Theo TS. Trần Quí Thanh, trong kinh doanh, cạnh tranh là phải sòng phẳng, minh bạch. Lớn hay bé gì, ai mà có nội lực đều sẽ tự đi lên được mà không cần một sự hỗ trợ “đặc biệt” nào.
Phải để các doanh nghiệp tự đi lên, tự va vấp mới tự trưởng thành và cạnh tranh thành công với các doanh nghiệp nước ngoài được. Nếu nâng niu, ưu ái quá sẽ thành hại nhau. Như một em bé tập bò, tập đi, ngã, va vấp, rồi mới đi, chạy được trên đôi chân khỏe mạnh của mình.
Ông Thanh cũng cho rằng, cái mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cần từ các cơ quan nhà nước là xây dựng/cập nhật hoàn thiện khung pháp lý về xuất, nhập khẩu, về khung thuế, về sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tập đoàn trong nước và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Ðây là những vấn đề mà nhiều năm qua Nhà nước vẫn liên tục hoàn thiện.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hoàn thiện, có những vấn đề chưa triệt để dẫn tới việc một số doanh nghiệp nước ngoài có nhiều ưu ái qua việc đầu tư vào Việt Nam, về thuế, về xuất nhập khẩu, một bên là các doanh nghiệp trong nước dù có những đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước và xã hội, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Xây nền cho khát vọng doanh nghiệp trăm tuổi
Tân Hiệp Phát từng nêu quan điểm: “Con cừu có thể bị quản lý, nhưng con người phải được lãnh đạo dẫn dắt đi” và “Thành công trong kinh doanh phải xuất phát trực tiếp từ sự đổi mới, không phải từ việc xuôi theo các quy định”.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn sự khác biệt giữa vị trí công việc quản lý và lãnh đạo và Tập đoàn đang xây dựng những con người tiếp nối, để tiếp bước khát vọng phát triển 100 năm như thế nào?
Tôi luôn luôn đề cao sự đổi mới trong Tân Hiệp Phát, trong 7 giá trị cốt lỗi có câu: “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai” đó là tôn chỉ của chúng tôi với hàm ý là phải luôn luôn cải tiến để tiến về phía trước và tốt hơn những gì đã thực hiện.
Giấc mơ ra châu lục đồng nghĩa với việc cạnh tranh khốc liệt và Tân Hiệp Phát sẽ phải vượt qua mọi sóng gió đó thì mới giải quyết được bài toán “trăm năm”. Cho nên sự cải tiến, đổi mới với Tân Hiệp Phát mang ý nghĩa sống còn cho hoài bão của mình.
Ðể giải quyết được vấn đề đó, yếu tố quan trọng nhất là con người, trong đó vai trò của những nhà quản lý, lãnh đạo cực kỳ quan trọng. Chúng tôi cần những nhà lãnh đạo và những nhà quản lý đào tạo và quan tâm con người.
Người quản lý nghĩa là người lập kế hoạch, tổ chức, triển khai và đánh giá. Ðó là kỹ năng chuyên môn. Còn người lãnh đạo là người tạo ảnh hưởng, dẫn dắt định hướng, tầm nhìn trong ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi phân định hai ngạch này khác nhau.
Lúc đầu lãnh đạo và quản lý nghe có vẻ giống nhau, nhưng thật ra khác nhau. Hiểu rõ được vấn đề này, chúng ta sẽ có thể dễ dàng phát huy tốt chức năng của cả hai.
Ðể có những “sản phẩm” như vậy, chúng tôi đã hợp tác cùng với đối tác DDI (www.ddiworld.com) để triển khai đề án “Phát triển năng lực lãnh đạo Tân Hiệp Phát”. Tân Hiệp Phát cũng là công ty đầu tiên ở Việt Nam liên kết với đối tác DDI - Hoa Kỳ, công ty tư vấn có 50 năm kinh nghiệm xây dựng năng lực lãnh đạo.
Ðây là đề án này không chỉ cung cấp, cập nhật bộ năng lực lãnh đạo theo giai đoạn mới mà nó còn mang đến môi trường phát triển dành cho mọi cá nhân.
Ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi nhận định rõ ràng rằng, doanh nhân có tuổi thọ nhưng doanh nghiệp thì không. Ðể trở thành một doanh nghiệp trăm năm thì việc “trồng người” phải chuẩn bị ngay từ hôm nay.
Thế giới ngày càng biến đổi nhanh chóng và dường như ngày càng bất định, không có gì là vững bền. Vậy đâu là những giá trị cốt lõi mà một con người, một doanh nghiệp nên chọn lựa? Yếu tố văn hóa doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong sự phát triển của doanh nghiệp, theo ông?
Dưới góc nhìn và kinh nghiệm của tôi đã trải qua, giá trị cốt lõi chính yếu nhất mà một con người, một doanh nghiệp nên lựa chọn trong thế giới kinh doanh ngày càng biến đổi nhanh chóng và bất định như hiện nay là sự chính trực.
Với cá nhân, nếu bạn không chính trực, bạn sẽ không thể đối diện một cách thẳng thắn với bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, và như vậy bạn sẽ không làm được điều gì tốt đẹp cho bản thân, gia đình, chứ chưa nói đến xã hội.
Với doanh nghiệp, nếu không chính trực, bạn sẽ nhanh chóng bị tàn lụi bởi sự quay lưng của khách hàng, người tiêu dùng và các bộ máy chức năng của cơ quan kiểm tra pháp luật.
Về câu hỏi thứ hai, như quan điểm sống, triết lý sống của mỗi người thì yếu tố văn hóa doanh nghiệp cũng chính là quan điểm sống, triết lý sống của mỗi doanh nghiệp.
Bạn chưa có người tài, từ từ bạn sẽ kiếm được, bạn chưa có nguồn vốn đủ lớn, nếu bạn xây dựng được một môi trường làm việc với văn hóa rõ ràng, minh bạch, chính trực, bạn sẽ sớm tìm được sự tin cậy từ nhân viên, khách hàng, đối tác.
Nguồn vốn sẽ đến, người tài sẽ đến, tương lai doanh nghiệp bạn sẽ bền vững hơn.
Còn nếu không xây dựng được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp tốt thì sẽ không có một môi trường làm việc tốt, văn hóa và môi trường chính là “linh hồn và giá trị” của tổ chức.
Trong một thông điệp về quản trị nhân sự, Tân Hiệp Phát từng chia sẻ một quan niệm rất đẹp: “Mọi cá nhân đều có một giá trị đặc biệt để cống hiến” và Tập đoàn thúc đẩy mọi nhân sự suy nghĩ và hành động như người làm chủ. Phải chăng đây là một trong những bí quyết để các nhân sự Tân Hiệp Phát mở rộng không gian sáng tạo, phát huy hết năng lực của mình cho công việc?
Gọi là bí quyết thì nghe chừng có vẻ hơi lớn lao, có nhiều doanh nghiệp cũng có những chương trình nhân sự giống Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, chúng tôi chọn một số điểm khác biệt.
Dưới góc nhìn và kinh nghiệm của tôi đã trải qua, giá trị cốt lõi chính yếu nhất mà một con người, một doanh nghiệp nên lựa chọn trong thế giới kinh doanh ngày càng biến đổi nhanh chóng và bất định như hiện nay là sự chính trực.
Thứ nhất, tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi có một triết lý nhất quán và ngắn gọn là “đúng người, đúng việc”. Tuy nhiên, để thực sự “đúng” thì phải đúng năng lực cá nhân và đúng cả những giá trị cốt lõi của Công ty. Mọi nhân viên sẽ được đánh giá minh bạch dựa theo giá trị cốt lõi mà không có bất cứ ai, lãnh đạo nào có thể can thiệp được.
Việc có cùng sự hòa hợp giữa giá trị cá nhân và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp giúp mọi người dễ dàng hòa hợp với tổ chức. Mặt khác, tên công ty chúng tôi là Tân Hiệp Phát, nghĩa rằng đây là nơi để mọi người cùng hợp tác và phát triển.
“Người Tân Hiệp Phát” không phải là những người làm thuê, mỗi người khi tham gia vào Tân Hiệp Phát tự hào khi đóng góp trí tuệ, sáng tạo, năng lực trình độ vào thành công của Công ty hàng ngày.
Việc cùng hợp tác, làm chủ trong công việc dưới các giá trị cốt lõi chung sẽ được đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng và minh bạch.
Chính sự minh bạch, chính trực này cũng là động lực giúp các nhân viên yên tâm về nơi mình làm việc, nhìn thấy được sự công bằng trong mọi đánh giá, quyết định. Tinh thần sáng tạo của mỗi cá nhân sẽ xuất hiện và được khuyến khích từ nền tảng đó.
Bạn có thể hỏi bất cứ ai tại Tân Hiệp Phát, từ công nhân tại nhà máy đến các giám đốc khối, ai cũng được tạo điều kiện để phát triển công bằng, đều tự do đưa ra các ý kiến sáng tạo của mình để áp dụng vào công việc, cải tiến công nghệ, sản phẩm, phát huy hết năng lực của mình cho doanh nghiệp.
Và quy trình chúng tôi áp dụng gọi là CCCT (công cụ cải tiến) để tất cả các cá nhân có thể chỉ ra những điểm cải tiến kể cả cho cấp trên.
Trọng trách của người kế thừa vị trí CEO THP là phải xây dựng được lộ trình đưa THP phát triển bền vững, vươn ra thế giới với hàng trăm năm phát triển
Liên quan đến vị trí điều hành cao nhất Tập đoàn, nhiều người bất ngờ với thông điệp mới đây của Tân Hiệp Phát về việc mở cơ hội cho bất cứ ai có đủ khả năng và tầm nhìn phù hợp với sứ mệnh của Tân Hiệp Phát lên làm CEO. Xin ông chia sẻ rõ hơn những yêu cầu căn bản cho vị trí ứng viên CEO Tân Hiệp Phát?
Khả năng và tầm nhìn phù hợp với sứ mệnh của Tân Hiệp Phát chỉ là cách nói tóm tắt, chung chung. Cụ thể hơn, ứng viên phải thể hiện sự vượt trội hoàn toàn ở một số điểm sau:
1. Bạn có các giá trị cá nhân phù hợp với các giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát hay không? Cụ thể, 7 giá trị cốt lõi gồm: “Thỏa mãn khách hàng”; “Chất lượng chuẩn quốc tế”; “Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”; “Không gì là không thể”; “Làm chủ công việc”; “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai” và “Chính trực”.
Sự phù hợp hay không phù hợp này là tối quan trọng. Nếu không có sự tương đồng thì bạn không thể điều hành Tân Hiệp Phát, bởi bộ giá trị cốt lõi này là xương sống, là kim chỉ nam cho toàn bộ mọi hoạt động trong hiện tại cũng như tương lai của Tập đoàn. Ðây là điều kiện cần.
Ðiều kiện đủ là thể hiện sự vượt trội trong năng lực lãnh đạo, tầm nhìn, sự nhiệt huyết, dám làm dám chịu trách nhiệm gắn kết mọi thành viên Tân Hiệp Phát và đối tác và truyền cảm hứng cho mọi người tiến tới để đạt được mục tiêu phát triển khách hàng và lấy khách hàng làm trọng tâm.
Tôi cũng nhấn mạnh thêm, ứng viên cho vị trí CEO còn nhất định phải có thêm những năng lực đặc biệt khác mà không phải ai cũng có được và cũng không dễ mô tả như giác quan thứ 6 về kinh doanh, năng lực phán đoán tương lai và nhìn ra những điều không ai thấy để khám phá ra những nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng.
Dư luận vẫn hiểu rằng, người kế nhiệm Dr. Thanh dẫn dắt con thuyền Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn là doanh nhân Trần Uyên Phương. Liệu Tân Hiệp Phát có thực sự mở cơ hội cho mọi ứng viên không và nếu có thì các ứng viên có phải cạnh tranh nhau không, thưa ông?
Ðây không phải là lần duy nhất, và có lẽ cũng không phải lần cuối cùng tôi đề cập tới vấn đề này.
Tôi xin khẳng định, hiện nay, Tân Hiệp Phát đang trong giai đoạn chuyển giao và kế thừa, tuy nhiên, vị trí CEO vẫn do tôi nắm giữ và chưa chính thức giao cho ai cả.
Trọng trách của tôi là phải chọn đúng người sẽ trở thành CEO của Tân Hiệp Phát và trao lại trọng trách này cho người có các giá trị phù hợp và năng lực vượt trội.
Tôi chỉ nỗ lực hướng dẫn, chuẩn bị những kiến thức, kinh nghiệm thương trường tốt nhất cho các con tôi trong nhiều năm qua.
Tôi hy vọng các con tôi sẽ làm việc cật lực để đạt được điều đó thay vì mặc nhiên cho rằng chúng sẽ được trao quyền. Bởi kế thừa một doanh nghiệp không phải là một đặc lợi, mà là một trọng trách.
Trọng trách của người kế thừa vị trí CEO là phải xây dựng được lộ trình đưa Tân Hiệp Phát phát triển bền vững, vươn ra thế giới mạnh mẽ hơn nữa với hàng trăm năm phát triển.
Tại THP, chúng tôi có chung một quan điểm quản trị rõ ràng là “đúng người, đúng việc”, nếu các con tôi không có năng lực như người khác thì chúng không cần phải làm CEO.
Chuyện này không có gì là to tát mà còn là tốt cho Tân Hiệp Phát và tốt hơn cho cuộc sống của con tôi. Do đó, cơ hội tôi đang để mở với tất cả mọi người, mọi ứng viên.
Về việc các ứng viên có phải cạnh tranh nhau không? Ðiều này hiển nhiên là có, cạnh tranh mới tạo động lực để tiến lên, để phát triển, để đi xa hơn nữa.
Môi trường không có cạnh tranh thì chỉ có sự trì trệ và đi xuống. Tân Hiệp Phát đặt ra tầm nhìn trường tồn, phát triển hàng trăm năm thì sự cạnh tranh càng lớn.
Nếu bạn không đủ sức - lực làm CEO thì người khác sẽ “ngồi” vị trí đó, tất cả vì tập thể, vì Tân Hiệp Phát. Và ở Tân Hiệp Phát, mỗi vị trí đều quan trọng, nếu không quan trọng thì đương nhiên vị trí đó không tồn tại.
Trong quan niệm của ông, hạnh phúc sẽ tạo nên thành công hay thành công sẽ tạo nên hạnh phúc?
Tôi không suy nghĩ thành công có trước hay hạnh phúc có trước, cái gì tạo ra cái gì. Mà tôi luôn nghĩ thành công - hạnh phúc là hai mặt của một cuộc đời, cuộc sống. Tôi hạnh phúc vì tôi đang nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để vươn tới thành công như mong muốn.
Tôi hạnh phúc vì sự thành công hiện thời của tôi bây giờ đã, đang và sẽ giúp đỡ cho hơn 4.000 công nhân viên, cho đối tác, cho khách hàng, cho các nhà cung cấp, cho người tiêu dùng và cho cả cộng đồng xã hội. Hạnh phúc là trải nghiệm trên con đường đi đến thành công.