Giáo sư đã nhiều lần truyền cảm hứng rằng, đất nước chúng ta phải trở nên hùng cường. Để đi đến mục tiêu đó, chúng ta cần hội đủ các yếu tố như thế nào để cùng xây dựng và phát triển đất nước, thưa Giáo sư?
Nhiều người trong chúng ta đều mong muốn và kỳ vọng về một tương lai Việt Nam sẽ hùng cường, đến một ngày đất nước sẽ phát triển mang tầm vóc toàn cầu. Để đi đến mục tiêu đó, Việt Nam phải có một hệ sinh thái giúp người dân tự sáng tạo, tự quản, tự phát triển, tự đầu tư… Hệ sinh thái này chỉ xuất hiện khi các bộ, ngành làm việc chặt chẽ với nhau, mà không cần các chỉ thị; các địa phương liên hệ với trung ương và các địa phương khác một cách thường trực mà không cần xin phép; người dân đoàn kết chặt chẽ với nhau, mà không cần khẩu hiệu...
Lấy một ví dụ, chúng ta mua một hệ thống metro và sẽ liên kết việc mua đó với một chương trình học tập của các đại học chuyên ngành về giao thông, các công xưởng sản xuất xe điện (kỳ vọng một ngày nào đó sẽ có). Chúng ta không mua trắng, mà sẽ dùng cơ hội đó để phát triển công nghệ metro.
Chúng ta có thể làm như vậy không? Hoàn toàn có thể chứ. Tôi xin nhấn mạnh trên một điểm rất quan trọng: tất cả con em của đất Việt, khi gặp hệ sinh thái sẵn có ở nước ngoài, đã thành công rực rỡ. Điều đó chứng minh và soi sáng, rất sáng.
Hiện thời, trong nước, các doanh nghiệp nhà nước không tạo ra hệ sinh thái cho sự phát triển. Sinh viên, học sinh vẫn đang miệt mài tìm đường. Các em tìm hệ sinh thái đó mà không tìm ra. Chúng ta có một hệ sinh thái, đó là ngành địa ốc. Điều này chứng tỏ, chúng ta cũng có khả năng tạo hệ sinh thái cho các lĩnh vực khác.
Nói đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, người ta nhắc đến các tập đoàn lớn như một biểu tượng quốc gia. Còn Việt Nam, với nền kinh tế chuyển đổi, làm thế nào để có những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ từng giờ, từng ngày?
Có lẽ đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển các quỹ phát triển ra ngoài lĩnh vực địa ốc và tập trung vào lĩnh vực công nghệ và công nghiệp tân tiến hoặc mũi nhọn. Nếu Việt Nam đầu tư 100.000 tỷ đồng vào khởi nghiệp, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho 100.000 công ty khởi nghiệp. Trong 100.000 công ty đó, sẽ có 1.000 công ty thành công. Và sẽ có 100 công ty khởi nghiệp thành công lớn. Trong số đó, sẽ có 20 công ty có khả năng tạo lịch sử.
100.000 tỷ đồng có là gì nếu so sánh với bao nhiêu tiền bỏ vào địa ốc? Việt Nam cần 100 công ty khởi nghiệp rực rỡ, với 20 công ty khởi nghiệp đột phá.
Hãy bắt mọi người làm việc với nhau, mà không cần chỉ thị.
Những tập đoàn lớn của Việt Nam phần lớn được quản lý rất tốt, nhưng có rất ít được quản trị tốt. Chúng ta thiếu lãnh đạo doanh nghiệp có tầm. Tôi nhìn nhận là, muốn làm lãnh đạo tốt thời nay, cần hội đủ nhiều điều kiện tri thức cũng như văn hoá cá nhân và tầm nhìn. Chúng ta cũng có được một số người mà mọi người đều biết, còn lại các lãnh đạo doanh nghiệp mới dừng ở tầm quản lý…
Là người từng lãnh đạo nhiều tập đoàn danh tiếng trên thế giới, lại có nhiều cơ hội tiếp xúc và tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, Giáo sư nhận thấy, đâu là điểm mạnh của doanh nghiệp Việt, nhất là các tập đoàn tư nhân lớn hiện nay? Giáo sư có thể chia sẻ những điểm yếu cốt tử của doanh nghiệp Việt - điều làm họ không lớn lên được?
Chúng ta phải tập có tư duy benchmark. Làm gì cũng phải so sánh mình với đối thủ hàng đầu thế giới. Chớ ngồi yên trong vỏ bọc nội hoá rồi tán thưởng nhau. Hai chiếc xe của VinFast tiêu biểu cho ý chí benchmark. Toàn dân có thể tự hào. Việc làm của FPT Software với Airbus là một gương sáng. Toàn dân có thể tự hào. Hãy chấm dứt lý luận nội hóa và hãy tự so sánh mình với đối thủ trực tiếp toàn cầu.
Thêm vào đó, rất ít doanh nghiệp có tư duy lên hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ là trong nông nghiệp, chúng ta có tiềm năng, nhưng những doanh nghiệp về nông sản hùng mạnh chưa thấy có tư duy bá chủ thế giới.
Chớ bao giờ quên rằng, những tỷ phú hàng đầu thế giới như Steve Jobs (Apple), Bill Gates (Microsoft) và Mark Zuckerberg (Facebook) đều là sinh viên bỏ học và đã khởi nghiệp với 3.000 USD mượn cha mẹ. Chúng ta có khả năng tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng, nhưng tiếc rằng, ít ai có tư duy khởi nghiệp, hoặc hỗ trợ khởi nghiệp, nung nấu ý chí khởi nghiệp. Tôi mới nhìn thấy điều này ở Vingroup và vài công ty khác.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ hào hứng khởi nghiệp, song cơ hội thành công chưa nhiều. Giáo sư nhìn nhận thực tế này thế nào và đâu là bệ phóng để khát vọng lập nghiệp của thế hệ trẻ thành hiện thực với vô vàn cơ hội đang đến từ cuộc cách mạng 4.0?
Tôi kêu gọi các doanh nghiệp lớn hãy bỏ 1/100 lợi nhuận để giúp các công ty trẻ khởi nghiệp. Đừng nên quên rằng, đây không phải là khởi nghiệp ngoài phạm vi của doanh nghiệp, mà hẳn ở trọng tâm. Hãy tin tưởng vào tuổi trẻ Việt Nam. Hãy tạo cho thế hệ trẻ một hệ sinh thái đặc trưng của Việt Nam. Hãy xem xét và suy nghĩ việc chiết một phần ngân sách dành cho địa ốc, đang là một lĩnh vực ít tạo thêm giá trị kinh tế, để đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp.
Giáo sư có thông điệp gì dành cho những người trẻ tuổi Việt Nam hôm nay - những người sẽ dẫn dắt đất nước trong tương lai để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng?
Tôi đã gặp gỡ ít nhất 10.000 bạn trẻ ở mọi ngành, mọi địa phương. Các bạn trẻ này nhiệt huyết và óc sáng tạo có thừa. Họ cần được dẫn dắt bởi những người đã thành công trong khởi nghiệp. Họ cần vịn vào hệ sinh thái nội bộ của các doanh nghiệp đang phát triển và đang mong muốn mang sáng tạo để tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Chúng ta cũng đã có những tranh luận rằng, nền giáo dục Việt Nam chưa khuyến khích các bạn trẻ nhiệt huyết và óc sáng tạo. Các bạn trẻ hãy dành thời gian để mơ mộng, đọc sách, tập làm việc nhóm. Hãy gửi họ đi nước ngoài cọ xát với các nhóm trẻ sáng tạo hàng đầu. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm gặt hái “cổ tức”.
Tôi nhìn nhận, khởi nghiệp là nơi tạo ra bã rất nhiều. Một ngàn công ty khởi nghiệp thì mới mong một công ty thành công. Ở đâu cũng vậy. Bên Hoa Kỳ cũng có hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp đóng cửa mỗi năm. Do đó, chúng ta không thể chờ đợi gì từ những doanh nghiệp nhỏ để giúp phong trào khởi nghiệp, cũng như những đầu tư nhỏ lẻ từ những sinh viên nhiệt huyết.
Khởi nghiệp phải tới từ một phong trào của cả nước, hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp cần xuất hiện. Chính vì vậy, chúng ta cần tạo một hệ sinh thái cho sự khởi nghiệp. Đứng hàng đầu là khởi nghiệp về nông nghiệp, mà tôi cho rằng sẽ là cứu cánh của đất nước. Hệ sinh thái chỉ có thể có khi hành chính, tài chính, quy chế, luật pháp được mở hẳn ra cho thật dễ dàng.
Hệ sinh thái là sự phối hợp giữa các bộ, ngành để mở các nút kẹt cho khởi nghiệp. Thời gian chính là thước đo để xem chúng ta có hiểu rằng, ngày nay, chính sách khởi nghiệp ồ ạt là một nhu cầu cấp bách để cứu thị trường công việc đang vẫn xoay cứng vào những khu vực không tạo giá trị.
Và tránh nhất là hô hào, khẩu hiệu và rải rác chút ít tiền hỗ trợ. Làm vậy sẽ giết hết mọi ý tưởng cho khởi nghiệp.
Rất tâm huyết với thế hệ trẻ
GS. Phan Văn Trường kể, vào năm 1997, ông đã theo phái đoàn của Tổng thống Pháp Jacques Chirac tới Việt Nam để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia nói tiếng Pháp. Trong những cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị, ông đã có dịp cảm nhận được tuổi trẻ Việt Nam rất cần giao lưu cùng những kỹ thuật gia giàu kinh nghiệm.
Năm 2005, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM đã bỏ công tìm kiếm giáo sư dạy quy hoạch vùng và kinh tế đô thị. Ông từng làm đúng việc này trong những năm 1973 đến 1975 tại Đại học Paris 1 - Panthéon Sorbonne và cũng chẳng có lựa chọn nào khác là tham gia. Ông cho rằng, ông đã làm việc này không lấy lương hay chi phí nên không thể gọi đây là một cơ hội hay một chọn lựa cho cá nhân mình.
Gần đây, ông đã nhận tham gia làm Chủ nhiệm Chương trình Quản trị kinh doanh tại Viện John Von Neumann (Đại học Quốc gia TP.HCM). Viện đã bỏ công tìm kiếm giáo viên từ nhiều tháng. Ông nhận làm việc này cũng với một tinh thần đóng góp.
Năm 2017, ông cùng một số nông dân thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, với ý tưởng đóng góp để giúp những nông dân trẻ tìm ra cơ hội để lập nghiệp. Theo ông, việc này cũng không phải là một lựa chọn của cá nhân, mà là một đóng góp không thể chối từ.