Hãy để nhà đầu tư được tiếp cận mọi thông tin họ cần

Hãy để nhà đầu tư được tiếp cận mọi thông tin họ cần

(ĐTCK) “Loại tiền tệ đáng giá nhất trên các thị trường tài chính là thông tin đáng tin cậy… Tuy nhiên, thông tin phi tài chính ít được các công ty cung cấp và nếu có thì chúng thường khó so sánh và không được chuẩn hóa…”.

Đó là vài trong những nhận định đáng chú ý của hai tác giả Michael Bloomberg và Mary Schapiro trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times trong tháng 7.

Loại tiền tệ đáng giá nhất trên các thị trường tài chính là thông tin đáng tin cậy. Nếu không có chúng, nhà đầu tư sẽ không thể ra các quyết định đúng đắn về nơi mà họ sẽ bỏ vốn. Nó cũng có thể gây tổn hại đến khả năng gọi vốn của các công ty và cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế. Minh bạch chính là một động lực kinh tế.

Trong nhiều thập kỷ qua, các quyết định của nhà đầu tư được trợ giúp chủ yếu bởi các báo cáo tài chính. Nhưng loại thông tin này cung cấp một bức tranh không đầy đủ về sức khỏe của một công ty.

Nhiều nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp, cả bên trong (như việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài), lẫn bên ngoài (như sự hạn chế về các nguồn lực tự nhiên). Mức độ hiệu quả mà một công ty xử lý những vấn đề như vậy có thể ảnh hưởng sâu sắc đến triển vọng của công ty đó. Đáng tiếc là, các nhà đầu tư và các cổ đông thường xuyên không tiếp cận được ngay lập tức những thông tin có thể so sánh về những vấn đề này.

Theo một nghiên cứu năm 2014 của EY, có 2/3 nhà đầu tư toàn cầu quan tâm và cố gắng đánh giá các thông tin phi tài chính. Tuy nhiên, chỉ phân nửa trong số này sử dụng một quy trình định sẵn để thực hiện việc đánh giá đó. Bởi vậy, một cách cung cấp thông tin chuẩn hóa cho nhà đầu tư là cần thiết.

Ví dụ, liên quan đến việc đánh giá rủi ro thời tiết trong xem xét hai công ty phát triển bất động sản, nếu một công ty sở hữu các tòa nhà nằm trong một khu vực thường xuyên bị lũ lụt và công ty khác không, thì bạn - với tư cách một nhà đầu tư - có muốn biết hay không?

Dĩ nhiên là bạn muốn biết. Nhưng loại thông tin đó nhìn chung không được cung cấp trong những tài liệu tài chính. Nó có thể khó tìm, khó định giá và khó so sánh.

Tương tự, nhà đầu tư cũng muốn biết các công ty ô tô nào đang đầu tư nhiều nhất cho việc phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng thay thế; và các công ty bảo hiểm nào xác định được mức độ thiệt hại mà các tài sản được bảo hiểm của họ đối mặt khi nước biển dâng cao, bão tăng cường và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, nhà đầu tư không biết tìm câu trả lời của những câu hỏi này ở đâu.

Trên thực tế, những vấn đề về phát triển bền vững - không được phản ánh trong các báo cáo tài chính - xuất hiện ở mọi lĩnh vực. Hãy nhìn vào vấn nạn thuốc chữa bệnh giả. Thị trường toàn cầu về dược phẩm giả được ước tính lên đến 431 tỷ USD. Trong đó, hàng giả chiếm 1% nguồn cung dược phẩm ở Mỹ và 10 - 15% nguồn cung thuốc chữa bệnh toàn cầu. Tình trạng này đã và đang ăn vào doanh thu của các công ty và mang đến những hậu quả chết người. Bởi vậy, sẽ là chính đáng khi các nhà đầu tư muốn biết điều này ảnh hưởng đến các công ty như thế nào. Nhưng thông tin có thể không dễ tìm thấy được.

Tình trạng tương tự như đối với việc bảo mật dữ liệu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Hoạt động gian lận trong năm 2012 đã lấy mất của các công ty thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ toàn cầu khoảng 11,3 tỷ USD. Những công ty nào đã loại trừ được nhiều nhất tình trạng gian lận? Dữ liệu đó cũng không dễ có được.

Cuối cùng, hãy nhìn vào các sản phẩm phần cứng, vốn phụ thuộc vào nguồn khoáng vật, như tan-ta-ni và thiếc. Nguồn nguyên liệu này thường xuyên được cung cấp từ những khu vực bất ổn, những nơi mà hoạt động khai thác chúng có thể kích thích xung đột.

Mặc dù một số công ty có chia sẻ thông tin về khía cạnh phát triển bền vững, nhưng báo cáo thường không theo chuẩn nào và để đối phó với giới luật sư hơn là phục vụ những người tìm kiếm một lợi ích tài chính. Đã đến lúc phải cung cấp cho các nhà đầu tư những dữ liệu có thể so sánh, được chuẩn hóa về những rủi ro và cơ hội ngày càng tăng này. Sự chuẩn hóa việc cung cấp thông tin bền vững có thể mang lại những lợi ích tài chính quan trọng cho các cổ đông và nhà đầu tư tiềm tăng - và giúp tăng cường sức khỏe lâu dài của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, để thực hiện điều này, một tổ chức đã được thành lập năm 2011, đó là Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán bền vững. Hội đồng được thành lập để làm việc với các công ty niêm yết và các nhà đầu tư nhằm xây dựng nên các thước đo và tiêu chuẩn báo cáo dữ liệu phi tài chính theo từng lĩnh vực. Các tiêu chuẩn này được thiết kế để có thể sử dụng trong trao đổi quản trị và phục vụ báo cáo phân tích của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.

Cùng với các nhà đầu tư đang đổ 17.000 tỷ USD vào các kênh đầu tư khác nhau và các công ty đang huy động 8.000 tỷ USD qua thị trường vốn, Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán bền vững đang xây dựng các thước đo tiêu chuẩn nhằm giúp các nhà đầu tư có thể so sánh các công ty trong hơn 80 ngành nghề của 10 lĩnh vực. Ngoài ra, các tiêu chuẩn đó sẽ giúp các công ty đánh giá được tình trạng mạnh, yếu của mình và vị thế so với các đối thủ cạnh tranh.

Cũng phải nói thêm rằng, các tiêu chuẩn này không phải là một cố gắng làm thay đổi bất cứ điều luật nào về công bố thông tin của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó giúp cho mỗi ban điều hành công ty có thể quyết định thông tin gì nên được cung cấp cho các nhà đầu tư. Trên hết, mục tiêu của các tiêu chuẩn này là để cung cấp thông tin nhiều hơn về vấn đề chi phí - hiệu quả của công ty cho những người có liên quan, đặc biệt là cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính sẽ là một bước đi quan trọng hướng đến sự minh bạch trên các thị trường vốn. Nó sẽ giúp đưa các công ty đến với con đường tăng trưởng dài hạn, với khả năng dẻo dai hơn, cạnh tranh hơn.

(*) Michael Bloomberg là người sáng lập Bloomberg LP, một công ty tư nhân chuyên cung cấp các phần mềm, dữ liệu tài chính và truyền thông có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ và là đương kim Thị trưởng TP. New York. Bà Mary Schapiro là cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.

Báo cáo bền vững tăng cường sự minh bạch

Hãy để nhà đầu tư được tiếp cận mọi thông tin họ cần ảnh 2

Christianna Wood,Chủ tịch Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI), Amsterdam, Hà Lan

Báo cáo về những vấn đề môi trường và xã hội đã trở nên bình thường với các công ty lớn nhất thế giới và đang ngày càng giành được sự quan tâm của các công ty ở mọi quy mô. Trong số hơn 5.000 công ty đã lập báo cáo về những vấn đề bền vững của họ trong năm qua, có gần 80% thực hiện báo cáo với sự tham khảo khuôn khổ của GRI. Tính đến nay, các cơ quan chính phủ và các nhà quản lý thị trường ở 23 nước cũng đã tham khảo hay khuyến nghị các hướng dẫn của GRI trong chính sách và công cụ quản lý của họ.

Khuôn khổ của GRI dựa trên một quy trình nghiêm ngặt và tỉ mỉ, có thể được coi là một chuẩn mực chung. Quy trình này bao hàm những người có liên quan khác nhau trong sự phát triển bền vững của các công ty, trong đó, các nhà đầu tư là nhóm chính, bên cạnh những người làm công, nhà cung cấp, người tiêu dùng và các chủ thể khác.

Quy định pháp lý của châu Âu mới được thông qua gần đây về báo cáo phi tài chính, cũng tham khảo GRI, có ngụ ý đến sự quan tâm ngày càng nhiều từ phía các công ty và thị trường đối với việc đảm bảo sự minh bạch liên quan đến các yếu tố môi trường và xã hội trong quá trình hoạt động của một tổ chức. Đây là một diễn biến tích cực và do đó, thông tin công bố cần được chuẩn hóa ở phạm vi toàn cầu.

GRI đã xây dựng nên nền tảng công bố thông tin phi tài chính và đang làm việc cùng các tổ chức sáng kiến có liên quan khác như Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế và Dự án Công bố các-bon để thúc đẩy sự minh bạch toàn cầu.

Tin bài liên quan