TTCK phản ánh hoạt động kinh tế của một quốc gia. Nhìn vào đó, người ta có thể đoán được tình hình kinh tế và một phần niềm tin của NĐT. Ở các nước phát triển, TTCK phản ánh tương đối chính xác diễn biến của nền kinh tế. Tại Mỹ, Dow Jones có phiên mất điểm kỷ lục 250 điểm (-2,5%) trong ngày 30/10, còn 9.712,73 điểm, do thông tin thất nghiệp đứng ở mức 10,2% so với mức 9,8% ở quý trước, làm cho giới đầu tư hoảng sợ. Nhưng vài ngày sau, chỉ số này đã lấy lại nhiều hơn những gì đã mất, hiện đạt trên 10.400 điểm.
Tỷ lệ thất nghiệp cao là đương nhiên, khi mà các doanh nghiệp Mỹ đang tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi phí. Nhưng các biện pháp kích thích kinh tế đã cân bằng phần nào con số lao động bị sa thải. Tăng trưởng GDP quý III của Mỹ đạt 3,5% (mới đây điều chỉnh lại do khấu trừ linh kiện nhập khẩu là 2,8%) cho thấy bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn và tiếp tục được cải thiện trong quý IV và năm 2010. Chắc chắn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.
Lý thuyết và thực tế cho thấy, khi chính phủ áp dụng biện pháp nới lỏng kinh tế, GDP sẽ tăng, thất nghiệp giảm, nhưng lạm phát sẽ tăng. Tuy nhiên, về dài hạn, chính phủ sẽ thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) làm khá tốt điều này nhờ vào nghiệp vụ thị trường mở, các công cụ điều chỉnh như lãi suất, dự trữ bắt buộc… Tất cả đều được tiến hành nhịp nhàng, đồng bộ và nhanh chóng. Đó là lý do tại sao hệ thống tài chính của Mỹ đã thoát khỏi tai họa sụp đổ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ví dụ sự kiện 11/9 và đợt khủng hoảng mùa thu năm ngoái, khi mà cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, quét sạch và làm lung lay nhiều ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn.
Mấy ngày qua, tôi thật sự không hiểu lý do mọi người phải bán tháo cổ phiếu của mình. Hầu hết các nền kinh trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đều đã lấy lại đà tăng trưởng. Động thái nâng lãi suất gần đây của Chính phủ Úc cho thấy nước này cũng đã thoát khỏi suy thoái và muốn kiềm chế lạm phát. Chính phủ Việt Nam cũng có bước đi tương tự. Tôi tin rằng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước muốn kiềm chế lạm phát khi quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ. Với thực trạng lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, tăng lãi suất cơ bản thêm 1% là không đáng kể và chưa thể hiện thắt chặt tín dụng. Còn việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấm bán trước chứng khoán ngày T+4, đó là tin vui, vì NĐT cá nhân và các "đại gia" sẽ bình đẳng trong giao dịch, các "đại gia" không có cơ hội để xả hàng trước. Do đó, việc bán tháo cổ phiếu lúc này là "làm mồi" cho "đại gia" và NĐT nước ngoài. Việc mua ròng liên tục trên 10 phiên của NĐT nước ngoài đã chứng minh điều đó.
Để TTCK phát triển lành mạnh, tôi cho rằng, các CTCK cần trung thực và đặt lợi ích chung lên trên khi tư vấn cho NĐT. Các chuyên gia khi nhận định thị trường cần công tâm và trung thực, nên tham khảo nhiều nguồn thông tin, tránh đưa ra những nhận định chủ quan, thái quá, gây ảnh hưởng đến tâm lý NĐT. Đặc biệt, đối với chính sách, không nên nhận xét thiếu khách quan hay vội vàng đánh giá. Thực tế, đã có nhiều dự báo, đánh giá sai dẫn đến tác động tiêu cực cho thị trường.