Để hiểu thêm về thành viên mới TVC, ĐTCK xin giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch TVC Phạm Thanh Tùng, với thông điệp: “Hãy đặt niềm tin vào tôi và HĐQT Trí Việt”
“Công ty Quản lý đầu tư Trí Việt có thể là một cái tên mới, nhưng ‘khái niệm’ Trí Việt thì đã thân quen trên TTCK Việt Nam.
Năm 2007, tôi thành lập CTCP Tư vấn và đầu tư Trí Việt, đầu năm 2010, tôi và một số đối tác tiến hành thâu tóm CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Trí Việt.
Trong quá trình quản trị và gặp cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng tôi nhận ra rằng, hoạt động quản trị doanh nghiệp của các DN Việt Nam còn thiếu và yếu, ở trên cả khía cạnh quản trị truyền thống và khía cạnh chứng khoán hóa.
Kết hợp với nhận định về phân bổ tài sản rằng các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng không đem lại nhiều giá trị gia tăng, chúng tôi quyết định sẽ quản lý tài sản của khách hàng, cổ đông bằng hoạt động quản lý đầu tư, quản trị doanh nghiệp và phải có một phương thức để ‘quản trị giá trị doanh nghiệp’.
Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng (trái) trao quyết định niêm yết cho Chủ tịch HĐQT TVC Phạm Thanh Tùng (phải)
Công thức ‘quản trị giá trị doanh nghiệp’ Trí Việt ra đời từ đó, được xây dựng dựa trên nền tảng và đặc thù của HĐQT và cổ đông lớn.
Thực ra, khái niệm ‘quản trị giá trị doanh nghiệp’ chỉ là mới đối với các DN có quy mô vốn và vốn hóa vừa và nhỏ. Ở tầm vĩ mô, UBCK đang tích cực thực hiện “quản trị giá trị TTCK” thông qua các tiêu chí như vốn hóa thị trường, thanh khoản hoặc các hoạt động nâng cao tiêu chuẩn về minh bạch, quảng bá hình ảnh, sản phẩm ra nước ngoài. TTCK Việt Nam đã thành công vượt trội so với các TTCK trong khu vực sau 14 năm cùng phát triển.
Vậy TVC thực hiện ‘quản trị giá trị doanh nghiệp’ như thế nào?
Chúng tôi không có phát minh vĩ đại nào cả, chúng tôi chỉ đơn giản là kết hợp nhuần nhuyễn những gì mà thế giới đã làm, chúng tôi được học tập ở nước ngoài, mang về áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Những gì mà TVC đã, đang và sẽ làm là: cung cấp các dịch vụ nâng cao quản lý, quản trị DN, các dịch vụ về công bố thông tin để truyền tải minh bạch và rõ nét về các ‘sản phẩm chứng khoán’ tới thị trường, các dịch vụ về quan hệ cổ đông và nghiên cứu.
Thông qua đó, TVC nắm rõ hơn về nhu cầu của DN, những điểm hạn chế của DN. Và nếu DN tìm được tiếng nói chung với TVC, TVC sẽ hỗ trợ DN về vốn, về quản lý quản trị, về các sản phẩm tài chính, về các cơ hội kinh doanh và các mối quan hệ và về đối tác chiến lược nước ngoài.
Chúng tôi sẽ ‘làm đẹp’ DN và tiến hành ‘công bố thông tin’ ra thế giới, trước mắt là Vương quốc Anh, nơi có nhiều định chế tài chính đang ‘đói’ thông tin về TTCK Việt Nam, đặc biệt là về DN Việt Nam.
Đội ngũ nhân sự TVC có thể trẻ về tuổi đời, nhưng đầy sự trải nghiệm
Cách TVC ‘quản trị giá trị doanh nghiệp’ của mình tương tự như vậy. Chúng tôi tập trung vào hoạt động quản trị và phát triển kinh doanh chính với kế hoạch EPS của CTCK Trí Việt đạt 2.000 đồng/năm, hoạt động đầu tư truyền thống EPS 1.000 - 1.500 đồng/năm.
Như vậy, TVC có EPS dự kiến 3.000 – 3.500 đồng/năm, chưa tính đến nguồn thu từ các hoạt động ‘quản trị giá trị doanh nghiệp’. Chúng tôi quan tâm tới việc quản trị giá trị ‘chứng khoán hóa’ của DN và lưu ý với NĐT rằng, P/E của các DN cùng ngành (SHS, KLS…) hiện đang là 15 lần.
Chúng tôi sẽ phát hành trái phiếu ra công chúng và hy vọng tương lai sẽ phát hành thành công trái phiếu cho các DN đối tác khác. Tuy nhiên, chúng tôi rất thận trọng và kiên nhẫn. Chúng tôi tin tưởng rằng, thị trường trái phiếu DN sẽ phát triển và tham vọng 5 - 10 năm nữa tạo lập được đường cong trái phiếu TVC.
Chúng tôi chưa bắt đầu, nhưng sẽ tìm đối tác chiến lược, là những định chế tài chính nước ngoài, họ sẽ sở hữu cổ phiếu TVC vì TVC kinh doanh hiệu quả, nhưng quan trọng hơn là TVC sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội đầu tư hiệu quả vào Việt Nam.
Trước mắt là cơ hội thành cổ đông chiến lược của CTCK Trí Việt. Chúng tôi quan tâm tới việc mang lại giá trị cho cổ đông và tích hợp thêm các cổ đông mới.
Các cổ đông lớn hiện tại đều thống nhất rằng, thời điểm phù hợp để tăng trưởng bứt phá là vào giữa chu kỳ phục hồi kinh tế, năm 2017 - 2018.
Thời điểm đó, chúng tôi tin tưởng rằng, sẽ có rất nhiều định chế tài chính nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của TVC và sẵn sàng tham gia TVC với giá cao, nhưng chấp nhận được.
Cuối cùng, chúng tôi khuyến khích các NĐT dài hạn, các quỹ đầu tư và các định chế tài chính hơn là việc đầu tư lướt sóng. Gía cổ phiếu TVC chắc sẽ có biến động cùng nhịp với thị trường, nhưng tôi hy vọng, việc đầu tư vào TVC là đầu tư dài hạn vào một chiến lược dài hơi, được vạch ra và thực hiện bởi một HĐQT căng tràn sức sống, đủ ‘già’ để chín chắn, đủ kinh nghiệm sau cơn khủng hoảng kinh tế và đặc biệt là còn một dư địa tương lai rộng mở ở phía trước.
Chúng tôi trân trọng mời các NĐT tham gia vào TVC. Hãy đặt niềm tin vào tôi và HĐQT của TVC”.