Cùng với việc đánh giá cao khả năng của Việt Nam trong đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân trong nước và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, các định chế quốc tế như World Bank, IMF, ADB… cũng nhận định, năm 2020, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đạt mức độ tăng trưởng ở Top đầu châu Á.
Trong dòng chảy đó, thị trường bất động sản Việt Nam “hậu Covid-19” được nhận định sẽ nhanh chóng sôi động trở lại. Trong đó, nổi bật là bất động sản công nghiệp với vị thế là điểm đến đầu tư ngoài Trung Quốc. Cùng với đó, các phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, chung cư, đất nền - biệt thự… được kỳ vọng sẽ xuất hiện sức cầu lớn từ nhu cầu sở hữu “căn nhà thứ hai” của người nước ngoài, Việt kiều tại một quốc gia an toàn như Việt Nam.
Nhu cầu và nguồn cung nội địa dự báo cũng tăng khi các cơ chế, chính sách như Nghị định 20, Nghị định 25… vừa được sửa đổi theo hướng cởi bỏ những nút thắt lớn cho ngành bất động sản.
Tất nhiên, sẽ là lạc quan tếu nếu nói rằng thị trường đang đầy ắp tiềm năng, khi dịch bệnh mới tạm thời lắng xuống, nhưng cũng sẽ là quá cực đoan nếu cho rằng thị trường đang đóng băng. Và có lẽ, câu nói “trong nguy có cơ” vẫn luôn đúng. Bởi để nhận biết cơ hội, đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ ở tâm thế sẵn sàng hành động, chuẩn bị chu đáo, mà cả một giác quan tinh nhạy, vì đôi khi, cơ hội có cách gõ cửa rất nhẹ nhàng.
Giờ, khó kiếm tiền từ bất động sản hơn trước, hay nói nói cách khác là ngắn hạn sẽ khó có sóng to, nhưng dù vậy, vẫn có cơ hội. Dịch bệnh được kiểm soát cũng là lúc các doanh nghiệp có thể triển khai trở lại các hoạt động truyền thông, marketing và sự kiện để đưa sản phẩm trở lại thị trường.
Covid-19 ập đến một cách đầy bất ngờ, giáng một đòn mạnh vào thị trường, nhưng nó cũng là một liều thuốc thử hạng nặng, đo khám sức khỏe và khả năng tự vệ, ứng phó của các doanh nghiệp ngành địa ốc - nhóm doanh nghiệp vốn luôn rất nhạy cảm với các diễn biến của nền kinh tế, chính sách điều hành…
Có thời, các sàn giao dịch địa ốc mọc lên như nấm sau mưa. Và rồi, vừa qua đã có tới khoảng 800/1.000 sàn phải đóng cửa. Cuộc sàng lọc nghiệt ngã này, trong mắt nhìn của người làm nghề phân phối thật ra lại… rất bình thường.
Đại diện một doanh nghiệp môi giới cho biết, việc các sàn nhỏ lẻ phải đóng cửa cho thấy khả năng đề kháng yếu khi nhiều sàn được lập nên chỉ bởi các môi giới sau vài năm làm nghề vội vã đứng ra “ở riêng”, lập sàn kiếm hàng, bán hàng bằng mọi giá, thậm chí kể cả việc dẫn dụ khách hàng vào các dự án không an toàn về pháp lý, dự án ma.
Và một điều khá thú vị là khi nhiều sàn môi giới phải đóng cửa thì vẫn có doanh nghiệp liên tiếp mở văn phòng, chi nhánh. “Chúng tôi có thể thuê mặt bằng với giá rẻ hơn, tuyển nhân sự chất lượng dễ hơn và đặc biệt, khi nhiều sàn phải đóng cửa, thì chúng tôi có thể nhận được nhiều bảng hàng với tỷ lệ chiết khấu lớn hơn”, đại diện một doanh nghiệp chuyên phân phối, phát triển dự án chia sẻ.
Không chỉ bất động sản công nghiệp với xu hướng Trung Quốc + 1, phân khúc nhà ở vẫn có nhu cầu lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân số thành thị là 33.122.548 người, chiếm 34,4% tổng dân số cả nước và tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009 - 2019 là 2,64%/năm. Với mức tăng như vậy, chỉ riêng thị trường căn hộ chung cư đã rất tiềm năng.
Với phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, dù không thể phủ nhận vai trò của trên 18 triệu lượt khách quốc tế (số liệu năm 2019), nhưng cũng cần biết rằng, ngành du lịch Việt Nam cũng đang sống rất khỏe từ nguồn khách nội địa (85 triệu lượt khách - năm 2019). Đây chính là bảo chứng cho niềm tin của các thành viên thị trường với phân khúc bất động sản đặc thù này.
Tin vào thị trường, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, nhu cầu du lịch trong nước phụ thuộc lớn vào khả năng đối phó với dịch bệnh của Chính phủ. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch nội địa sẽ là thị trường đầu tiên phục hồi trở lại.
Cơ hội luôn có, nhưng chỉ ai nhận ra nó, dám nắm bắt và hành động thì mới thành công. Bởi như Oprah Winfrey từng nói: “Mỗi ngày lại mang đến cho bạn một cơ hội mới để hít thở, cởi giày và khiêu vũ”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com