Ông Huy Nam, Chuyên gia kinh tế tài chính chứng khoán
Mong đợi của tôi có thể rộng hơn, tuy nhiên, ở đây chỉ xin đề cập đến điều rất cụ thể, dễ bị cho là nhỏ nhưng sát sườn mà bất cứ ai khi mở hầu bao mua cổ phiếu cũng sẽ lập tức nghĩ tới: thu nhập. Tôi ở đây là tôi, là chúng tôi, là nhà đầu tư, là đại chúng...
Tôi được biết, đầu tư chứng khoán là đầu tư tài chính. Có thể nói hoạt động đầu tư tài chính đã có từ năm 1990 khi Luật Công ty cho phép các doanh nghiệp cổ phần thành lập và gọi vốn rộng rãi (chứ không đợi đến năm 2000 khi TTCK mở ra mới có).
Là những cá nhân có ít tiền dành dụm muốn sinh lợi, rất nhiều chúng tôi đã hưởng ứng góp vốn mua cổ phần tại nhiều công ty, với niềm tin rằng, một khi các doanh nghiệp đã được cho phép huy động vốn từ dân chúng, đã cầm tiền của chúng tôi thì họ sẽ có trách nhiệm... Nhưng không, chúng tôi có thể đã bị nhầm...
Đầu tư tài chính mà là tại các công ty dưới sàn, trong điều kiện không minh bạch, không thanh khoản, với tư cách thiểu số và đứng ngoài, thì nguy cơ bị hy sinh quyền lợi rất cao.
Do có tiền của chúng tôi quá dễ, nhiều công ty đã vung tay liều lĩnh, quên mất “nghĩa vụ” đáp lại. Thực tế, không ít nơi gần chục năm không trả một đồng cổ tức, có nơi đầu năm nói có, cuối năm không, đỡ hơn thì trả bằng “giấy” hay khất nợ dài.
Trong khi đó, chẳng phải tiền chúng tôi góp vào đã không được “đầu tư” văn phòng to, xe sang trọng, chỗ làm việc tiện nghi, bộ máy đồ sộ, được bọc lót đi vay, phiêu lưu mở rộng, hoành tráng phát triển... để có “hiệu quả” là sự phình to tài sản, teo tóp vốn riêng và ngấm bệnh. Điệp khúc “khó khăn, không thuận lợi, khách quan”... do vậy cứ đúng hẹn lại lên, lặp đi lặp lại trên các báo cáo nhiều năm, ngắn cũng một nhiệm kỳ, dài có thể hai hay hơn. Chưa bao giờ chúng tôi nghe... thuận lợi.
Vài năm gần đây khi khó khăn chung thực sự xảy ra, bệnh “béo phì tài sản” đã phát lộ lâm sàng. Đòn bảy tài chính trở thành những cái bẫy lăm le đánh sập công ty, lãi mẹ đẻ lãi con như “ung thư” gặm cụt vốn. Cứ nghĩ đây là chuyện trời mưa đất chịu, thua lỗ thì ai cũng thiệt như ai. Nhưng không, kẻ chịu thiệt nhất là chúng tôi.
Nhiều quý vị tại công ty có thể ung dung chứ không mấy thiệt. Tại sao ư? Với các sếp và chủ lớn, nhiều vị đã thu lợi ‘nhiều chấm’ từ lúc bán cho chúng tôi, đặc biệt là vào những năm từ 2005 - 2007. Họ còn có thể đã ‘bán năm mua lại một’, có nhiều cách lợi sớm ở sân sau, phí hậu...
Không hiệu quả và lỗ kéo dài mà cứ đổ cho khó khăn khách quan là khó tin. Chúng tôi biết nhưng do là thiểu số thấp cổ bé miệng, nên chẳng làm gì được. Lại không dám la to, bấm bụng tìm cách thoát thân nhưng không dễ hoặc gần như không thể.
Đây là một thực tế buồn đã gặm nhấm sự kiên nhẫn của chúng tôi. Nếu ai đã rơi vào tình trạng như chúng tôi chắc sẽ hiểu và dễ cảm thông.
Ở đây có thể nói tôi dại thì chịu, nhưng đó chỉ là một lẽ. Lẽ khác là ít thấy ai xót hay chia sẻ với cái dại lỡ tin của chúng tôi. Khác nữa là cách xử tệ của nhiều doanh nghiệp, là môi trường luật lệ và sự lỏng lẻo quản lý, giám sát kéo dài.
Những ‘cạm bẫy’ như vậy nếu đã ‘huy động’ được khá tiền chúng tôi trong một thời gian không dài, thì kể từ 2009 đến nay lại khó cám dỗ được ai. Nhiều doanh nghiệp vừa qua đói vốn là điều chẳng lạ. Khi giấc mơ ‘nuôi béo’ dưới sàn không còn, chúng tôi đã hiểu ra rằng đầu tư tài chính mà với anh nội bộ, hoặc đại chúng hình thức/phe ta là sai lầm.
Những nơi đó khi bỏ tiền thì cần đi liền thế đứng, phải sừng sỏ “đối nhân” mới an tâm. Ít ra là lúc chưa thể cầu cứu luật trong, lệ ngoài.
Đây như sự tự nhủ để giữ mình, là lời tôi khuyên tôi. Tại sao? Bởi đáng ra, hàng chục ngàn công ty dưới sàn lâu nay không nên cho phép được đụng đến đồng vốn đầu tư tài chính của đại chúng mới phải. Bởi nghiêm luật tại các nước họ làm như vậy: hễ huy động đại chúng (IPO) là phải niêm yết.
Không đâu xa, ngay tại Việt Nam trước 1975, khi chưa có TTCK, các CTCP nội bộ dù được gọi là “vô danh”, hiểu theo cách của Pháp là SARL (société anonyme à responsabilité limitée), vẫn không được huy động vốn rộng và cổ phần ở đó chỉ được chuyển nhượng nội bộ. Điều này giúp tránh lầm lẫn cho đại chúng.
Thế nhưng, không riêng các anh dưới sàn, tình trạng như vậy cũng không phải đã hết với các anh niêm yết trên sàn. Trên sàn, nếu có ai quá thiên đánh đấm để cho rằng ‘đầu tư chứng khoán ai lại đòi cổ tức’ lại là nói ẩu. Sao lại không đòi? Không đòi có thể chỉ là cách của một số quý ông bà ‘chơi’ chứng khoán vào một lúc (hay khúc) nào đó thôi. Chứ sau cái thời lên bờ xuống ruộng, nay họ cũng đã biết cái ‘cõi thực’ cổ tức nó quan trọng và cần thiết thế nào.
Vả lại, thị trường cũng sẽ rất cần nhiều nhà đầu tư giá trị để có tính bền và hạn chế các diễn biến thái cực. Cổ tức đối với họ là cơm gạo. Hơn nữa, với nhiều doanh nghiệp có ngành nghề đặc thù như tiện ích (dạng thu nhập) thì làm gì có điều kiện hớt giá lên?
Ai đầu tư vào cổ phiếu dạng thu nhập như vậy cũng sẽ luôn cần cổ tức định kỳ. Tóm lại, cổ tức vừa là khoản thu nhập quan trọng của người đầu tư, vừa là chỉ số đánh giá hiệu quả và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp (chỉ số current dividend yield), nên chẳng có ai chê.
Cũng liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư, nhiều cách thực hành có thể làm teo tóp nguồn thu nhập từ cổ phiếu. Cụ thể, việc sử dụng lợi nhuận (là nguồn tiền chia cổ tức) để mua cổ phiếu quỹ. Thậm chí đó là lợi nhuận chưa được xác định. Chỗ lỏng lẻo này rất dễ kéo theo các hành xử bất minh, gây thiệt hại trực tiếp cho chúng tôi.
Việc lấy nguồn chia cổ tức này mua cổ phiếu quỹ là xem như khai tử khoản này. Do khi bán lại cổ phiếu quỹ (với bất cứ hình thức nào) khoản này cũng sẽ thành vốn góp. Trong khi đó, việc lấy ý kiến biểu quyết thông qua lại không phải là tăng vốn, mà là giảm vốn, mới lạ! Nếu nói rằng đây là việc để sau này chia cổ tức bằng cổ phiếu thì lý giải thế nào về nguồn tài trợ?
Mặt khác, ai đảm bảo cổ phiếu quỹ không thiệt hại khi mua cao bán thấp? Lấy gì làm tin cổ phiếu quỹ sẽ không bị “xử lý nội bộ” (thưởng hay bán rẻ) một cách thiếu công minh? Không quơ đũa cả nắm, tuy nhiên, những sự việc như vậy cho dù gọi là ‘được đại hội đồng cổ đông thông qua’ thực chất là sự định đoạt của số ít cổ đông nắm quyền chi phối.
“Tự bạch” của những tôi ở đây có thể xem như những trăn trở cho môi trường đầu tư chung vậy. Tuy xoay quanh mối quan hệ rất vi mô, tựa những que diêm, nhưng nền tảng, giữa doanh nghiệp và chúng tôi - là nhà đầu tư, khách đầu tư, nhà đầu cơ và đại chúng - bất kể là trên hay dưới sàn. Môi trường ấy cần được nhìn nhận đúng mực, cần có sự chăm chút nhặt từng hạt sạn và bịt các lỗ hổng.
Bởi những điều tiếng “vàng thau” ở nguồn cung có thể làm cho bữa tiệc đầu tư vắng khách. Các lỗ hổng (dù nhỏ) trong môi trường giao dịch niềm tin cũng không thể xem thường. Việc nhặt sạn, bít lỗ hổng lại không nên chỉ thấy đâu làm đó, mà sẽ cần bao quát, hệ thống, với chút tỉ mỉ công phu trong phối hợp. Bởi TTCK sẽ khó được thắp sáng trong điều kiện nguồn nhiên liệu thiếu và yếu. Hãy bắt đầu từ những que diêm...