của nó, thì sẽ là những so sánh khập khiễng.
Trước hết, hãy nhớ lại, chỉ sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát hơn 1 năm, khi mà các chỉ số kinh tế đã cho thấy sự sụt giảm mạnh trong các hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mới thực sự cắt giảm lãi suất. Trong các thông báo chính sách tiền tệ thời gian gần đây, không ngân hàng trung ương nào không đề cập Covid-19 như là một trong những rủi ro lớn nhất cần phải theo dõi. Nhưng theo dõi để chuẩn bị kịch bản ứng phó là một chuyện và nới lỏng tiền tệ lại là một chuyện khác.
Khi nói đến nới lỏng, nghĩa là phát đi một thông điệp thay đổi “lộ trình” chính sách. Khi lộ trình thay đổi, tất nhiên mọi thứ cũng theo thay đổi theo một cách thức hoàn toàn khác so với dự tính trước đây. Thị trường chứng khoán, lãi suất, tỷ giá và kỳ vọng lạm phát cũng sẽ thay đổi theo. Điều này có thể làm sai lệch các kịch bản tăng trưởng đã được Chính phủ dự kiến.
Thông điệp tiền tệ mới nhất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed) tuy có đề cập Covid-19 như là một dạng rủi ro lớn, nhưng vẫn được xem như một cú sốc mang tính tạm thời, chứ không phải dai dẳng để thay đổi lộ trình chính sách tiền tệ. Chừng nào chưa có những bằng chứng thuyết phục nhất để xem đó là một cú sốc đủ lớn, thì chính sách tiền tệ vẫn chưa thể vội thay đổi lộ trình sang nới lỏng.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, New Zealand mới đây cũng có những nhận định tương tự như Fed khi họ vẫn quyết định giữ lãi suất không đổi.
Một số ngân hàng trung ương giảm lãi suất có phải vì Covid-19? Ngân hàng Trung ương Philippines cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% một phần vì tác động của Covid-19, nhưng phần lớn vì trước đó họ đã tăng lãi suất quá mạnh đến 1,75% vào năm 2018. Ngoài ra, dịch Covid-19 còn làm giảm đáng kể lượng kiều hối chuyển về Philippines. Việc cắt giảm lãi suất mới đây được xem là một động thái mang tính kỹ thuật điều chỉnh, hơn là nới lỏng tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất 0,25% lại có câu chuyện riêng của họ. Ai cũng biết du lịch từ lâu đã là ngành kinh tế trọng yếu của người Thái. Covid-19 tác động quá lớn đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế. Thêm vào đó, người Thái còn đang phải đối mặt với cơn khô hạn nặng nề nhất trong hàng chục năm qua. Việc chưa nằm trong danh sách bị Mỹ theo dõi thao túng tiền tệ cũng là một yếu tố cân nhắc khiến Ngân hàng Trung ương Thái Lan vẫn còn room giảm lãi suất làm cho đồng bath yếu đi để giành lợi thế trong xuất khẩu.
Trong khi đó, Singapore, do bị Mỹ cảnh báo dùng tỷ giá để cạnh tranh xuất khẩu, nên chưa dám vội vàng giảm lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chủ yếu sử dụng công cụ tiền tệ gián tiếp bơm thanh khoản hỗ trợ thị trường, hơn là giảm lãi suất. Lãi suất giảm khiến nhân dân tệ yếu đi, không có lợi cho các thoả thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Việc bơm thêm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nhằm chủ yếu hỗ trợ thanh khoản cho các khu vực bị thiệt hại nặng và cũng để làm giảm nhẹ thiệt hại gây ra bởi làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây, hơn là một động thái rõ ràng của nới lỏng tiền tệ.
Chính sách tiền tệ hướng đến cơ sở tập trung thay vì mở rộng
Các động cơ để các ngân hàng trung ương Trung Quốc, Philippines, Thái Lan nới lỏng tiền tệ hoặc chưa thấy ở Việt Nam, hoặc có nhưng vẫn còn phải theo dõi thận trọng một thời gian đủ dài để ngân hàng trung ương quyết định liệu có nên nới lỏng tiền tệ.
Nhìn chung, phản ứng của các ngân hàng trung ương trên thế giới cho đến giờ vẫn là giữ lãi suất không đổi, chờ đợi và quan sát những diễn biến kế tiếp của dịch Covid-19. Một số ít ngân hàng trung ương giảm lãi suất có những lý lẽ riêng, dịch Covid-19 chỉ là biến số nặng ký thêm vào các quyết định giảm lãi suất sớm hơn dự định. Giải pháp tức thời, hợp lý lúc này là chỉ nên hướng đến hỗ trợ thanh khoản và tái cấu trúc nợ cho các ngành nghề bị tác động mạnh bởi Covid-19.
Đối với Việt Nam, được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là điểm sáng duy nhất trong bầu trời u ám của đám mây đen toàn cầu, liệu chỉ chưa đầy một tháng dịch Covid-19, NHNN có buộc phải thay đổi lộ trình chính sách?
Tạm thời bỏ qua các yếu tố liên quan đến nhận định thuộc về quan điểm, khả năng cắt giảm lãi suất của NHNN bị hạn chế đáng kể vì sẽ làm cho tiền đồng yếu đi. Tỷ giá USD/VND tăng lên khiến Việt Nam gặp phải một rủi ro trong việc bị Mỹ quy cho thao túng tiền tệ, trong bối cảnh chúng ta vẫn đang nằm trong diện danh sách bị Mỹ giám sát chặt về chủ đề này trong báo cáo có khả năng sẽ công bố vào tháng 4 hàng năm của Bộ Tài chính Mỹ.
Ở Việt Nam, đang tồn tại một quan niệm phổ biến, rằng hễ bất kỳ khi nào nền kinh tế gặp khó khăn, điều đầu tiên là một số người nghĩ ngay đến “câu thần chú” nới lỏng tiền tệ, đôi khi được làm giảm nhẹ đi bởi cách dùng từ nới lỏng nhưng thận trọng. Một hộ nông dân chăn nuôi nay thiếu nguồn cung thức ăn gia súc do những hạn chế nghiêm ngặt trong giao thương không thể vì việc được giảm lãi suất cho vay mà tăng thêm được bầy đàn.
Cùng với đó, thanh long, dưa hấu bị kẹt ở các cửa khẩu không phải vì bơm tiền thêm vào các ngân hàng thì có thể tự động chạy ra khỏi biên giới. Một tỉnh như Khánh Hoà bị thiệt hại vì du lịch sụt giảm, với 70% lượng khách quốc tế đến từ Trung Quốc, khó có chuyện vì NHNN bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính mà được lấp đầy trở lại. Ở góc độ cấu trúc, nới lỏng tiền tệ không một sớm một chiều làm cho xuất khẩu nông sản nước ta hết bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Nói đến nới lỏng tiền tệ, tức dùng các công cụ như giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc hoặc quyết liệt hơn là bơm ào ạt thanh khoản vào hệ thống tài chính. Điều này cũng có nghĩa là NHNN tiếp cận nền kinh tế trên cơ sở mở rộng.
Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tác động đều khắp đến tất cả các khu vực của nền kinh tế. Tác động của nới lỏng tiền tệ theo cách tiếp cận mở rộng chẳng những dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng tốc, mà còn dẫn đến những bất công trong tiếp cận thanh khoản từ hệ thống ngân hàng. Một mặt có thể có những lĩnh vực dễ hưởng lợi từ thanh khoản dồi dào từ hệ thống ngân hàng, trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ rất khó tiếp cận. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể lại càng khó gấp bội. Chính sách tiền tệ nới lỏng không hợp lý sẽ kéo theo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, làm bất ổn hệ thống tài chính, gia tăng nợ xấu hệ thống ngân hàng, tạo ra bong bóng tài sản.
Trước mắt, trong khi dịch Covid-19 chỉ tác động cục bộ đáng kể đến một số ngành hoặc liên ngành, chính sách tiền tệ chỉ cần triển khai trên cơ sở tập trung, thay vì mở rộng. Chẳng hạn, các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nên được ngân hàng ưu tiên cơ cấu lại nợ; các lĩnh vực liên quan đến đầu tư hạ tầng cần được nới lỏng các điều kiện trong quá trình huy động vốn thông qua kênh trái phiếu hoặc vay ngân hàng.
Nếu nới lỏng tiền tệ mà giúp nền kinh tế kháng cự được những hệ luỵ từ dịch Covid-19, thì thống đốc các ngân hàng trung ương trên thế giới có lẽ nên là những người xứng đáng nhất được vinh danh giải Nobel Y khoa.