Tại nhiều nơi trong thế giới phương Tây, hai sáng kiến chính sách kinh tế thành công đang đi đến hồi kết. Chính sách nới lỏng định lượng, hoạt động tạo tiền bởi các NHTW thông qua việc mua các tài sản tài chính, có thể sẽ kết thúc sứ mệnh của mình tại hầu hết quốc gia vào cuối năm 2015. Năm tới cũng là hạn chót đối với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc - gồm 8 mục tiêu tham vọng, từ giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói đến giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và chiến đấu với virus HIV.
Cả hai sáng kiến đã giúp thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính sách nới lỏng định lượng đã giúp vực dậy sinh khí của nền kinh tế toàn cầu, trong điều kiện mà dường như không một biện pháp nào khác có thể làm được như vậy. Trong khi đó, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã được miêu tả bởi Liên hợp quốc như là một nỗ lực xóa đói giảm nghèo thành công nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các sáng kiến đó đến giờ sắp hết vai trò. Tại các nước phát triển, sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế đã gây áp lực lên chi tiêu chính phủ và tác động đến thái độ của công chúng đối với viện trợ nước ngoài. Lần đầu tiên kể từ năm 1997, thanh toán viện trợ nước ngoài đã giảm liên tiếp trong vòng 2 năm. Động lực để tài trợ cho các mục tiêu thiên niên kỷ suy giảm ngay khi chúng đang tiến gần đến thời hạn kết thúc.
Có thể làm gì bây giờ? “Con gái 4 tuổi của tôi, bé Pia, đã cho tôi một ý tưởng”, Michael Metcalfe, Giám đốc chiến lược của State Street Global Markets, nói. Ông kể lại: “Trên đường đến một quán cà phê gần nhà, Pia và tôi bắt gặp một người đàn ông ăn xin. Tôi đã không đưa cho người ăn xin đó thứ gì và điều này làm con bé thất vọng. Ngay khi đến quán cà phê, Pia đã đem cuốn sách màu của mình ra và vẽ đồng 5 bảng lên đó rồi đưa cho người ăn xin đang ở bên ngoài. Tôi giải thích với bé rằng, “con không thể làm như thế, đó là việc không được phép”. Và tôi đã nhận được câu trả lời hết sức kinh điển từ đứa trẻ 4 tuổi: “Tại sao không?”
Các NHTW từ lâu đã coi nghiệp vụ tạo tiền như một công cụ chính sách linh thiêng, chỉ sử dụng rất dè xẻn do lo ngại nó có thể gây ra lạm phát. Tuy nhiên, sự linh thiêng đó đã bị xâm phạm bởi phản ứng chính sách đối với cuộc khủng hoảng tài chính: nới lỏng định lượng, chính sách đã làm tăng chứng khoán tiền trong các nền kinh tế Mỹ, Anh và Nhật Bản thêm 3.700 tỷ USD, nhiều hơn 3 lần tổng số tiền giấy USD đang được lưu hành trên toàn thế giới. Điều này làm dấy lên một câu hỏi rằng, liệu chiến lược tương tự có thể được triển khai để duy trì quá trình xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới? Nói cách khác, liệu chúng ta có thể in tiền để cứu đói?
Trước khủng hoảng tài chính, ý tưởng NHTW tạo tiền bằng cách mua tài sản là không thể nghĩ tới. Nhưng trong 5 năm qua, phản ứng của các nhà đầu tư là rất lạc quan. Giá vàng, tài sản được coi là có thể chống lại lạm phát, đã giảm, nhưng các nhà đầu tư lại mua các tài sản khác có ít khả năng chống lạm phát hơn. Họ đã mua các chứng khoán và trái phiếu có thu nhập cố định. Họ cũng mua các cổ phiếu. Hành động thực tế của các nhà đầu tư như nói trên dựa trên hai trụ cột. Đầu tiên là, sau những năm giữ được lạm phát trong tầm kiểm soát, các NHTW đã gây được niềm tin về mục tiêu lạm phát của mình. Thứ hai, lạm phát chưa bao giờ trở thành một mối đe dọa ở các nước phát triển. Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác vẫn thấp hơn hoặc gần với mức trung bình dài hạn.
Sự vắng bóng lạm phát này một phần xuất phát từ thực trạng tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Năng lực dư thừa tại nhiều lĩnh vực đã giữ tiền công không tăng, trong khi hoạt động tín dụng ngân hàng buồn tẻ khiến tiền tạo mới không được luân chuyển trong nền kinh tế nhanh như nó có thể. Tốc độ luân chuyển tiền vẫn rất thấp. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ chính sách nới lỏng định lượng cho thấy rõ một điều rằng, dưới các điều kiện kinh tế thuận lợi và với một NHTW được tin tưởng kìm giữ lạm phát, hoạt động tạo tiền từ chính quyền có thể là một công cụ chính sách hiệu quả để chống giảm lạm phát.
Trên thực tế, đây là một trong vài luận điểm chính sách kinh tế mà cả John Maynard Keynes và Milton Friedman đều đồng ý từ 75 năm trước. Nhưng nó đã bị quên lãng trong một thời gian dài do việc quản lý yếu kém hoạt động in tiền dẫn đến siêu lạm phát ở một vài nước.
Vậy điều này có thể liên quan đến hoạt động cứu trợ như thế nào? Thực tế, nhiều công ty đang thực hiện các chương trình tặng quà từ thiện. Một số chính phủ cũng triển khai các chương trình tương tự cho công dân của họ. Chúng ta có thể nâng tầm các hoạt động này không? Có thể, ví dụ, NHTW Mỹ phối hợp với các chương trình viện trợ nước ngoài của Chính phủ để tăng lượng viện trợ lên một mức độ nhất định, thông qua in tiền.