Biểu đồ trên cho thấy, Chỉ số đồng USD đã leo dốc khoảng 7% trong thời kỳ từ 6 đến 9 tháng trước lúc bắt đầu của 3 lần Fed thắt chặt tiền tệ vào các thời điểm tháng 2/1994, tháng 6/1999 và tháng 6/2004. Mức định giá cao của đồng bạc xanh có xu hướng xì hơi và diễn biến trở lên lộn xộn sau mỗi đợt tăng lãi suất trên thực tế.
Fed đã giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,25%/năm kể từ tháng 12/2008, trong khi các nhà giao dịch tương lai dự đoán về khả năng 56% Ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 7/2015, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg. Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở của Fed trong tháng 7 cho thấy, các quan chức Ngân hàng đã thảo luận về tình hình việc làm khả quan và điều đó có thể dẫn đến hành động tăng lãi suất sớm hơn dự đoán.
“Dấu hiệu dẫn đến đợt nâng lãi suất lần đầu, đó là khi đồng USD tăng giá một cách ổn định nhất”, Jens Nordvig, Giám đốc Nghiên cứu tiền tệ của Nomura Holdings Inc. ở New York, cho biết hôm qua. “Và sau mỗi lần tăng, xu hướng của đồng USD thường không rõ ràng”.
Chỉ số đồng USD, một đại lượng được Intercontinental Exchange Inc. sử dụng để theo dõi giá trị đồng đô la so với một rổ gồm 6 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất khác, đã tăng 3,5% trong quý này theo những dấu hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 6,2% trong tháng trước, sau khi giảm trong tháng 6 xuống còn thấp nhất trong 5 năm với 6,1%, mức mà các nhà hoạch định chính sách đã nghĩ rằng sẽ không thể đạt được trước khi kết thúc năm nay.
Sự khác biệt về lãi suất trên toàn cầu sẽ xác định liệu đồng USD có tiếp tục tăng giá sau lần nâng lãi suất đầu tiên hay không, Nordvig nói. Đồng bạc xanh đã mở rộng đà tăng trước chu kỳ thắt chặt tiền tệ năm 1999 khi Fed tăng lãi suất lên 6,5%/năm vào tháng 5/2000, trong khi lãi suất ở Nhật Bản chỉ là 0%/năm và ở Khu vực đồng euro là 3,75%/năm.