Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi về dịch bệnh chờ “mở cửa”

Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi về dịch bệnh chờ “mở cửa”

“Hậu trường” bán bảo hiểm dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong năm 2021, do vẫn chờ quy định mới thay thế Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo hiểm Covid nên các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn vừa bán, vừa nghe ngóng.

Thấp thỏm bảo hiểm Covid…

Theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không được phép giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để tránh các rủi ro tiềm ẩn. Ngay sau đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước khi có chỉ thị, sự xuất hiện của Covid-19 khiến bảo hiểm chưa khi nào trở nên “hot” đến vậy, các sản phẩm bảo hiểm mang tên Corona được bán ngập tràn, nhiều doanh nghiệp xem đây như là quà dành tặng khách hàng, cán bộ, nhân viên. Đơn cử, MSB có chương trình tặng bảo hiểm Corona cho khách hàng mở thẻ tín dụng, vay vốn; HDBank mua bảo hiểm Corona Guard cho cán bộ, nhân viên ngân hàng; SHB tặng 100% phí bảo hiểm năm đầu Gói bảo hiểm nCoV Shield của BSH…

Tuy nhiên, khi Chỉ thị 16 được đưa ra, nhiều công ty bảo hiểm đang triển khai dở hoặc vừa ra sản phẩm mới về Covid đều dừng triển khai sản phẩm này, chờ ngày có chỉ đạo mới. Hiện tại, một số công ty bảo hiểm đã bổ sung quyền lợi bảo hiểm có liên quan đến dịch bệnh trên nền sản phẩm bảo hiểm cũ, có công ty thì chuẩn bị sẵn các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi về dịch bệnh, chỉ chờ được phép là “tung hàng” ra thị trường.

Còn nhớ, quảng cáo ra mắt sản phẩm “VBI - vì cộng đồng” của Bảo hiểm VietinBank (VBI) được cho là có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 16 bởi bao gồm cả quyền lợi rủi ro liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Trả lời phóng viên lúc đó, VBI lập luận rằng, Công ty không quảng cáo bất kỳ thông tin nào liên quan đến bệnh Covid-19, mà chỉ đề cập đây là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khách hàng nên tham gia trong mùa dịch do có quyền lợi và chi phí phù hợp, như vậy không vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại diện nhà bảo hiểm này, “VBI - vì cộng đồng” là chương trình bảo hiểm sức khỏe thông thường của VBI, được áp dụng theo Quy tắc Bảo hiểm sức khỏe VBIcare đã được ban hành và triển khai bán từ tháng 3/2012. Theo quy định của Bộ Tài chính, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ban hành trước 1/10/2012 không phải tiến hành đăng ký phê chuẩn, các công ty bảo hiểm được phép lưu hành và triển khai bán theo đúng quy định pháp luật về bảo hiểm.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đã bán cho Vincomerce gói bảo hiểm “Khỏe mạnh trong mùa dịch” để tặng cho khách hàng của VinMart. Theo đó, sau 72h kể từ khi hợp đồng hiệu lực, nếu khách hàng vô tình nhiễm Covid thì vẫn được MIC bảo hiểm chi trả quyền lợi sức khoẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, gói bảo hiểm này sớm dừng lại.

… và những lùm xùm

Tại khối nhân thọ, hàng loạt công ty bảo hiểm như Prudential, Manulife, Generali, AIA, Sunlife, BIDV Metlife, Cathay... cũng tung ra các chương trình hỗ trợ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh Covid-19 vừa để kích cầu bán hàng, vừa chia sẻ với khách hàng gặp khó khăn do dịch.

Với động thái này, đội ngũ kinh doanh của các công ty bảo hiểm đã dễ bán hàng hơn. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, họ đã chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho các khách hàng và đại lý không may bị nhiễm Covid-19, nhưng trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng nhận được hỗ trợ.

Đáng chú ý, những khách hàng không được hỗ trợ theo cam kết bày tỏ thái độ không hài lòng và phản ánh lên các cơ quan quản lý cũng như báo đài. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc không được công ty bảo hiểm hỗ trợ theo cam kết của Chương trình hỗ trợ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Theo những khách hàng này, họ mua bảo hiểm từ nhiều kênh, từ trực tiếp tại công ty bảo hiểm đến thông qua các đại lý cá nhân, tổ chức, nhưng không được thông báo chi tiết về chương trình hỗ trợ này, nên sau đó tuy nhiễm Covid nhưng không được hỗ trợ (vì đã hết thời hạn hỗ trợ).

Giải thích lý do, có nhà bảo hiểm cho hay, trong hồ sơ yêu cầu hỗ trợ của khách hàng chỉ có giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú do trạm y tế phường cấp, không phải giấy ra viện do bệnh viện cấp, hoặc kết quả test PCR và mã số bệnh nhân, nên không đáp ứng các tiêu chí để nhận hỗ trợ. Còn khách hàng cho biết, do bị cách ly tại nhà nên không thể có mã bệnh nhân và không được di chuyển ra bệnh viện/trạm y tế test PCR nên cũng bị công ty bảo hiểm từ chối hỗ trợ.

Một nhóm khách hàng sau khi bị từ chối hỗ trợ đã đòi hủy hợp đồng bảo hiểm, sau đó được phía công ty bảo hiểm xoa dịu bằng một vài món quà nhỏ và được đại lý bảo hiểm “trấn an” rằng: “Nếu hủy lúc này thì sẽ mất gần hết số tiền đã đóng vì tổng các loại phí liên quan đến hợp đồng năm đầu khá cao”. Khách hàng vì lo mất tiền nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Kỳ vọng 2022 sẽ trôi chảy

Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã giảm bớt điều khoản đối với những trường hợp khách hàng mua bảo hiểm không may nhiễm Covid, cụ thể là trước đây nếu ai mắc Covid thì phải qua 6 tháng mới được xem xét bảo hiểm, thì bây giờ chỉ cần 1 tháng. Vì thế, nếu đại lý bảo hiểm tư vấn tốt sẽ thúc đẩy doanh số bán bảo hiểm trong năm 2022 này.

Đơn cử, tại Hanwha Life, sau 1 tháng kể từ ngày test kháng nguyên Covid-19 cho kết quả âm tính lần cuối, nhà bảo hiểm này sẽ cân nhắc nhận bảo hiểm cho các quyền lợi cơ bản, tạm hoãn đối với các sản phẩm bảo hiểm bổ sung để theo dõi thêm. Ngoài ra, sau 3 tháng kể từ ngày test âm tính lần cuối, xem xét nhận tất cả các quyền lợi tùy tình trạng sức khỏe/di chứng/biến chứng của bệnh lý.

Tại Cathay, thời hạn 1 tháng được tính kể từ thời điểm F0 điều trị khỏi bệnh mới tham gia được bảo hiểm. Với Sunlife, thời hạn 1 tháng được tính từ ngày xuất viện hoặc ngày hoàn tất cách ly, áp dụng thời hạn 3 tháng nếu khách hàng có các bệnh lý nền như béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường…

Có doanh nghiệp bảo hiểm còn không bắt buộc khách hàng chụp X quang phổi khi nộp yêu cầu bảo hiểm như Sunlife, Hanwha Life… Trong trường hợp cần thiết, công ty bảo hiểm sẽ ra thư mời khách hàng bổ sung thông tin hoặc kiểm tra y tế.

Bên cạnh đó, để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và hỗ trợ xử lý nhanh chóng các yêu cầu chi trả bồi thường, nhiều công ty bảo hiểm đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp thông minh. Đơn cử, Hanwha Life Việt Nam cho ra mắt ứng dụng LIME cho phép khách hàng yêu cầu và nhận quyền lợi bảo hiểm trực tuyến, quản lý hợp đồng trực tuyến (e-Policy), thay đổi thông tin cá nhân, thông tin hợp đồng, thanh toán bảo hiểm online (e-payment)…

Tin bài liên quan